Cập nhật lúc: 24/04/2023

Xử lý vi phạm nồng độ cồn: Không chỉ có chế tài

Điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là một hành vi vi phạm pháp luật, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn tới nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT), ảnh hưởng đến bản thân và mọi người xung quanh.
 Với mục tiêu giảm thiểu TNGT liên quan đến rượu, bia, từ năm 2023, lực lượng công an mà nòng cốt là lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) xác định công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện là chuyên đề, kế hoạch thường xuyên.

Theo nhận định của Bộ Công an, vào dịp lễ, Tết, vấn nạn đã uống rượu, bia vẫn lái xe khá phổ biến. Song, khi các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát xuyên suốt trong dịp Tết Quý Mão vừa qua, số lượng người vi phạm bị phát hiện tăng cao, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia giảm rất nhiều. Nhiều người sau khi thấy lực lượng chức năng xử lý nghiêm đã thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi, không lái xe khi sử dụng rượu, bia. Song, bên cạnh những kết quả đạt được, trên phạm vi toàn quốc vẫn còn những “ma men” cầm lái, dẫn tới tai nạn hoặc có hành vi chống đối người thi hành công vụ, gây bức xúc trong dư luận.

Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện.

Đơn cử như vụ TNGT vào tối 9/4 vừa qua ở tỉnh Quảng Ngãi, tài xế điều khiển ô tô tải BKS 76C-025.45 tông hàng loạt xe máy trên đường Trương Định, TP. Quảng Ngãi. Thông tin từ Công an TP. Quảng Ngãi cho biết, tài xế này đã sử dụng rượu, bia (kết quả đo nồng độ cồn 0,704 mg/lít khí thở) trước khi điều khiển phương tiện. Hay như mới đây, Công an TP. Buôn Ma Thuột ra quyết định tạm giữ hình sự một đối tượng say rượu, điều khiển xe máy không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, liên tục lăng mạ, chửi tục và đánh cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ. Thông tin ban đầu cho biết, tối 15/4, một tổ công tác của Phòng CSGT, Công an tỉnh đang làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên đường Phan Bội Châu (đoạn thuộc phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, tổ công tác phát hiện Đ.D.T. (42 tuổi, trú xã Phú Lộc, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) điều khiển xe máy có dấu hiệu sử dụng nồng độ cồn nên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra. Tổ công tác yêu cầu đo nồng độ cồn nhưng T. không chấp hành mà còn liên tục chửi bới thô tục, xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ.

Có thể nói, mặc dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, cùng với chế tài xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn rất cao, song do ý thức, cùng với đó là thói quen “đã uống rượu, bia là không lái xe” chưa được hình thành trong một bộ phận người dân nên vi phạm vẫn còn nhiều, TNGT vẫn xảy ra.

Cán bộ làm nhiệm vụ đưa đối tượng Đ.D.T. về trụ sở công an lấy lời khai. Ảnh: Sỹ Đức

Trong thực tế, một số quy định đã giúp người tham gia giao thông hình thành được thói quen và chấp hành rất tốt, góp phần thực hiện mục tiêu kéo giảm TNGT, nhất là hạn chế thấp nhất người tử vong do TNGT. Cụ thể phải kể đến việc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy. Ngày 29/6/2007, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, quy định từ ngày 15/12/2007 bắt buộc người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Thời điểm đó bên cạnh sự đồng tình, ủng hộ, vẫn còn không ít trường hợp cố chấp, chống đối với muôn vàn lý do, song xét cho cùng thì lý do lớn nhất vẫn là thói quen đầu trần khi ngồi trên xe gắn máy đã tồn tại từ trước đó. Bằng nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay tỷ lệ người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy chấp hành việc đội mũ bảo hiểm trên phạm vi cả nước đạt trên 90%. Đây là con số cụ thể, dẫu đâu đó vẫn còn một số trường hợp không chấp hành, song nhìn chung có thể khẳng định đã xây dựng và hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe máy, thay vì chỉ đội để đối phó với lực lượng chức năng như thời điểm đầu quy định này mới ban hành.

Cũng như việc đội mũ bảo hiểm, nếu người cầm lái hình thành được thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, chắc chắn rằng những vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn sẽ giảm sâu, giảm mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ ban hành. Hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe” đồng nghĩa với việc người tham gia giao thông tự giác, tự nguyện chấp hành quy định pháp luật – đây được xem là giải pháp kéo giảm TNGT liên quan đến nồng độ cồn hiệu quả và bền vững nhất.

Hoàng Tuyết

In Gửi Email