Cập nhật lúc: 11/08/2023

Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển VHTTDL lần thứ nhất”: Hơn 1.000 tác phẩm cho thấy sự quan tâm đặc biệt của báo chí

Chiều 3.8 tại trụ sở Bộ VHTTDL, BTC Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất đã khai mạc vòng chấm sơ khảo. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC dự và phát biểu chỉ đạo công tác chấm giải.
 

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC phát biểu chỉ đạo công tác chấm giải

Cùng tham dự khai mạc vòng chấm sơ khảo có bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng sơ khảo; Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải; Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Phan Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo cùng các uỷ viên Hội đồng sơ khảo, phóng viên các cơ quan báo chí…
Bất ngờ với số lượng tác phẩm
Tại chương trình, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Phan Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo công bố quyết định thành lập và Quy chế làm việc của Hội đồng sơ khảo. Ông Phan Thanh Nam cho biết, thực hiện Quyết định số 2450/QĐ-BVHTTDL ngày 5.10.2022 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt Đề án tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch”, BTC đã ban hành Thể lệ Giải. Trưởng BTC Giải đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Sơ khảo Giải, cùng quy chế chấm và làm việc của Hội đồng sơ khảo. 

Phát biểu chỉ đạo công tác chấm giải, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ VHTTDL vui mừng khi lần đầu tiên phát động nhưng Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” đã nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan báo chí, nhiều nhà báo, phóng viên theo dõi các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch, thể hiện qua số lượng 1079 tác phẩm dự giải.

Khai mạc vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất

“Lần đầu tiên phát động khiến BTC không tránh khỏi những lo lắng rằng sự quan tâm của báo chí đối với các lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch liệu có đáp ứng kỳ vọng, mong muốn hay không. Tuy nhiên, hơn 1000 tác phẩm thực sự là một bất ngờ, thể hiện sự quan tâm của báo chí đối với các hoạt động của Bộ và của ngành VHTTDL cả nước. Một số loại hình có nhiều tác phẩm tham gia như báo in, điện tử, truyền hình, bên cạnh đó các loại hình phát thanh, báo ảnh cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan báo chí…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ chia sẻ.

Các thành viên Hội đồng sơ khảo

Thứ trưởng bày tỏ, kết quả bước đầu đã mang đến cảm xúc vui mừng, bởi số lượng tác phẩm không chỉ thể hiện sự quan tâm của báo chí đối với ngành mà còn tăng thêm  kỳ vọng về chất lượng của Giải thưởng. Những tác phẩm đa dạng cho thấy những dấu ấn, đóng góp của ngành VHTTDL trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước đã đưa lại cảm xúc, tạo nên chất liệu phong phú để các nhà báo thể hiện thành những tác phẩm chất lượng, đa sắc.
Thay mặt BTC, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cảm ơn các thành viên tham gia Hội đồng sơ khảo, Chung khảo và mong rằng, công tác chấm giải sẽ đảm bảo sự công tâm, chặt chẽ, khách quan, từng loại hình sẽ chọn được tác phẩm xuất sắc để trao giải.

Các thành viên Hội đồng sơ khảo

“Đề nghị các thành viên Hội đồng phát huy tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, đảm bảo việc chấm chọn theo đúng quy chế được ban hành. Số lượng tác phẩm lớn là áp lực cho các tiểu ban, vì vậy, từng thành viên cần tập trung cao độ, phát huy trách nhiệm, tâm sức nhằm đảm bảo chất lượng, tiến độ, để Giải thưởng “về đích” đạt yêu cầu đề ra. Bộ VHTTDL đang xây dựng kịch bản trao giải, hi vọng sẽ mang đến nhiều cảm xúc, ấn tượng về lần đầu tiên tổ chức Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch”…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh.
 Chất lượng của mùa giải đầu tiên sẽ tạo tiền đề tốt đẹp…
Báo cáo công tác thu nhận tác phẩm và chấm sơ khảo Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng sơ khảo cho biết, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất được phát động vào ngày 26.12.2022. Kể từ ngày phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng sơ khảo

Tác phẩm tham dự giải được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, báo ảnh, từ ngày 15.6.2022 đến hết ngày 30.6.2023. Sẽ có 03 giải đồng hạng cho 03 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao. Giải cá nhân, sẽ có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 10 giải Khuyến khích cho mỗi loại hình báo chí.
“BTC đã nhận được tổng số 1079 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sức hút của Giải, sự quan tâm của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch...”, bà Đỗ Thị Thu Hằng cho biết.

Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng BTC Giải

Từ 1079 tác phẩm dự giải, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và sơ loại các tác phẩm vi phạm Thể lệ giải. Kết quả có 1027 tác phẩm hợp lệ vào vòng chung khảo, cụ thể: Loại hình báo in có 344 tác phẩm; Loại hình báo điện tử có 299 tác phẩm; Loại hình phát thanh có 89 tác phẩm; Loại hình truyền hình có 201 tác phẩm; Loại hình báo ảnh có 94 tác phẩm.
Hội đồng Sơ khảo được thành lập gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh. Hội đồng Sơ khảo đã tiến hành thẩm định độc lập, thảo luận và chấm giải từ ngày 25.7.2023, dự kiến đến ngày 10.8.2023 hoàn thành vòng chấm sơ khảo. Dự kiến số lượng tác phẩm lựa chọn vào vòng Chung khảo theo loại hình như sau: báo in chọn 35 tác phẩm; báo điện tử chọn 30 tác phẩm; phát thanh chọn 20 tác phẩm; truyền hình chọn 30 tác phẩm; báo ảnh chọn 15 tác phẩm.

Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá Phan Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, do thời gian gấp gáp và số lượng tác phẩm gửi về dự Giải khá nhiều, với khoảng 40% số lượng tác phẩm gửi về liên tục vào thời điểm tuần cuối trước khi kết thúc thời hạn nhận tác phẩm dự thi  đã gây khó khăn cho Tiểu ban Thư ký- Tổng hợp trong việc sàng lọc kỹ về nội dung các tác phẩm, nhất là tác phẩm phát thanh, truyền hình. Tuy nhiên, với những thành viên nhiều kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm, công tác chấm giải sẽ được đảm bảo chặt chẽ, khách quan, minh bạch. 

Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến bày tỏ, số lượng tác phẩm ảnh gửi dự thi Giải thưởng này thực sự là một bất ngờ

 Các thành viên Hội đồng sơ khảo đã thảo luận, cho ý kiến về công tác chấm giải. Nhà nhiếp ảnh Vũ Huyến bày tỏ, số lượng tác phẩm ảnh gửi dự thi Giải thưởng này thực sự là một bất ngờ. Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” ra đời sau có lợi thế từ kinh nghiệm của nhiều Giải thưởng được tổ chức trước đó, tuy nhiên cũng gặp sức ép để tạo sức hút, dần dần xây dựng uy tín và thương hiệu. “Với các phóng viên, nhà báo chuyên về nhiếp ảnh, tham gia Giải là cơ hội, bởi văn hoá, thể thao và du lịch là mảnh đất rất rộng,  nhiều đề tài để khai thác. Hi vọng sẽ có nhiều tác phẩm chất lượng được chấm chọn và trao giải…”, ông Vũ Huyến nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới nhìn nhận, số lượng tác phẩm gửi tham dự cho thấy sức hút của văn hoá, thể thao, du lịch đối với báo chí nói chung và từng nhà báo nói riêng

Nhà báo Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Hà Nội mới nhìn nhận, số lượng tác phẩm gửi tham dự cho thấy sức hút của văn hoá, thể thao, du lịch đối với báo chí nói chung và từng nhà báo nói riêng. Giải Báo chí Toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” cũng có nhiều đặc thù, nét mới so với các Giải thưởng khác, như quy định một số tác phẩm đã có giải quốc gia, quốc tế sẽ không tham gia, đòi hỏi BGK phải nghiêm túc và kỹ lưỡng trong công tác chấm chọn. Ông Nguyễn Minh Đức cũng lưu ý một số vấn đề về bản quyền, tính hư cấu… Đồng thời, cần chú ý đảm bảo tỉ lệ công bằng giữa các loại hình, lĩnh vực để sự tôn vinh, đánh giá đồng đều, chất lượng.

Nhà báo Nguyễn Hà Nam, nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Hà Nam, nguyên Trưởng Ban Thư ký Biên tập, Đài Truyền hình Việt Nam góp ý, công tác truyền thông cho giải thưởng những mùa sau cần chú ý đẩy mạnh nhằm thu hút nhiều hơn sự tham gia của các cơ quan báo chí ở các địa phương.
Đồng quan điểm số lượng tác phẩm tham dự cuộc thi cho thấy văn hoá, thể thao và du lịch ngày càng có vị thế quan trọng trong đời sống, thu hút sự quan tâm và khai thác của báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân dân cũng lưu ý, công tác chấm chọn và trao giải cần chú ý tính cân bằng giữa các loại hình, đề tài, lĩnh vực…

Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng ban Nhân dân điện tử, Báo Nhân dân

Cảm ơn những ý kiến góp ý  của các thành viên Hội đồng sơ khảo, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ, Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải đề nghị các thành viên của từng tiểu ban phát huy cao nhất trách nhiệm của mình để công tác chấm giải đạt hiệu quả, chất lượng cao, đúng tiến độ đề ra.

Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tổ chức để lựa chọn, trao giải cho tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng, phát sóng trong thời gian quy định; trao giải cho cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm tham dự đạt giải.

Giải nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân đội ngũ những người làm báo đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Thông qua Giải thưởng nhằm thông tin, giới thiệu những kết quả, thành tựu của công tác văn hoá, thể thao và du lịch. Đồng thời, phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành; cổ vũ, động viên cán bộ trong toàn Ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.Tạo điều kiện để các nhà báo được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.

PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

In Gửi Email