Phim Việt trầm lắng nửa cuối năm 2023
Đóng góp lớn nhất cho doanh thu trên đến từ hai bộ phim thuộc top 3 phim Việt ăn khách nhất lịch sử là “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành (gần 500 tỷ) và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” của Lý Hải (gần 300 tỷ). Tuy nhiên, ngay khi “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và “Con Nhót mót chồng” rời rạp, phòng vé từ tháng 6 đến tháng 9 chỉ còn là cuộc “so găng” của phim ngoại. Phim Việt hoàn toàn mất hút. Đây là hiện tượng chưa từng có của điện ảnh nước nhà, ngoại trừ năm 2021 cả nước phải giãn cách vì dịch COVID.
Còn nhớ, khi “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2” ra mắt dịp Tết Quý Mão, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Sự thành bại của phim Việt trong năm 2023 phụ thuộc rất lớn vào lần xuất quân của “Nhà bà Nữ” và “Chị chị em em 2”. Bởi nếu phim thất bại, bết bát ở phòng vé, thì coi như khán giả sẽ mất niềm tin vào phim Việt. Nó kéo theo hiệu ứng domino khiến hàng loạt tác phẩm điện ảnh “ngã ngựa” như trong năm 2022. Rất may mắn, hai phim này đã thành công vang dội khiến khán giả lấy lại kỳ vọng, tạo cú hích cho hàng loạt tác phẩm mới trình làng, cũng như nhà sản xuất mạnh dạn bấm máy những tác phẩm táo bạo, mới mẻ hơn”.
Nhìn doanh thu khá tốt của các phim nối gót theo sau như “Lật mặt 6”, “Con Nhót mót chồng”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Vong nhi”, “Người giữ thời gian”, “Những đứa trẻ trong sương”…, công chúng càng tin lời khẳng định của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh. Một số ít phim thua lỗ nặng như “Khi ta hai lăm” của đạo diễn Luk Vân hay “Biệt đội rất ổn” của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp là do chất lượng quá tệ, kịch bản và diễn xuất nhạt nhòa, phi lý. Đáng lẽ thừa thắng xông lên và bùng nổ sáu tháng cuối năm, vậy mà phim Việt chững lại và mất hút trên màn ảnh rộng dịp hè - dịp học sinh, sinh viên nghỉ ngơi và kéo nhau ra rạp.
Nếu để ý sẽ dễ dàng nhận thấy: dù doanh thu tăng trưởng ngoạn mục nhưng so về số lượng thì 5 tháng đầu năm 2023, phim nội địa chỉ có vỏn vẹn 10 tác phẩm. Đây là con số thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Cùng kỳ năm 2022, số phim Việt đã lên đến 24. Ngay trong thời gian dịch COVID hoành hành dữ dội năm 2020 và 2021, số phim nửa đầu năm cũng nhỉnh hơn với 11 phim. Tình trạng phim nội vắng bóng trong mùa hè và những tháng cuối năm khiến năm 2023 được dự báo là năm chạm đáy số lượng tác phẩm nội địa.
Lý giải về điều này, nhà biên kịch trẻ Trần Nguyên Bảo phân tích: “Giờ có muốn tung tác phẩm mới để tận dụng sức nóng và sự đón nhận của khán giả, nhà sản xuất cũng đành bó tay đứng nhìn. Người trong ngành đều biết, thời gian bấm máy và khâu hậu kỳ hoàn thiện một bộ phim phải mất ít nhất một năm. Năm ngoái, số phim ra rạp ồ ạt vì dịch bệnh hồi năm 2020 và 2021 khiến nhiều dự án trước đó tồn kho, phải hoãn, dời lịch chiếu liên tục. Sang đến năm nay, phim tồn kho đã cạn. Trong khi đó lượng phim được sản xuất trong năm 2020 hay 2021 gần như không có vì ảnh hưởng dịch bệnh. Năm 2022, chỉ vài nhà sản xuất lớn, đủ tiềm lực kinh tế và thương hiệu để gọi vốn đầu tư như Trấn Thành, Lý Hải, Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng… mới rục rịch bấm máy nên số phim chiếu năm nay khá ít ỏi. Việc hàng loạt phim thua lỗ hồi năm ngoái cũng khiến nhiều nhà sản xuất nhát tay, chưa dám “ra trận” trở lại”.
Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, ngoài lý do thiếu phim để chiếu, một số nhà sản xuất cũng e ngại việc đụng độ “bom tấn” ngoại ồ ạt trong dịp hè. Do đó, nhà sản xuất nào còn “đứa con tinh thần” hay ho thì họ giữ kín, kiên nhẫn chờ đợi thời điểm vàng. Hiện cuối năm chỉ mới xuất hiện hai phim đã ấn định lịch chiếu là “Kẻ ẩn danh” của đạo diễn Trần Trọng Dần (dự kiến chiếu vào dịp lễ 2/9) và “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (dự kiến chiếu vào ngày 20/10). Riêng loạt phim đã hoàn thành như “Mặt nạ Fanti”, “Móng vuốt”, “Tết ở làng địa ngục”, “Người vợ cuối cùng”… vẫn chưa thấy ấn định lịch chiếu.
Song, lý do này vẫn bị cho là cách chống chế của người làm nghề khi họ luôn mang nặng tâm lý sợ thua lỗ. Bởi nhìn các mùa hè trước, phim Việt vẫn làm nên chuyện giữa rừng phim ngoại nếu chất lượng tốt, có sức hút và được truyền thông bài bản. Điển hình như “Em và Trịnh” phát hành mùa hè năm 2022 vẫn thu về 100 tỷ đồng. Hay như vừa qua, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” và “Con Nhót mót chồng” dù phải so găng với “bom tấn” Hollywood nhưng vẫn nghiễm nhiên đứng nhất, nhì bảng doanh thu.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho rằng khán giả vẫn luôn “khát” phim Việt, bất kể ở thời điểm nào. Cái họ cần là một tác phẩm ra tấm ra món, đáng đồng tiền bát gạo chứ không phải là kiểu phim mì ăn liền chộp giật, sơ sài, cẩu thả. “Trải qua hai năm dịch COVID, thói quen và thị hiếu xem phim của khán giả đã thay đổi. Kinh tế khó khăn, hầu bao bị thắt chặt khiến khán giả đắn đo, chọn lựa kỹ càng hơn tác phẩm mình sẽ chọn xem. Bộ phim nào muốn sống được, trước hết chất lượng nội dung phải tốt, nhiều điểm lôi cuốn. Nội dung ổn rồi thì phải có sự lan tỏa, truyền thông rộng rãi. Bởi khán giả thường dựa theo đánh giá của người khác để quyết định đặt vé. Thói quen mới này của công chúng là bộ lọc thúc đẩy nhà làm phim chúng tôi sáng tạo những tác phẩm hấp dẫn trong tương lai” - anh nói.
Nhưng với nhà làm phim, nguồn vốn để đầu tư cho dự án là thử thách không hề dễ dàng, nhất là giai đoạn hậu COVID, tình hình kinh tế rơi vào khó khăn chung. Thông thường kinh phí để có thể làm ra bộ phim tầm trung rơi vào khoảng 20 tỷ đồng - con số không hề nhỏ. Nhà đầu tư khó tính hơn khi lựa chọn rót vốn vào một cuộc chơi điện ảnh mà thị hiếu khán giả rất khó đong đếm. Họ phải cố làm sao giảm thiểu rủi ro ở con số thấp nhất. Do vậy, với những dự án lớn được nhà sản xuất và đạo diễn tên tuổi đứng mũi chịu sào, việc gọi vốn vẫn đỡ chật vật hơn so với những dự án vừa và nhỏ của tên tuổi tân binh. Ngay như dự án “Huyết rồng” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh - bộ phim khai thác cuộc đời vị vua gây tranh cãi nhất lịch sử phong kiến Việt Nam Lê Long Đĩnh - cũng phải tạm ngưng vì mắc kẹt nguồn đầu tư.
Sự trầm lắng của phim Việt nửa cuối năm 2023 là điều đáng buồn, bỏ lỡ sức nóng đáng kinh ngạc của thị trường hồi đầu năm. Bởi bắt đầu từ năm nay, Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực. Theo đó, phim Việt không chỉ được ưu tiên trong khung giờ vàng mà còn được tăng suất chiếu.
Cụ thể, ở Điều 9 về “Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam” có quy định: “Phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ.
Tỉ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình sau: Giai đoạn 1: Từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Giai đoạn 2: Từ ngày 1/1/2026 bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm”. Cú hích doanh thu từ loạt phim đầu năm 2023 cộng với hiệu lực của Luật Điện ảnh sửa đổi, giới chuyên môn kỳ vọng thị trường điện ảnh sẽ trở thành thỏi nam châm hấp dẫn nhà đầu tư, từ đó khơi thông dòng vốn. Nhưng đó vẫn là câu chuyện của tương lai khi chất lượng phim Việt vẫn còn phập phù và trông đợi doanh thu bằng thời điểm.