Quyết liệt cấm sóng phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ
Phim Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp
GS.TS Trần Thanh Hiệp (Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình): Vi phạm "đường lưỡi bò" trắng trợn và đầy thâm ý
Lãnh tụ Lênin đêm trước của Cách mạng Tháng Mười đã nói rằng: "Trong các loại hình nghệ thuật đối với chúng ta, quan trọng nhất là điện ảnh", bởi ông nhận ra khả năng cổ vũ tuyên truyền mạnh mẽ của nó. Trong các xung đột trên thế giới, các nước khác nhau, các thế lực khác nhau đều nhìn thấy sức mạnh tuyên truyền của điện ảnh.
Vừa qua, phim Barbie do một hãng phim của Mỹ sản xuất vì có "đường lưỡi bò" đã bị cấm chiếu. Ngay sau đó, trong cộng đồng mạng nhiều người lập tức tìm xem trailer của phim này. Trong trailer hình ảnh bản đồ khá mờ. Đã có ý kiến băn khoăn. Họ hỏi, hình vẽ trên phim có đúng là thể hiện "đường lưỡi bò" không, nhất là khi nhà sản xuất sau khi có tin Việt Nam cấm chiếu đã khẳng định rằng đó chỉ giống hình vẽ của trẻ con chứ không nhằm đưa ra một tuyên bố nào. Thực tế, trong phim Barbie, bản đồ có "đường lưỡi bò" không chỉ xuất hiện một lần, không chỉ một cảnh. Trong bản đồ ta thấy Vạn lý trường thành, "đường lưỡi bò" được tác giả thể hiện với sự cài cắm tinh vi.
Trước đây, phim Người tuyết bé nhỏ cũng do một hãng của Mỹ sản xuất có đường lưỡi bò đã bị cấm chiếu. Sự cài cắm ở phim này tinh vi theo cách khác. Nhiều lần bản đồ trong Người tuyết bé nhỏ xuất hiện nhưng dường như được thân hình nhân vật chính che đi, chỉ lộ ra 3 lần mỗi lần vài giây, nhiều là mấy chục giây, mắt thường khó nhận ra. Không phải ngẫu nhiên mà phim công chiếu đến ngày thứ 10, khi có hình chụp từ màn ảnh đưa lên mạng mọi người mới phát hiện ra. Những người muốn tuyên truyền cho "đường lưỡi bò" họ thừa biết không thể tuyên truyền thô bạo. Cũng như Barbie, phim Người tuyết bé nhỏ nội dung không phải là câu chuyện về chủ quyền, thậm chí là phim hoạt hình, đối tượng đa số là trẻ em, "đường lưỡi bò" được đưa vào một cách tinh vi như một bối cảnh, một thực tế tất nhiên. Sự trắng trợn và thâm ý chính là chỗ đó.
Một số phim nước ngoài cài cắm "đường lưỡi bò" bị phát hiện và cấm chiếu ở Việt Nam thời gian qua đã cho thấy việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia, dân tộc trên lĩnh vực điện ảnh là một thách thức rất lớn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh và bắt tay phân chia thị trường, việc này càng phức tạp, khó khăn hơn. Những người làm trong lĩnh vực điện ảnh và yêu điện ảnh phải có chung nhận thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không nhân nhượng, nói không với phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng chính là bảo vệ văn hóa dân tộc.
GS.TS Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và phân loại phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình
Tôi mong có chung quy định: Phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ thì loại bỏ, không cho phép chiếu, chứ không có chuyện chỉ cắt cảnh hoặc làm mờ đi cảnh vi phạm. Cần thể hiện thái độ dứt khoát, không mập mờ đối với các nhà điện ảnh các nước.
Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn phim qua hệ thống rạp và trên không gian mạng theo Luật Điện ảnh được tiền kiểm và hậu kiểm. Nhìn vào số lượng phim và số cán bộ hiện có thì thấy áp lực rất lớn. Đã đến lúc nên quan tâm đầu tư kỹ thuật công nghệ tương xứng cho công tác thẩm định phim. Công nghệ không thay được hoàn toàn con người nhưng công nghệ có thể giúp rất nhiều. Chúng ta có cần đến trí tuệ nhân tạo không? Anh em làm công nghệ nói với tôi có thể tạo ra hệ thống phát hiện hình ảnh không mong muốn trên phim. Nếu có hệ thống ấy, công việc của tổ công tác thẩm định phim trên không gian mạng chắc sẽ hiệu quả hơn, nhanh hơn nhiều. Giải pháp để công tác quản lý việc phổ biến, phát hành phim đã được đề cập nhiều ở các văn bản của Bộ VHTTDL. Nhưng tôi nghĩ vẫn nên quan tâm tới trách nhiệm tuân thủ Luật Điện ảnh của các cơ sở phát hành, phổ biến phim ở Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
Nhà thơ, nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt: Quyết liệt cấm sóng phim vi phạm chủ quyền lãnh thổ
Câu chuyện cài cắm "đường lưỡi bò" trong các văn hóa phẩm ngày càng tinh vi, các nhà quản lý, phát hành phim cần lưu tâm, để ý hơn bởi việc này diễn ra không phải một lần mà đã vài lần.
Một trong những nguyên nhân phim quốc tế chiếm thị phần lớn trên các nền tảng xem phim trực tuyến là do nội dung phim nội chưa hấp dẫn, kho phim chưa nhiều khiến Việt Nam phụ thuộc vào phim ngoại. Khối lượng sản xuất của chúng ta không đủ nhiều và hấp dẫn nên ta phải đi mua rất nhiều sản phẩm từ các nước. Chính điều này dẫn tới việc chúng ta không có khả năng kiểm duyệt được toàn bộ nội dung đã mua một cách chính xác và kỹ lưỡng, dễ dẫn tới những vi phạm nghiêm trọng về chủ quyền đất nước.
Điều đáng mừng là các cơ quan quản lý đã rất kiên quyết trong vấn đề này. Không phải bộ phim nào có hình ảnh "đường lưỡi bò" là chúng ta làm mờ hoặc cắt đi là được. Đây là câu chuyện liên quan tới chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải quyết liệt ngay từ đầu rằng bất cứ một bộ phim nào vi phạm điều này đều không được phát sóng.
Các nền tảng chiếu phim trên mạng hầu hết đều có bộ phận kiểm duyệt trước khi phim được phát hành nhằm phân loại cũng như dán nhãn độ tuổi của phim. Bất cứ bộ phim nào phát sóng trên nền tảng chiếu phim sẽ thông qua bộ phận kiểm duyệt về nội dung để dán nhãn, phân loại cho bộ phim đó như bạo lực, gia đình, hành động…Từ đó quy định về độ tuổi và có những khuyến cáo.
Các nền tảng chiếu phim trực tuyến cần hành động quyết liệt, chặt chẽ hơn, thậm chí phải có những thỏa thuận với nhà cung cấp để có những nội dung sạch - nội dung không vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt cũng cần được cân nhắc tăng nặng đối với những trường hợp tái phạm. Các nền tảng phát hành phim phải cam kết với cấp quản lý không chiếu phim có chứa hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp, và chịu trách nhiệm với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là tái phạm./.