Mối quan hệ mật thiết giữa văn hoá với văn học nghệ thuật
Lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2022 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là tổ chức Chính trị - xã hội – nghề nghiệp, được Đảng thành lập và Nhà nước giao nhiệm vụ, bao gồm các văn nghệ sĩ - trí thức hoạt động trong các lĩnh vực: sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận - phê bình văn học nghệ thuật. Đội ngũ văn nghệ sĩ được Đảng lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm sâu sắc; luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, một lòng một dạ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Dưới mái nhà chung ấm áp và nghĩa tình, các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật mới, phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn cao cả, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nền văn học nghệ thuật ngày nay tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có cách nhìn điềm tĩnh ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống, ca ngợi, khẳng định những cái tích cực, cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đời sống Văn học nghệ thuật. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã lao động sáng tạo quên mình, thậm chí hy sinh cả xương máu, tuổi trẻ để dựng lên những cột mốc lịch sử, những tượng đài bất tử bằng các lọi hình văn học nghệ thuật, để luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, Văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng, xu hướng chuyên nghiệp hoá ngày càng được đề cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, tác dụng xã hội ngày càng rõ rệt.
Tiếp thu những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa văn nghệ dân tộc là: chủ nghĩa yêu nước, nhân văn, những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, đẹp, lành mạnh đã trở thành những món ăn tinh thần giúp con người vượt qua những khó khăn, trở ngại, thách thức trong cuộc sống; hoàn thiện nhân cách; trau dồi lòng yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, góp phần bồi dưỡng nhận thức, vun đắp tình cảm, tâm hồn của con người, hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ cao đẹp.
Qua mỗi chặng đường của Cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã nhận rõ vai trò to lớn của tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, nhất là nhận ra yêu cầu cấp bách của việc vận động, tổ chức, định hướng và lãnh đạo để tầng lớp tinh hoa này của dân tộc đem tài năng, trí tuệ và nhiệt tình yêu nước của mình, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Đảng đã giương cao ngọn cờ chỉ hướng, mở rộng con đường cho hàng nghìn, hàng vạn văn nghệ sĩ cống hiến trọn vẹn tài năng và sức lực, tận hiến cho sự nghiệp cứu nước và dựng nước của dân tộc ta. Với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm thực sự trở thành những “tượng đài nhân văn” được ghi nhận và đánh giá cao, trở thành “biên niên sử bằng thơ, ca, nhạc, họa”, “giai điệu tự hào” vang vọng mãi trong tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Ngay từ khi mới thành lập, với lực lượng chưa đông đảo, lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đã làm theo lời dạy của Bác Hồ là “kháng chiến hoá văn hoá, văn hoá hoá kháng chiến” và “Văn hóa, Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Người cho rằng văn hoá - văn nghệ là công cụ sắc bén trong đấu tranh cách mạng, là một mặt trận và người làm văn hoá, văn nghệ là chiến sĩ cách mạng trên mặt trận ấy. Quan niệm này đã đặt những người hoạt động văn hoá - văn nghệ lên tầm cao mới trong sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi văn hoá nghệ thuật vừa phải khẳng định bản chất nghệ thuật, chức năng thẩm mỹ vươn tới cái đẹp nhưng vừa phải mang tính chiến đấu.
Hội Văn nghệ Việt Nam ra đời là thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và văn nghệ. Hội Văn nghệ Việt Nam tự nguyện là thành viên của Hội Văn hoá Việt Nam, tham gia mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Đó là: Văn hóa cần đi sâu vào quần chúng lao động, sáng tác lưu lại để đời (cho hôm nay và mai sau, cho công chúng trong nước và quốc tế) những tác phẩm văn học nghệ thuật xứng đáng với truyền thống và sự nghiệp vĩ đại, những trang vàng của lịch sử dân tộc.
Văn học nghệ thuật là một trong những bộ phận hợp thành của văn hoá cùng với kinh tế, xã hội, tôn giáo, đạo đức, phong tục, tập quán…. Nếu văn hoá thể hiện quan niệm và cách ứng xử của con người trước thế giới, thì văn học nghệ thuật là hoạt động phản ánh, lưu giữ những thành quả đó một cách sinh động nhất. Văn hoá của một dân tộc cũng như của toàn thể nhân loại đã trải qua nhiều thời kỳ đấu tranh và sáng tạo để hình thành những giá trị trong xã hội. Văn học nghệ thuật vừa thể hiện con đường tìm kiếm đó, vừa là nơi định hình những giá trị đã hình thành. Cũng có thể nói văn học nghệ thuật biểu hiện văn hoá, văn học nghệ thuật là tấm gương phản ánh của văn hoá. Văn hoá tác động đến hoạt động sáng tạo của các văn nghệ sĩ từ đề tài, hình thức, nội dung tác phẩm và tác động đến thái độ tiếp nhận của công chúng. Những người sáng tạo văn học nghệ thuật với những tác phẩm, công trình nghệ thuật của mình là một sản phẩm văn hoá. Công chúng thưởng thức, người đọc, xem tác phẩm đã được rèn luyện về thị hiếu thẩm mỹ trong một môi trường văn hoá nhất định. Chính không gian văn hoá này chi phối cách xử lý đề tài, thể hiện chủ đề, xây dựng nhân vật, sử dụng thủ pháp nghệ thuật… trong quá trình sáng tác; đồng thời cũng chi phối cách phổ biến, đánh giá, thưởng thức… trong quá trình tiếp nhận. Một nền văn hoá cởi mở, bao dung mới tạo điều kiện thuận lợi cho văn học nghệ thuật phát triển. Vì vậy, có thể nói văn học nghệ thuật là thước đo, vừa lượng định, vừa kiểm nghiệm chất lượng và trình độ văn hoá của một xã hội.
Nhân kỷ niệm 78 năm thành lập ngành văn hóa (1945 – 2023), chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn vai trò vị trí của văn học nghệ thuật trong đời sống xã hội, mối quan hệ khăng khít giữa văn hóa và văn học nghệ thuật, như Đảng ta đã khẳng định “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng Chân – Thiện – Mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng nỗ lực rèn luyện, tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khẳng định cái mới, cái tích cực, cái tốt đẹp. Hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về đề tài 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (2024) và 50 năm thống nhất đất nước (2025) hướng tới mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045) với các chủ đề: Sống mãi với thời gian do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bài ca thống nhất non sông do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát động. Phát huy tối đa sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Nâng cao chất lượng công tác lý luận phê bình, tăng sức chiến đấu của ngòi bút, chống cái ác, cái xấu xa, cái thấp hèn. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao ý thức trách nhiệm phản biện xã hội, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, âm mưu thù địch nhằm phân hóa đội ngũ. Chống lại những biểu hiện “lệch chuẩn”, nghiệp dư hóa trong sáng tác và phê bình. Văn nghệ sĩ hôm nay dám đi vào những đề tài nóng của cuộc sống, để có những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, rung động lòng người, lan tỏa rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân
PGS.TS, nhạc sĩ ĐỖ HỒNG QUÂN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam