Diễn đàn Văn hóa các dân tộc Việt Nam: Tập trung nguồn lực con người để phát triển
Các chuyên gia trao đổi tại Diễn đàn
Dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn có Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương và đông đảo đồng bào DTTS.
Công tác xây dựng, phát huy nguồn lực còn “phảng phất” tính hình thức
PGS.TS Trần Bình (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, phát triển nguồn lực văn hóa, nhất là ở vùng đồng bào DTTS đang gặp khó khăn do hiện tượng “đứt đoạn” giữa các thế hệ cha ông với con cháu và diễn ra khá phổ biến. Thêm vào đó, việc điều tra, nghiên cứu, khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các tộc người cũng chưa thật sự được chú ý.
“Rất nhiều công trình, đề tài nghiên cứu chất lượng chưa tốt, chưa tương xứng với tiền của đã đầu tư. Nhiều lễ hội, nghề truyền thống, tập tục cổ truyền của các tộc người được phục dựng, vận dụng nhưng vẫn “phảng phất” tính hình thức. Vì thế, việc khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu về giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay chưa được là bao. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự chú ý vào bảo tồn văn hóa truyền thống của các tộc người”, PGS.TS Trần Bình nêu. Đồng quan điểm, GS.TS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhận định việc hoạch định, xây dựng và ban hành chính sách, dự án phát triển ở một số nơi còn nhiều bất cập. Hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. Một số chính sách thiếu tính cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn. Hệ quả là dù đã có rất nhiều văn bản, chính sách hỗ trợ phát triển được ban hành nhưng đến nay, so với mặt bằng chung của cả nước, vùng đồng bào DTTS vẫn là vùng chậm phát triển nhất. Cũng vì tự ti mình nằm trong vùng chậm phát triển, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu Văn hóa) chia sẻ, nhiều cộng đồng các DTTS rất dễ tự định kiến, không tự tin thể hiện văn hóa của mình. Từ đó, không nhìn nhận rõ ràng về nguồn lực văn hóa của tộc người mình, khó huy động và sử dụng được những nguồn lực văn hóa đó trong phát triển cộng đồng, tộc người.
“Chúng ta phải có được những chính sách, dự án mang tính đồng đều, tránh độ “vênh” trong phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội giữa các tộc người. Đồng thời, “đối xử” công bằng và tôn trọng tất cả các nguồn lực văn hóa của tất cả các dân tộc”, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm nói.
Khơi thông nguồn lực văn hóa các DTTS, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng đang được đặt ra
Khơi thông nguồn lực văn hóa các dân tộc phải dựa vào yếu tố con người
Để phát triển nguồn lực văn hóa vùng đồng bào DTTS, GS.TS Từ Thị Loan đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế văn hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật bám sát yêu cầu thực tiễn. Việc hoạch định chính sách phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc trưng văn hóa, điều kiện cư trú, tâm lý, tính cách dân tộc của từng vùng, miền, địa phương; phát huy được tiềm năng, lợi thế và tinh thần tự lực của từng cá nhân trong cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Chí Bền và PGS.TS Trần Bình nhấn mạnh vào việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ trí thức các DTTS. “Không ai hiểu văn hóa dân tộc mình bằng chính người của dân tộc đó. Chúng ta phải khuyến khích các thế hệ trẻ các DTTS học tập, sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ và chữ viết của dân tộc mình để họ khai thác, vận dụng kho tàng tri thức tổ tiên họ để lại... Đồng thời, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho các vùng có đồng bào các DTTS, phấn đấu đào tạo con em các DTTS thành chuyên gia, nhà khoa học có trình độ chuyên môn tốt”, các chuyên gia nhận định. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta phải tập trung vào nguồn lực con người. Phải xây dựng con người Việt Nam với đầy đủ tri thức, trí tuệ, năng lực, đạo đức, ý chí… dựa trên hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Có được nguồn nhân lực giàu trí tuệ, bản lĩnh, nguồn lực văn hóa các dân tộc chắc chắn sẽ được khơi thông. Văn hóa các dân tộc trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước”.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đề nghị phát triển kinh tế, xã hội thông qua nguồn lực văn hóa các dân tộc cần sớm thay đổi nhận thức; thiết lập chiến lược, chính sách, cũng như tổ chức áp dụng các chiến lược, chính sách ấy trong thực tiễn cho mục đích phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, tiếp tục đề xuất các mô hình, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng nguồn lực văn hóa cho sự phát triển bền vững đất nước. Trong đó, cần củng cố lòng tin và niềm tự hào của đồng bào các dân tộc về các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao dân trí, nhận thức của các chủ thể văn hóa, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật và tầng lớp trí thức người dân tộc; gắn bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với phát triển du lịch; phát huy tối đa sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.
ĐÌNH TOÁN - HOÀNG NGUYÊN; ảnh: TRẦN HUẤN