Phát huy sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, GS Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu về đề tài "Cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững trong thế kỷ 21". Theo đó, đề tài tập trung vấn đề về sự mất cân đối trong tỉ suất sinh và tỉ suất sinh thay thế, nguy cơ mất dân tộc, mất văn hóa khi tỉ suất sinh không đảm bảo.
Theo đề tài, Nhật Bản mất khả năng duy trì bền vững nòi giống khi chuyển từ thu nhập trung bình sang thu nhập cao. Trong 40 năm mà Nhật Bản lập nên kỳ tích về phát triển kinh tế giai đoạn 1960-2000, thì tỉ suất sinh Nhật Bản lại giảm mạnh nhất, nhanh nhất và không thể phục hồi sau 100 năm. Nghiên cứu cũng chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới việc giảm tỉ suất sinh ở Nhật Ban như việc Chính phủ, các doanh nghiệp và người dân đã dồn tất cả sức lực, thời gian và xây dựng các chính sách để đạt mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế đất nước và tăng thu nhập cho người dân. Trong khi đó đã không quan tâm đúng mức đến tạo các điều kiện về thời gian làm việc, về giáo dục, về chăm sóc y tế, về nhà ở, về cơ hội làm việc của phụ nữ và thu nhập của gia đình sau khi sinh con...
Theo nghiên cứu, việc một đất nước sau khi thoát nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình, thì càng giàu hơn, tỉ suất sinh càng giảm, xuống dưới tỉ suất sinh thay thế, mất khả năng duy trì bền vững nòi giống, không phải chỉ xảy ra ở Nhật Bản, mà gần như ở tất cả các nước từ thu nhập trung bình trở thành thu nhập cao, gồm các nước hầu như không có người nhập cư, đến các nước có lượng người nhập cư rất lớn để bù lại thiếu hụt lao động do tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế, thậm chí để tiếp tục tăng số lao động và dân số.
GS Nguyễn Thiện Nhân giới thiệu về đề tài "Cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững trong thế kỷ 21
Nghiên cứu cũng chỉ ra những nguy cơ và bài học đối với Việt Nam trong các chính sách dân số. "Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức và xây dựng chính sách thúc đẩy và giám sát phát triển xã hội theo hướng coi gia đình hạnh phúc, người dân hạnh phúc là mục tiêu ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao nhất có thể, thì Việt Nam tất yếu đi theo con đường mà tất cả nước phát triển đã và đang đi qua: Càng giàu càng mất khả năng duy trì bền vững nòi giống và lực lượng lao động"- GS Nguyễn Thiện Nhân nhận định.
Nghiên cứu đưa ra dự báo năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,28 triệu đàn ông so với phụ nữ ở (tuổi 20-49) còn đến năm 2059 sẽ thừa 2,1 triệu. Tức là về tổng thể, mục tiêu đưa tỉ lệ giới tính khi sinh ở Việt Nam về mức cân bằng tự nhiên giai đoạn 2016-2023 là thất bại, tình hình ngày càng xấu hơn. Nếu không có các giải pháp đột phá bây giờ thì triển vọng mục tiêu đến năm 2030 là không thể thực hiện được.
"Bài học của nhân loại 50 năm qua và của 19 tỉnh, thành phố phía Nam 20 năm qua là cảnh báo rất rõ ràng: Chúng ta phải có đột phá về chính sách xã hội, đặt mục tiêu chăm lo, xây dựng, bảo vệ gia đình Việt Nam ngang bằng, thậm chí cao hơn mục tăng trưởng kinh tế thì đất nước Việt Nam mới phát triển bền vững, dân tộc Việt Nam mới trường tồn. Còn gia đình Việt Nam, còn văn hóa Việt Nam thì có tất cả, có tiền đề để làm tất cả. Mất gia đình Việt Nam, mất văn hóa Việt Nam thì đất nước tự tiêu vong hoặc trở thành một nước có hàng chục triệu người nhập cư, không còn hồn cốt văn hóa Việt Nam"- GS Nguyễn Thiện Nhân nêu.
Sau khi lắng nghe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của GS Nguyễn Thiện Nhân. Bộ trưởng khẳng định, đề tài "Cần phát huy mạnh mẽ sức mạnh văn hóa để tạo ra sức mạnh dân số và kinh tế cho phát triển đất nước bền vững trong thế kỷ 21" thể hiện tâm huyết, trăn trở của GS Nguyễn Thiện Nhân đồng thời đem đến những luận điểm, kinh nghiệm, vừa mang tính học thuật vừa có tính thực tiễn giúp lãnh đạo Bộ VHTTDL có cái nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này. Từ nhận thức chung đó, Bộ VHTTDL cũng thấy được trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác trong tham mưu, xây dựng chính sách về dân số.
Toàn cảnh buổi làm việc
Bộ trưởng đồng tình với quan điểm nhìn góc độ phát triển dân số phải kết nối với văn hóa nhằm tạo ra sự phát triển bền vững đất nước của GS Nguyễn Thiện Nhân, đồng thời khẳng định, những người làm văn hóa nhận thức văn hóa là cốt lõi trong đời sống gia đình hạnh phúc. Văn hóa là nguồn lực, là động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, làm sao để chuyển biến nhận thức trong toàn xã hội là vấn đề không đơn giản. "Những người làm công tác quản lý VHTTDL đều nhận thức được điều này, tuy nhiên phải làm thế nào thay đổi nhận thức của xã hội lại không đơn giản. Vấn đề văn hóa và con người được đề cập đến một cách đầy đủ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xác định xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng nhiều tín hiệu vui là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 triển khai kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội. Bộ VHTTDL đã thực hiện được nhiều nội dung liên quan đến vấn đề dân số, gia đình như xây dựng và triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, Ban hành Quyết định triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Đề xuất xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam... Bộ VHTTDL cũng mong GS Nguyễn Thiện Nhân sẽ góp tiếng nói cùng với cơ quan quản lý nhà nước để làm sao xây dựng gia đình hạnh phúc với các tiêu chí nuôi dạy, sinh con khắc phục được những bất cập trước đây của công tác dân số và gia đình.
Bộ trưởng cho biết, từ những tư liệu của GS Nguyễn Thiện Nhân, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo các cục, vụ, viện chức năng nghiên cứu thêm, sâu hơn tìm ra những giải pháp để cụ thể hóa những mục tiêu mà Đề tài nêu ra, làm sao tăng tỷ suất sinh hợp lý, đảm bảo nguồn nhân lực phát triển bền vững đất nước./.