Cập nhật lúc: 04/10/2023

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội

Cháy, nổ luôn là mối hiểm họa khôn lường, thường để lại hậu quả nặng nề về sức khỏe, tính mạng cũng như thiệt hại về tài sản. Để chủ động trong công tác phòng ngừa, giảm thiêu thiệt hại do cháy, nổ gây ra cần phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Nhân Ngày Toàn dân phòng cháy chữa cháy (4/10), phóng viên Báo Đắk Lắk có cuộc phỏng vấn Đại tá Y SAN ADRƠNG, Phó Giám đốc Công an tỉnh chung quanh vấn đề này.

Đại tá Y San Adrơng.

♦ Ông đánh giá thế nào về kết quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Cục C07 và trực tiếp là Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH, trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 288 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 66 “Điểm chữa cháy công cộng” và hàng chục mô hình phong trào toàn dân PCCC tại khu dân cư cũng như các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại một số địa phương như huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ đã phát động hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”. Thông qua những mô hình, phong trào này đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong công tác PCCC và CNCH. Từ đó, phát huy phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 16 vụ cháy, nổ (giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm ngoái); lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ với hơn 40 lượt xe chữa cháy, CNCH tổ chức cứu chữa 16 vụ cháy, bảo vệ được tài sản giá trị hàng tỷ đồng cho người dân; trực tiếp tham gia CNCH 13 vụ, kịp thời cứu sống, đưa 7 người bị nạn đến nơi an toàn.

♦ Thời gian qua, vẫn còn nhiều vụ cháy, nổ xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra cháy, nổ nhưng quan trọng nhất vẫn là là ý thức chủ quan của cá nhân, tổ chức. Hiện nay không ít đơn vị, tổ chức, cá nhân vẫn xem việc PCCC là trách nhiệm của lực lượng công an, chưa chú trọng vận dụng các nguồn lực vào công tác PCCC và CNCH. Mặt khác, do địa bàn tỉnh có diện tích rộng, mạng lưới các đội chữa cháy và CNCH khu vực còn mỏng, bán kính bảo vệ lớn, điều kiện giao thông đi lại khó khăn, trong khi nhân sự, trang thiết bị chuyên dụng và nguồn kinh phí cho công tác PCCC và CNCH còn nhiều hạn chế… Khi xảy ra cháy tại những khu vực xã, huyện xa nơi đóng quân của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, thời gian di chuyển đến đám cháy kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả cứu chữa.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xử lý vụ cháy nhà xưởng ở Khu Công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

♦ Thời gian gần đây, tại một số tỉnh thành thường xảy ra các vụ cháy, nổ ở khu vực đông dân cư, chung cư, nhà cao tầng gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân. Đối với tỉnh ta, xin ông cho biết công tác PCCC ở những khu vực này được triển khai như thế nào?

Trên địa bàn tỉnh có Khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai và Cụm chung cư nhà ở xã hội Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) là thuộc loại hình chung cư; nhà cao tầng thì chủ yếu là những cơ sở như nhà ký túc xá các trường học, trung tâm thương mại, khách sạn. Các tòa nhà này trước khi đưa vào sử dụng đều đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về hệ thống PCCC.

Đối với các loại hình cơ sở này, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành Luật PCCC, chúng tôi thường xuyên phối hợp, hướng dẫn, thực tập phương án PCCC và CNCH sát với thực tế, giúp các lực lượng chủ động xử lý ban đầu khi xảy ra cháy, nổ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc duy trì hoạt động của các hệ thống PCCC và CNCH được lắp đặt, trang bị tại cơ sở.

♦ Theo ông, để hạn chế cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, cần những giải pháp cụ thể nào?

Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng Cảnh sát PCCC cùng các cấp, ngành, địa phương phải chủ động, trong đó nhiệm vụ phòng cháy phải đặt lên hàng đầu. Yêu cầu đặt ra đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, các địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về công tác PCCC. Trong đó, cần làm tốt phương châm "4 tại chỗ".

Ngoài việc đổi mới các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định về PCCC. Định kỳ tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng công an để nâng cao trình độ nghiệp vụ, phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn. Duy trì nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, CNCH, bảo đảm đầy đủ lực lượng, phương tiện và các phương án để xử lý kịp thời, hiệu quả khi có tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra.

♦ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Thành (thực hiện-Điện tử Đắk Lắk)

In Gửi Email