Cập nhật lúc: 15/06/2023

Bộ VHTTDL: Xử lý đơn là một trong những căn cứ để xét thi đua, khen thưởng

Bộ trưởng Bộ VHTTDL vừa ký Quyết định ban hành Quy chế xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại Bộ VHTTDL.
 
Bộ VHTTDL: Xử lý đơn là một trong những căn cứ để xét thi đua, khen thưởng  - Ảnh 1.

Trụ sở Bộ VHTTDL (Hình minh họa)

Xử lý đơn là một trong những căn cứ để xét thi đua, khen thưởng

Quy chế xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại Bộ VHTTDL gồm 3 chương. Trong đó, Chương I là Quy định chung; Chương II là trình tự, thủ tục tiếp nhận , phân loại và xử lý đơn; Chương III là chế độ báo cáo và quản lý công tác xử lý, giải quyết đơn.

Về đối tượng áp dụng, Điều 3 của chương I nêu rõ, đơn gửi đến Bộ, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải được xử lý theo đúng quy định của pháp luật; nhanh chóng, kịp thời; rõ ràng, thống nhất và tạo điều kiện thuận tiện cho công dân trong việc thực hiện các thủ tục về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Về Người có trách nhiệm xử lý đơn, tại Điều 4, Người có trách nhiệm xử lý đơn quy định trong Quy chế này bao gồm: Chánh Thanh tra Bộ; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Điều 5 của chương này cũng quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc xử lý đơn. Trong đó, Người có trách nhiệm xử lý đơn có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; bảo đảm các nguyên tắc xử lý đơn.

Người có trách nhiệm xử lý đơn mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, thiếu trách nhiệm trong việc xử lý đơn, để đơn quá hạn, cố ý thực hiện trái quy định pháp luật trong xử lý đơn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Việc xử lý đơn là một trong những căn cứ để xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân có trách nhiệm xử lý đơn theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng" - Điều 5, Chương I nêu rõ.

Phải xử lý trong 5 ngày kể từ khi tiếp nhận đơn

Nội dung của Chương II là về trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn,

Trong đó, Điều 6 nêu rõ, đơn được tiếp nhận từ các nguồn sau: Đơn do cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp gửi đến Lãnh đạo Bộ; các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; qua văn thư; qua dịch vụ bưu chính; qua hộp thư góp ý của cơ quan, đơn vị; qua địa điểm Tiếp công dân của Bộ; qua Đường dây nóng và các hình thức khác theo quy định pháp luật.

Đơn do Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt . trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển đến theo quy định của pháp luật.

Điều 7 của Quy chế này cũng quy định về việc phân loại đơn, vào số theo dõi đơn

Theo đó, đơn tiếp nhận từ các nguồn theo Điều 6 Quy chế này phải được phân loại, vào sổ theo dõi hoặc nhập thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc phần mềm xử lý đơn để tra cứu, quản lý, theo dõi theo quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

Việc lưu trữ, vào sổ theo dõi hoặc sao lưu dữ liệu trên máy tính, tra cứu thông tin được thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ, pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và Danh mục bí mật Nhà nước thuộc lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Quy chế cũng nêu rõ về trách nhiệm phân loại và vào sổ. Theo đó, Chánh Thanh tra Bộ có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận, phân loại đơn, nhập thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định, vào sổ theo dõi hoặc phần mềm xử lý đơn đối với những đơn gửi Lãnh đạo Bộ, gửi Bộ, gửi Thanh tra Bộ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Đối với việc vào sổ theo dõi đơn, Khoản 2 Điều 7 của Quy chế nêu rõ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại đơn, nhập thông tin vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định, vào sổ theo dõi hoặc phần mềm xử lý đơn đối với những đơn gửi cơ quan, đơn vị mình theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định tại Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Chương II của Quy chế cũng nêu rõ về quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo và đươn kiến nghị, phản ánh. Theo đó, đối với các loại đơn này, người có trách nhiệm xử lý phải thực hiện các quy trình theo quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.

Gửi báo cáo định kỳ đến Thanh tra Bộ về tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn

Về chế độ báo cáo và quản lý công tác xử lý, giải quyết đơn, Điều 11 Chương III quy định rõ, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng và hằng năm, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm gửi báo cáo đến Thanh tra Bộ để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện việc báo cáo đột xuất về việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo yêu cầu của Bộ trưởng và các cơ quan có thẩm quyền.

Tại Điều 12 về Quản lý công tác xử lý, giải quyết đơn, quy định Chánh Thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về công tác xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trong phạm vi quản lý của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo và thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; tổng hợp kết quả xử lý, giải quyết đơn làm căn cứ cho việc xét thi đua, khen thưởng đối với cá nhân có trách nhiệm xử lý đơn theo quy định của pháp luật.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện công tác xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh trong phạm vi cơ quan, đơn vị mình theo quy định của pháp luật và Quy chế này./.

Thế Công

In Gửi Email