Xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp tình hình mới
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng
Theo báo cáo của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thứ bảy, HĐND tỉnh khóa X, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nhìn chung tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển. Quy mô nền kinh tế cơ bản ổn định, duy trì ở mức khá. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch đúng định hướng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ.
Sơ chế sầu riêng để xuất khẩu tại huyện Krông Pắc. Ảnh: Vạn Tiếp |
Trong đó, một số kết quả nổi bật: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,47%, bằng 100,16% kế hoạch (KH). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 0,02%, bằng 101,55% KH. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 0,86%, bằng 100% KH năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 1,4%, bằng 102,83% KH. Các dự án trọng điểm, dự án đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột triển khai đảm bảo kế hoạch, tạo sự chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động việc làm, cải thiện đời sống của người dân được quan tâm…
“Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập trung đầu tư phát triển TP. Buôn Ma Thuột và đầu tư kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH và liên kết vùng, bảo đảm kết nối với khu vực kinh tế trong nước, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà. |
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế khẳng định: Những kết quả đạt được là rất quan trọng, tuy nhiên một số chỉ tiêu như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP), thu ngân sách thực hiện thấp so với kế hoạch; phát triển doanh nghiệp chưa đạt kể cả số lượng và vốn đăng ký, cùng với số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng; giải ngân các nguồn vốn đầu tư công, nhất là các chương trình mục tiêu đạt chưa cao… Đó là những vấn đề lớn mà UBND tỉnh cần hết sức quan tâm, phải có nhận định, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố tác động để có những giải pháp tối ưu cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Xác định mục tiêu phát triển phù hợp
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà nhận định, trong năm 2024, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; tác động của biến đổi khí hậu; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn đầu tư của ngân sách nhà nước vẫn tiếp tục khó khăn và chiều hướng giảm dần về tỷ trọng; thị trường bất động sản tiếp tục bị sụt giảm mạnh; quy mô nền kinh tế nhìn chung còn nhỏ, chưa có nhiều đột phá; khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế… là những thách thức rất lớn đặt ra.
Đường Võ Nguyên Giáp thông xe vào cuối tháng 10/2023 góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng cho TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hoàng Gia |
Cùng chung nhận định, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Võ Đại Huế nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025 đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân chung là 7%; trong đó năm 2021 thực hiện 5,07%; năm 2022 là 8,94% và năm 2023 đạt 4,39%, cùng với mức chỉ tiêu tăng trưởng đề ra cho năm 2024 dự kiến từ 6 - 6,8%. Như vậy, với kết quả thực hiện của năm 2023 thì chỉ tiêu đề ra cho năm 2024 là hợp lý. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà nghị quyết xác định trong giai đoạn thì năm 2025 phải đạt mức tăng trưởng cao khoảng 8% trở lên. Do vậy, cần làm rõ thêm trong định hướng cũng như có biện pháp, giải pháp đột phá mạnh mẽ trong năm 2024; đồng thời rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng để có giải pháp cho các lĩnh vực tăng trưởng thấp và các chỉ tiêu chưa đạt, làm tiền đề phấn đấu để có mức tăng trưởng cao trong năm 2025.
Tại kỳ họp, nhiều giải pháp thiết thực cũng được đề ra; trong đó trên cơ sở kết quả phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2023, cùng với một số dư địa tăng trưởng, năm 2024 tỉnh tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất, kinh doanh; khẩn trương hoàn thành công tác lập quy hoạch, kế hoạch, phương án sử dụng đất làm cơ sở để thu hút đầu tư. Đồng thời, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhất là những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị tăng cao gắn với phát triển thị trường, bảo đảm chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; quản lý chặt chẽ thu ngân sách nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án quan trọng, các công trình trọng điểm của tỉnh…
Lan Anh