Xây dựng bệnh viện hạng đặc biệt tại Tây Nguyên
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, từ đợt dịch thứ tư đến nay tỉnh đã ghi nhận hơn 8.000 ca mắc Covid-19. Tình hình ca mắc trong 14 ngày qua toàn tỉnh ghi nhận 1.518 trường hợp mắc mới, trung bình 108 ca mắc/ngày. Tính đến nay, tỉnh đã ghi nhận 43 trường hợp tử vong do Covid-19.
Đoàn công tác tặng trang thiết bị y tế cho tỉnh Đắk Lắk
Đến nay đã có 15/15 huyện, thị xã, thành phố thành lập Tổ điều phối trạm y tế lưu động và quản lý F0 tại nhà để kịp thời đáp ứng trước tình hình phòng, chống dịch và chăm sóc người nhiễm tại các địa phương.
Ông Nguyễn Đình Trung, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, bày tỏ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Bộ Y tế, Quốc hội trong thời gian qua. Cả hệ thống chính trị của địa phương về cơ bản đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu hụt trang thiết bị, vật tư y tế lẫn nhân lực ngành y chất lượng cao nên mong tiếp tục nhận được sự quan tâm từ trung ương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao tỉnh Đắk Lắk trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tỉ lệ tử vong thấp hơn nhiều so với cả nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tăng cường công tác xét nghiệm, phát hiện sớm để khoanh vùng, dập dịch để hạn chế tình trạng tử vong. Thu nhỏ việc khoanh vùng nơi phát hiện ca mắc, tăng cường cách ly, điều trị F0 tại nhà nhiều hơn. Tăng cường lực lượng đi tận ngõ, gõ tận nhà để tiêm vắc-xin cho những người trên 65 tuổi vì tỉ lệ tiêm vắc-xin độ tuổi này ở tỉnh Đắk Lắk còn thấp. "Tình hình dịch bệnh Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang lo sợ" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
GS-TS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Y dược TP HCM, cho biết Bộ Y tế đã giao đơn vị làm chủ đầu tư Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên (đặt tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Quy mô dự kiến khoảng 1.000 giường, với 7 tầng, đảm bảo thời gian khoảng 2 năm sẽ hoàn thiện, đi vào hoạt động.
Ngoài cơ sở hạ tầng đạt chuẩn thì nguồn lực, chuyên môn y bác sĩ ngành tim mạch, ung thư, đột quỵ... phải đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Dự kiến nguồn kinh phí xây dựng bệnh viện này khoảng 2.000 đến 3.000 tỉ đồng. Ban đầu, cơ sở có thể sẽ sử dụng nguồn nhân lực của Đại học Y dược TP HCM.
Đoàn công tác khảo sát khu vực xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện Tây Nguyên vẫn đang là vùng trũng về y tế. Do đó, việc đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên là rất cần thiết nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân. Bộ Y tế giao cho Đại học Y dược TP HCM làm chủ đầu bởi vì yếu tố quan trọng nhất không phải là cơ sở hạ tầng mà là vấn đề con người, nguồn nhân lực. Bộ Y tế cũng đang tính toán thành lập một trường đại học y dược cạnh bệnh viện để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Bệnh viện Đa khoa Trung ương Tây Nguyên.
"Trong tháng 12 này, đề nghị Trường Đai học Y dược TP HCM phải trình phê duyệt chủ trương đầu tư để sớm triển khai xây dựng. Với quy mô dự kiến 1.000 giường và yêu cầu chất lượng bệnh viện xếp loại hạng đặc biệt" - ông Nguyên Thanh Long nhấn mạnh.