Vóc dáng mới cho đô thị Buôn Ma Thuột
Kể từ đó đến nay, đô thị này đã từng bước được chỉnh trang, xây dựng ngày càng hiện đại, năng động hơn trong vai trò kết nối, làm động lực phát triển cho cả vùng Tây Nguyên.
Dựa trên cấu trúc đô thị Buôn Ma Thuột được phê duyệt bao gồm 2 vùng: Vùng phát triển nội ô (gần 11.000 ha) và vùng vành đai xanh bao quanh (khoảng 27.000 ha), đến nay thành phố đã được quy hoạch, xây dựng với tốc độ khá nhanh.
Bí thư Thành ủy Từ Thái Giang cho biết: 4 khu đô thị mới (Đông Bắc, Sân bay, Văn hóa - Thương mại - Y tế và khu đô thị Đại học) gắn với các chức năng, chuyên ngành hiện đang được triển khai, thực hiện theo như hoạch định, tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo.
Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hiện có 57 dự án phát triển đô thị được phê duyệt với tổng diện tích hơn 608 ha, trong đó có 34 dự án vốn ngân sách nhà nước và 4 dự án vốn của doanh nghiệp đã và đang triển khai với diện tích 427 ha. Theo đó, nhiều dự án trọng điểm như: Đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột, Đường Ðông - Tây nối Sân bay Buôn Ma Thuột với trung tâm thành phố, Khu liên hợp thể thao vùng Tây Nguyên, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Hồ sinh thái - cảnh quan Ea Tam… được tập trung đầu tư xây dựng, trong đó một số dự án/công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo nên diện mạo mới cho đô thị Buôn Ma Thuột.
Đây cũng là cơ sở bước đầu nhằm hướng tới và xác định tầm nhìn chiến lược phát triển thành phố này trở thành đô thị kết nối (hub city) trên các mặt kinh tế, giao thông, thương mại, công nghiệp, công nghệ cao, giáo dục, y tế và thể thao trong khu vực Tây Nguyên và vùng Duyên hải miền Trung - Nam bộ. Đặc biệt hiện nay, dự án Đường cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa đang được xúc tiến triển khai sẽ góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trên.
Không gian đô thị Buôn Ma Thuột không ngừng được mở rộng theo hướng Đông Bắc. |
Đến nay, UBND TP. Buôn Ma Thuột cùng các sở, ban, ngành liên quan đã xác định quy mô đất đai để phục vụ cho việc xây dựng đô thị, nhất là các khu đô thị mới đã được quy hoạch, bố trí hợp lý và đúng với tiêu chí đặt ra cho đô thị loại 1 cấp vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến quỹ đất dành cho xây dựng, phát triển giao thông và các công trình hạ tầng khác luôn chiếm tỷ lệ 12% trở lên. Theo đề án, cấu trúc đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2025, vùng phát triển đô thị nội ô (gồm các đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới) có tổng diện tích khoảng 11.000 ha, thì quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật là 1.100 – 1.200 ha. Cùng với đó là vành đai xanh bao quanh thành phố bao gồm vùng chuyên canh cây nông nghiệp với công nghệ cao, vùng tái tạo và trồng mới rừng, các công viên, lâm viên cũng như các khu du lịch sinh thái cận kề với diện tích hơn 26.800 ha. Đây sẽ là định hướng quan trọng góp phần hình thành một đô thị hiện đại, giàu bản sắc trong tương lai.
Yếu tố hiện đại và giàu bản sắc hiện ra ở đây - nói như ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột) là đô thị này có hạ tầng giao thông, kỹ thuật và xã hội kết nối vùng Tây Nguyên. Trong đó cần tập trung ưu tiên việc xây dựng và quy tụ các đầu mối giao thông theo quy hoạch cấp vùng. Hệ thống giao thông và khung hạ tầng kỹ thuật này nhằm tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư cho các khu đô thị mới với các điểm nhấn là các trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế đóng vai trò kích cầu cho 5 tỉnh trong khu vực. Theo đó là khai thác hiệu quả lợi thế cảnh quan thiên nhiên, sinh thái và văn hóa truyền thống của cư dân tại chỗ nhằm kiến tạo nên bản sắc riêng cho đô thị Buôn Ma Thuột.
Dự án Đường Đông - Tây nối Cảng hàng không Buôn Ma Thuột với trung tâm thành phố đang được xây dựng. |
Theo ông Đoàn Ngọc Thượng, thời gian qua cũng như hiện nay, chính quyền thành phố đang ra sức hiện thực hóa điều đó dựa trên điều kiện tự nhiên hiện hữu và vùng sinh thái rừng kết hợp việc khai thác không gian xanh từ các vùng cây công nghiệp theo hướng tập trung vào các dự án trọng điểm như khu vực Suối Xanh (phường Thắng Lợi), hồ Ea Nao (Tân An - Ea Tu) và hồ Ea Kao. Trong quá trình quy hoạch và xây dựng các công trình/dự án luôn đề cao giá trị cảnh quan thiên nhiên; đặc trưng văn hóa (vật thể cũng như phi vật thể) để góp phần khắc họa bức tranh tổng thể cho đô thị Buôn Ma Thuột thêm sáng rõ lên với những gam màu rất riêng và độc đáo, chứ không rơi vào mô típ chung chung, hoặc na ná giống nhau trong việc quy hoạch và xây dựng các đô thị mới trong nước hiện nay. Ông Đoàn Ngọc Thượng cho biết: "Hiện nay TP. Buôn Ma Thuột đang triển khai Chương trình Phát triển đô thị với sự hỗ trợ của Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (thuộc Tổng Hội Xây dựng Việt Nam). Đây được xem là bước đi dài hạn, làm cơ sở hoạch định chính sách, cơ chế quản lý và phát triển cho đô thị Buôn Ma Thuột xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên"
Đình Đối