Việt Nam họp khẩn cấp bàn phương án ứng phó dịch đậu mùa khỉ
Như vậy, sau gần 3 tháng bùng phát ra bên ngoài châu Phi, đậu mùa khỉ chính thức trở thành mối đe dọa lớn cho toàn thế giới, với tốc độ lây lan nhanh và số người mắc đang tăng mạnh ở nhiều nước.
Trước tình hình này, chiều 24/7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng Văn phòng WHO tại Việt Nam, US CDC tại Việt Nam và các các cơ quan đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó dịch.
Việt Nam thuộc nhóm nguy cơ thấp
Bộ Y tế cho hay hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hiện WHO xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có nguy cơ thấp về bùng phát dịch.
Theo WHO, tốc độ lây lan của dịch nhanh, nguy cơ về sự lan rộng hơn nữa của dịch bệnh tới các quốc gia khác là rất rõ ràng. Cơ quan này cũng cho hay nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ là ở mức trung bình trên toàn cầu, riêng khu vực châu Âu là ở mức nguy cơ cao. Tại Việt Nam, nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào là rất lớn.
Bộ Y tế cho biết để chủ động, sẵn sàng dự phòng đáp ứng với dịch bệnh, một số hoạt động đã được triển khai sớm ngay từ tháng 5 (thời điểm ghi nhận những ca bệnh đầu tiên). Cụ thể:
- Liên tục liên hệ với WHO, US-CDC, cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế và các tổ chức khác để cập nhật trao đổi, tin về tình hình dịch bệnh nhằm báo cáo lãnh đạo bộ, cung cấp thông tin đến truyền thông, người dân.
- Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương về tăng cường giám sát bệnh đậu mùa khỉ; chỉ đạo các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Các tỉnh, thành chuẩn bị sẵn sàng sinh phẩm xét nghiệm phục vụ chuẩn đoán, xác định ca bệnh.
- Cục Y tế dự phòng phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM và các đơn vị liên quan xây Dự thảo Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Dự thảo đang xin ý kiến thống nhất, sẽ sớm trình lãnh đạo bộ ký ban hành.
- Cục Quản lý khám chữa bệnh đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị.
- Các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã chủ động liên hệ với tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan để chuẩn bị sinh phẩm phục vụ cho xét nghiệm, đang tập huấn cho địa phương về công tác giám sát, dự phòng dịch.
Ngăn chặn dịch bệnh từ cửa khẩu
Theo Bộ Y tế, hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp, số mắc tăng nhanh, phương thức lây truyền và đặc điểm của bệnh, virus còn nhiều đặc tính cần tiếp tục nghiên cứu. Kinh nghiệm từ việc ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua và nguy cơ ca bệnh xâm nhập vào nước ta, chúng ta cần chủ động và quyết liệt trong dự phòng, ứng phó.
Cơ quan này chỉ đạo thông tin diễn biến dịch bệnh nên được cập nhật liên tục, báo cáo kịp thời khi có tình huống bất thường xảy ra. Tăng cường mạnh mẽ công tác truyền thông tới người dân, cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ về từ vùng dịch, người lưỡng giới, hoặc quan hệ đồng giới. Khuyến cáo người dân, chủ động phòng chống bệnh dịch với phương trâm truyền thông đi trước một bước.
Các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật, trước mắt là hướng dẫn về giám sát và phòng chống; chẩn đoán điều trị và phòng ngừa nhiễm khuẩn cần được ban hành, cập nhật.
Việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở khám chữa bệnh và sự kiện tại cộng đồng cần đẩy mạnh để phát hiện sớm, ngăn chặt dịch bệnh kịp thời. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, kịp thời phát hiện, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Những cơ sở phòng chống dịch HIV/AIDS, dự phòng cho nhóm quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ lưỡng giới, người làm nghề mại dâm cũng cần tăng cường tham gia giám sát.
Tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng các tuyến về giám sát và biện pháp phòng chống; cán bộ tại cơ sở y tế về biện pháp phòng chống lây nhiễm, chăm sóc điều trị bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày 23/7/2022, WHO đã tổ chức một cuộc họp với Ủy ban Khẩn cấp (Emergency Committee) theo Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), WHO đã đưa ra các khuyến nghị tạm thời cho 4 nhóm quốc gia thành viên dựa trên tình hình dịch tễ học, phương thức lây truyền và năng lực đáp ứng của từng quốc gia.
Nhóm 1: Các quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày.
Nhóm 2: Các quốc gia ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ là người nhập cảnh và bắt đầu có sự lây truyền từ người sang người.
Nhóm 3: Các quốc gia có sự lây truyền bệnh đậu mùa ở khỉ giữa động vật và người.
Nhóm 4: Các quốc gia có năng lực về vaccine và điều trị.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm 1. WHO khuyến cáo cụ thể như sau:
- Kích hoạt hoặc thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Bộ Y tế và các ban ngành khác để tăng cường sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ người sang người.
- Lập kế hoạch và/hoặc thực hiện các biện pháp can thiệp để tránh kỳ thị và phân biệt đối xử với cá nhân hoặc nhóm người cảm nhiễm với bệnh đậu mùa khỉ. Mục tiêu là ngăn ngừa sự lây truyền âm thầm của virus trong cộng đồng. Trọng tâm của những can thiệp này là khuyến khích người dân tự khai báo và tìm kiếm cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh; tạo điều kiện tiếp cận kịp thời với dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu; bảo vệ quyền con người, quyền riêng tư.
- Đưa bệnh đậu mùa khỉ vào như một phần của hệ thống giám sát quốc gia hiện tại. Để giám sát dịch bệnh, thiết lập định nghĩa ca bệnh có thể xảy ra, ca bệnh nghi ngờ và ca bệnh xác định.
- Nâng cao năng lực phát hiện bệnh bằng cách nâng cao nhận thức và đào tạo nhân viên y tế, bao gồm những người làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng khám phụ khoa, nam khoa, khoa cấp cứu, nha khoa, da liễu, khoa nhi, phòng khám HIV, bệnh truyền nhiễm, khám thai sản và các cơ sở y tế có dịch vụ chăm sóc cho bệnh cấp tính khác.
- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự lây truyền virus đậu mùa khỉ, các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cũng như triệu chứng, dấu hiệu.
- Tăng cường cung cấp thông tin về bệnh đậu mùa khỉ thông qua các nhóm hoạt động tại cộng đồng về sức khỏe tình dục và tổ chức xã hội tại địa phương.
- Tập trung hỗ trợ truyền thông đánh giá nguy cơ tại các cơ sở và địa điểm diễn ra cuộc gặp đông người như nơi sinh hoạt chung của cộng đồng nam giới, có quan hệ tình dục với nam giới.