Cập nhật lúc: 06/05/2014

VỀ BUÔN SÚT GRƯ XEM LỄ CÚNG BẾN NƯỚC CỦA ĐỒNG BÀO ÊĐÊ

Đã trở thành truyền thống, hàng năm, sau khi thu hoạch xong mùa màng và chuẩn bị cho một mùa rẫy mới, đồng bào Êđê ở buôn Sút Grư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk lại tổ chức lễ cúng bến nước theo phong tục của dân tộc mình.
 
 
       Đây là nghi lễ quan trọng trong hệ thống các nghi lễ nông nghiệp của đồng bào Êđê, đã được chủ nhân bến nước gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Lễ cúng bến nước được tổ chức với mong muốn cầu thần linh phù hộ cho buôn làng nguồn nước sạch, không bao giờ cạn, mọi người trong buôn được mạnh khoẻ, lúa, bắp đầy kho, nhà nhà no đủ.

     Do đặc điểm sinh sống ở địa hình đồi núi, nên đồng bào dân tộc Êđê ở buôn Sút Grư cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số khác sử dụng nguồn nước sông, suối để phục vụ vào sản xuất, ăn uống và sinh hoạt. Do đó bến nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của họ, hằng ngày người dân trong buôn đều ra bến lấy nước. Theo quan niệm của người Ê đê, nước quan trọng hơn bất cứ thứ gì, nên đồng bào Êđê thờ thần nước như thờ tổ tiên của mình, để cầu cho mọi điều tốt lành khi sử dụng nguồn nước này.

           Bến nước là nơi cả dân làng sử dụng chung, chính vì vậy lễ cúng bến nước là công việc của cả buôn làng. Trước ngày diễn ra lễ cúng bến nước già làng cử những chàng trai khỏe mạnh dọn dẹp sạch sẽ bến nước, khơi thông dòng nước. Và từ hôm đó mọi người trong buôn không ai được ra bến lấy nước, hay lên rừng, lên rẫy cho đến khi thầy cúng thực hiện xong nghi lễ.

            Để chuẩn bị cho lễ cúng bến nước, từ sáng sớm mọi người trong buôn đã tập trung đông đủ tại gia đình nhà chủ bến nước là bà H’Bơng Hdap và chồng là Y Tư Niê, để chuẩn bị các lễ vật, như: 3 con heo (1 con dùng để làm lễ cúng sức khỏe cho gia đình chủ bến nước; 1 con cúng tại bến nước và 1 con để thiết đãi bà con); 3 ché rượu cần được buộc vào các cột gơng thành một hàng dọc ở gia khách ngôi nhà dài, trong đó 1 ché dùng để cúng ông bà tổ tiên, 1 ché cúng bến nước và 1 ché đãi khách gần xa…

        Khi lễ vật đã được chuẩn bị đầy đủ, dàn chiêng đánh lên bài “Gọi về sum họp” để báo với ông bà tổ tiên về sự có mặt đông đủ của con cháu trong buôn, và mời các vị thần linh về dự lễ. Thầy cúng tay cầm bát tiết heo cùng ba người hầu lễ mang trang phục cổ của người Ê đê ra bến nước làm lễ. Ngoài những đồ cúng được mang ra bến nước để làm lễ, như: Tiết heo pha với rượu; Thịt heo thái nhỏ; 1 chai rượu… thì người hầu lễ còn mang theo thanh gươm đao phu và một cái khiêng bằng gỗ để bảo vệ thầy cúng, đây là những đồ vật của dòng họ nhà vợ ông chủ bến nước để lại, chỉ trong dịp lễ này nó mới được mang ra khỏi nhà. Bởi đó là những vật cổ và có ý nghĩa linh thiêng vô cùng quan trọng đối với mỗi thành viên trong gia đình.

Ra đến bến nước, thầy cúng chỉnh lại trang phục và chọn chỗ bằng phẳng nhất nơi dòng nước đang chảy để bày lễ vật và đọc lời khấn: “Ơ Yàng! Ơ  Yàng trời, Yàng đất, Yàng nước, Yàng cây, Yàng phía đông, Yàng phía tây! Hôm nay chủ bến nước và bà con trong buôn Ea Tlă làm lễ cúng bến nước, cầu mong các Yàng phù hộ cho nguồn nước trong lành không bao giờ cạn, mọi người trong buôn khi uống nguồn nước này đều mạnh khỏe như con voi rừng, mùa màng, lúa, bắp đầy kho, nhà nhà no đủ, Ơ Yàng”…

 
 
Sau mỗi lượt cúng, thầy cúng lại tưới tiết heo và rượu xung quanh dòng nước đang chảy, hành động này thay cho lời mời thần linh cùng các vị thần ở những chốn lân cận về hưởng lễ vật dâng cúng hôm nay. Cúng xong, thầy cúng và 3 người phụ lễ lấy thịt và rượu để mời và ăn cùng các vị thần linh, còn các cô gái và chàng trai trong buôn thì lấy vỏ bầu và ống tre hứng những giọt nước mát ngọt mang về nhà.

Kết thúc lễ cúng ở bến nước, họ quay về phía làng làm lễ tại cổng bến nước, và tại cổng buôn. Đây được coi là những hàng rào xưa, bảo vệ nơi cư ngụ của các Yàng, thần thổ địa của Yàng. Đồng thời, cũng là để báo cho bà con trong buôn biết, lễ cúng bến nước đã xong, giờ bà con được phép ra bến lấy nước hoặc đi rừng, đi rẫy.

Suốt thời gian diễn ra lễ cúng ở ngoài bến nước, tại cổng bến nước và cổng buôn, thì ở nhà tiếng chiêng không ngừng ngân vang, như lời tâm sự, lời cầu lên các Yàng, xin dòng nước đừng bao giờ cạn và cảm ơn các vị thần linh đã bảo vệ, chăm sóc cho dân làng có được cuộc sống bình an, sung túc.

Về đến nhà, thầy cúng tiếp tục làm lễ cúng sức khỏe cho chủ bến nước và gia đình. Các lễ vật gồm: 1 cái đầu heo; Lòng heo; Thịt heo thái nhỏ... được đặt ở phía đông của ngôi nhà dài. Thầy cúng trao cần rượu cho chủ bến nước và đọc lời khấn, với mong muốn “Xin thần nước bảo vệ sức khỏe cho chủ bến nước và dân làng trong buôn, nguồn nước luôn chảy trong, chảy mãi. Xin ông bà tổ tiên phù hộ buôn làng đoàn kết, con cháu hiếu thảo”. Những gùi nước đã được lấy từ bến nước lần lượt đổ vào các ché rượu cho thật đầy. Vợ chồng chủ bến nước cầm cần rượu uống trước, sau đó đến anh em bên vợ, anh em bên chồng, bà con trong buôn và khách gần xa, phụ nữ bao giờ cũng được uống trước, sau đó mới đến các thành viên nam. Những người đến tham dự lễ mỗi lúc một đông, ai cũng say sưa trong tiếng chiêng, tiếng cồng và men say của rượu để mong thần linh chứng giám phù hộ cuộc sống tốt hơn, vụ mùa bội thu.

Ông Ama Hồng trưởng buôn Sút Grư, xã Cư Suê,  huyện Cư M’gar cho biết: “Buôn Sút Grư, được thành lập từ năm 1935, đến nay 80% số hộ dân trong buôn là người dân tộc Ê đê, nhiều những nghi lễ - lễ hội trong buôn được bà con gìn giữ, trong đó có lễ cúng bến nước. Trước đây lễ cúng thường được tổ chức từ 2 – 3 ngày, nhưng nay thực hiện phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nên đồng bào trong buôn đã tiết kiệm rút ngắn lại chỉ còn 1 ngày, nhưng vẫn đầy đủ các nghi lễ, tổ chức theo đúng nghi thức và rất trang trọng. Đặc biệt những năm gần đây các cháu thanh thiếu niên trong buôn tham gia trong ngày lễ cũng rất đông, đây cũng là điều đáng mừng để thế hệ trẻ trong buôn gìn giữ phong tục tập quán này”.

Lễ cúng bến nước là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nhiều ý nghĩa tích cực trong đời sống tâm linh của đồng bào Êđê cần được bảo tồn và phát huy. Nó không chỉ mang ý nghĩa tâm linh với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn là nét đẹp truyền thống văn hóa, góp phần giáo dục cho cộng đồng ý thức bảo vệ rừng và nguồn nước, một tài nguyên thiên nhiên quý giá.
                                                                                                                                Viết Tiến 
In Gửi Email