Văn hóa 'khéo xoay' để bền vững
Liên tiếp sáng kiến văn hóa
Ngày 4.6, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL) phối hợp Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN (VICAS) và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức Hội thảo tham vấn các bên liên quan về Báo cáo quốc gia VN thực hiện Công ước 2005 của UNESCO giai đoạn 2020 - 2023.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, nhắc tới nhiều sáng kiến đã được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2023, giai đoạn mà theo bà có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thời kỳ này, hợp tác VN và Pháp trong phát triển điện ảnh có những hoạt động đáng kể. "Các hoạt động bao gồm: giới thiệu phim Pháp và Việt, cử đại diện tham dự các sự kiện điện ảnh 2 nước; giải thưởng CNC (CBC Prize) trị giá 8.000 euro dành cho dự án phim Đông Nam Á xuất sắc nhất trong khuôn khổ Autumn Meeting (dự án Gặp gỡ mùa thu của Phan Đăng Di, Trần Thị Bích Ngọc tổ chức thường niên); hỗ trợ kinh phí cho một số dự án của các nhà làm phim trẻ, độc lập của VN…", TS Thu Hà cho biết.
Những sáng kiến như vậy được nêu rõ trong dự thảo Báo cáo quốc gia định kỳ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (giai đoạn 2020 - 2023). Dự thảo này vừa được đưa ra xin ý kiến góp ý vào sáng 4.6 trước khi gửi tới UNESCO. Báo cáo lần lượt nêu các vấn đề liên quan đến các mục tiêu văn hóa như: hỗ trợ hệ thống quản trị văn hóa bền vững; đạt dòng chảy cân bằng về sản phẩm văn hóa và thúc đẩy dịch chuyển của nghệ sĩ và người làm văn hóa; hỗ trợ hệ thống quản trị văn hóa bền vững…
Một sáng kiến khác được nêu là dự án Game hóa di sản, hướng đến học sinh từ lớp 6 đến lớp 10. Theo đó, Bảo tàng Hùng Vương có sản phẩm du lịch học đường, tìm hiểu lịch sử với Truy tìm cổ vật sử dụng nền tảng Outing App. Học sinh nhập vai một nhân vật lịch sử để khám phá Bảo tàng Hùng Vương thông qua điện thoại thông minh, máy tính bảng kết nối internet. Truy tìm cổ vật cung cấp các trò chơi giải mã câu đố liên quan đến hiện vật, kiến thức văn hóa, lịch sử tại bảo tàng; mục tiêu nhằm giúp học sinh ghi nhớ tốt hơn về kiến thức lịch sử và phát triển tư duy đội nhóm, làm việc tập thể…
Đại học RMIT VN cũng phối hợp UNESCO và VICAS cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo, với sự bảo trợ truyền thông và cố vấn tổ chức từ Hanoi Grapevine tổ chức chương trình VFCD 2023 với chủ đề Trí tuệ và công nghệ. Chương trình gồm chuỗi các hoạt động tọa đàm, hội thảo, triển lãm, workshop, tour, nhằm gợi mở, tôn vinh năng lực sáng tạo và tính nhân bản trong kỷ nguyên công nghệ.
TS Hà cũng cho biết tính đến hết năm 2023, Bộ VH-TT-DL đã lựa chọn và cử được 23 ứng viên đi đào tạo ở nước ngoài về điện ảnh, múa, âm nhạc và quản lý văn hóa - nghệ thuật ở các cấp độ từ trung cấp, đại học và thạc sĩ. Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) vẫn tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ tài chính để người thực hành và nghiên cứu về văn hóa VN có thể tham gia các chương trình trao đổi chuyên môn, nâng cao kiến thức ở nước ngoài. Năm 2023, Quốc hội đã thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh, hướng tới hỗ trợ cho tác giả, dự án sản xuất phim, phim VN xuất sắc tham gia liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, hội chợ phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài… Điều này thúc đẩy giao lưu giữa nghệ sĩ và người thực hành văn hóa, nghệ thuật của VN và quốc tế.
Khung chính sách tiến bộ
Dự thảo báo cáo cũng nhắc tới nhiều khung chính sách tiến bộ. Một trong số đó là Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của VN. Tính đến hết năm 2023, đã có 59 cơ quan, địa phương ban hành kế hoạch riêng để triển khai Chỉ thị 25. Bộ VH-TT-DL cũng đã ký 27 văn kiện quốc tế để triển khai hiệu quả các hoạt động văn hóa, đối ngoại. Tại Triển lãm thế giới Expo 2020 Dubai, Nhà Triển lãm VN thu hút 700.000 lượt khách tham quan, đón tiếp hơn 30 đoàn nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế, đạt giải đồng về "Diễn giải chủ đề". Trong khuôn khổ UNESCO, năm 2023, VN được bầu làm Phó chủ tịch đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2005. Hội An và Đà Lạt cũng gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL, đánh giá giai đoạn 2020 - 2023 là một thời kỳ vô tiền khoáng hậu khi toàn thế giới hứng chịu đại dịch Covid-19, lĩnh vực văn hóa vốn đòi hỏi tụ tập đông người càng ảnh hưởng nặng. "Tuy nhiên, chính trong bối cảnh ấy, chưa bao giờ chúng ta lại thấy lĩnh vực văn hóa được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt đến vậy với Hội nghị văn hóa toàn quốc vào tháng 11.2021 do đích thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì", TS Hòa nói.
TS Hòa cũng nhấn mạnh việc các Hội thảo về thể chế, chính sách và các nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022 do Chủ tịch Quốc hội chủ trì, Hội nghị toàn quốc kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa của VN, Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên về công nghiệp văn hóa năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì… đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Theo TS Nguyễn Phương Hòa, ở cấp T.Ư, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, đặt ra một loạt các mục tiêu cụ thể cho văn hóa VN đến năm 2030, trong đó phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm… Ở cấp độ địa phương, Hà Nội ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; TP.HCM có Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030… Ở cấp độ các thiết chế văn hóa, hiệp hội, cá nhân nghệ sĩ, nhiều sáng kiến được chủ động thực hiện, tạo nên một đời sống văn hóa - nghệ thuật sôi động. |
Nguồn: TH