Từ kỷ lục không tưởng của Nhà bà Nữ: Mơ phim Việt doanh thu nghìn tỷ
Thành tích của Nhà bà Nữ còn được quốc tế hóa khi từng vào top 6 phim ăn khách trong tuần của bảng xếp hạng toàn cầu.
Mới đây, Trấn Thành cũng thông báo, trong tháng 3, Nhà bà Nữ "xuất ngoại", phim sẽ được khởi chiếu ở: Mỹ, Singgapore, Úc và New Zealand...
Thành công của Nhà bà Nữ mở ra một tín hiệu vui cho điện ảnh Việt Nam sau một năm "thiếu doanh thu nhưng thừa thảm họa". Cùng với đó là giấc mơ "Phim Việt doanh thu nghìn tỷ đồng". Vậy khi nào chúng ta có thể biến giấc mơ ấy thành hiện thực? Và muốn có phim Việt doanh thu nghìn tỷ đồng, cần những điều kiện nào?
PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà chuyên môn, các chuyên gia để đi tìm câu trả lời.
Sau 1 tháng công chiếu, phim "Nhà bà Nữ" của Trấn Thành đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng (Ảnh: Đoàn phim cung cấp).
Cần những điều kiện thực tế
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chưa thể có phim đạt doanh thu 1.000 tỷ đồng ở Việt Nam. Đây là điều không phải ảo tưởng nhưng sẽ phải chờ khá lâu. Theo anh, muốn có phim Việt nghìn tỷ phải cần và đảm bảo những điều kiện dựa trên thực tế.
Vị đạo diễn từng thực hiện "Báo cáo về ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam 2018 - 2019" với sự hỗ trợ của Trường Điện ảnh châu Á Busan phân tích sâu hơn vấn đề từ "hiện tượng" Nhà bà Nữ.
Anh nói: "Thứ nhất, trong khoảng 3 - 4 tuần sau Tết, toàn bộ hệ thống rạp trên cả nước đều dành phần lớn suất chiếu cho Nhà bà Nữ của Trấn Thành, đặc biệt, trong 3 tuần đầu, số suất chiếu cho Nhà bà Nữ ước lượng chiếm 60% tổng số suất.
Tuy nhiên, sau 4 tuần, doanh thu của phim vẫn chỉ đạt ngưỡng 435 tỷ đồng và tới nay, sau hơn 1 tháng công chiếu tại Việt Nam, Nhà bà Nữ đang có doanh thu hơn 500 tỷ đồng.
Nói thế để thấy rằng tất cả các rạp gần như đã trải hết nhưng cũng chỉ đạt được từng đó. Vậy, muốn có một phim Việt doanh thu nghìn tỷ thì điều kiện đầu tiên là quy mô, số lượng hệ thống rạp cần tăng gấp đôi: Tức là cần 2.000 đến 2.400 phòng chiếu so với 1.200 phòng hiện nay".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng cho hay, điều kiện thứ hai để một phim đạt được con số 1.000 tỷ đồng là cần có gấp đôi, gấp ba số khán giả mà Trấn Thành đã kéo được họ ùn ùn đến rạp. Nam đạo diễn lý giải: "Từ Bố già đến Nhà bà Nữ, bản thân Trấn Thành đã thu hút được cả hai khối đối tượng khán giả. Khối thứ nhất là những khán giả có thói quen và thường xuyên đi xem phim, ít nhất là 1 lần/ 1 tuần.
Ngoài ra là cả những khán giả không có thói quen đi xem phim, những người thu nhập thấp, những người lớn tuổi, những người chưa từng ra rạp bao giờ. Đặc biệt là nguồn doanh thu từ các tỉnh, thành phố nhỏ. Đây chính là điểm khác biệt của Trấn Thành so với những bộ phim thành công khác".
Đồng tình với những quan điểm trên, ông Justin Kim - Trưởng bộ phận sản xuất phim quốc tế CJ ENM kiêm Tổng Giám Đốc CJ HK Entertainment Việt Nam cho rằng: "Tôi không nghĩ 1.000 tỷ đồng là con số quá xa vời ở thị trường phim ảnh Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt mức đó, cần cả một hành trình dài với nhiều sự cải tiến ở nhiều mảng cộng lại, như từ luật đầu tư vào điện ảnh, thể loại phim, ngân sách sản xuất đến số lượng rạp chiếu trên toàn quốc".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Vươn tầm quốc tế phải cần tác phẩm có chất lượng, tạo được tiếng vang
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ, khi chưa đáp ứng và chưa có được những điều kiện khách quan trên, thay vì việc trông chờ một bộ phim nghìn tỷ ở thị trường Việt Nam, các nhà làm phim hãy làm những bộ phim thực sự có chất lượng cao, gây tiếng vang trên quốc tế và "xuất khẩu" thành công đến một số thị trường có doanh thu rất lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, châu Âu hoặc châu Mỹ… Theo anh, cách này, ở thời điểm hiện tại không thể và chưa thể xảy ra nhưng cũng không phải quá khó khăn và hoàn toàn có thể kiếm được phim 1.000 tỷ đồng.
"Ít nhất có 2 phim của Thái Lan đã đạt được gần với con số này đó là phim Tình người duyên ma đạt hơn 30 triệu USD và phim Bad Genius (Thiên tài bất hảo) đạt 44 triệu USD trên toàn cầu.
Nếu một phim Việt Nam có chất lượng, tạo được tiếng vang quốc tế, đồng thời thỏa mãn được các điều kiện để được nhập về chiếu ở một thị trường cực lớn và tương đồng về văn hóa như Trung Quốc, thì doanh thu 1.000 tỷ đồng là chuyện hoàn toàn có thể", đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nói.
Theo anh, điều quan trọng là các nhà sản xuất phim Việt Nam có khát vọng coi cả thế giới như một thị trường hay không? Cần khát vọng, sau đó cần cả dũng khí và cả tài năng để thảo ra một chiến lược kinh doanh vươn ra ngoài mẩu thị trường nội địa nhỏ hẹp.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn ví dụ: "Bây giờ chúng ta đủ sức, đủ tâm, đủ tài và đủ cả tiền để làm một bộ phim về 3 lần chiến thắng giặc Nguyên Mông hoặc Vua Quang Trung đại phá quân Thanh… thì tôi tin không chỉ thu hút được khán giả trong nước mà còn xuất khẩu thành công tại nước ngoài. Biết đâu hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu không biết chừng".
Ông Justin Kim, Trưởng bộ phận sản xuất phim quốc tế CJ ENM kiêm Tổng Giám Đốc CJ HK Entertainment Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Justin Kim cũng bày tỏ: "Cần có chiến lược phát hành ra quốc tế bài bản. Chúng ta cần có những bộ phim có thể được ghi nhận cả về doanh thu phòng vé lẫn chất lượng ở nhiều thị trường quốc tế. Và hơn bao giờ hết, chúng ta cần được làm những thể loại phim mà lâu nay chưa có cơ hội thành công".
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), chuyên gia từng góp ý cho Luật điện ảnh, cho rằng, doanh thu chỉ là một phần. Điện ảnh Việt Nam muốn "vươn tầm quốc tế" thì phải cân nhắc tất cả những khía cạnh từ đạo diễn, diễn viên, kịch bản tốt, quay phim giỏi và xử lý các khâu khác từ tiền kỳ, hậu kỳ đến ánh sáng... phải xuất sắc. Ông thẳng thắn, Việt Nam còn thiếu toàn diện nhiều thế mạnh.
"Để "xuất khẩu" điện ảnh thành công không thể chỉ dừng lại ở việc công chiếu, phát hành phim. Trong thời buổi hội nhập văn hóa thế giới như hiện nay, ở thị trường điện ảnh toàn cầu, một bộ phim có thể sản xuất ở nhiều nước. Việt Nam cũng có thể trở thành một khâu trong chuỗi giá trị phim ảnh toàn cầu, cần tham gia vào nhiều công đoạn thì điện ảnh mới phát triển được.
Nếu không muốn những sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài thành công phần nhiều nhờ vận may", ông Nguyễn Quang Đồng nói.