Tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn quấy rối người dùng
Khủng hoảng vì cuộc gọi rác
Chị N.K, ngụ tại Q.4, TP.HCM, thường xuyên căng thẳng vì áp lực công việc, nhưng đối với chị không đáng sợ bằng những cuộc gọi lạ chào mời đủ loại dịch vụ bất kể ngày đêm. "Vì công việc thường xuyên giao tiếp nên tôi buộc phải nghe điện thoại của khách hàng, nhưng gần đây tôi thấy số lạ thì phải tắt luôn vì sợ nghe các cuộc gọi rác. Không hiểu sao dạo gần đây hình thức này bùng phát dữ dội, cứ chặn số này thì số khác lại gọi đến. Bực bội nhất là những cuộc gọi vào lúc đang nghỉ ngơi, hoặc sắp đi ngủ", chị N.K than phiền.
Bà T.T.N.Y, ngụ tại P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể trường hợp của mình: "Tôi lớn tuổi rồi, hằng ngày chỉ ở nhà làm việc nội trợ phụ giúp con cái. Tôi đâu có đi đâu xa khỏi nhà và cũng không kinh doanh gì nhưng thường xuyên nhận được các cuộc gọi chào mời mua bán chứng khoán, sàn giao dịch gì đó. Không hiểu sao họ có đầy đủ họ tên và số điện thoại của mình, khiến tôi rất lo lắng".
Nếu trước đây những đối tượng gọi điện thoại làm phiền thường "biết lỗi" khi người dùng phàn nàn hay phản ứng lại, thì hiện nay những kẻ này còn manh động đáp trả lại khi "nạn nhân" tỏ thái độ bực tức. Anh V.T.T, công tác tại một cơ quan truyền thông ở TP.HCM, cho biết có lần anh chọc ghẹo kẻ gọi điện thoại quảng cáo "việc nhẹ, lương cao", sau đó người này kéo theo nhiều đồng bọn liên tục gọi đến máy của anh để chửi bới với thái độ hung hăng. Hay có nhiều trường hợp khách nghe điện thoại mới chỉ nói "không có nhu cầu" là lập tức đầu dây bên kia bắt bẻ, lớn tiếng trách móc ngược lại (?).
Không chỉ nhận được cuộc gọi rác, gần đây các tin nhắn rác cũng thường xuyên "khủng bố" tràn ngập điện thoại người dùng. Chị H.M, nhân viên văn phòng tại Q.3 (TP.HCM), bức xúc: "Gần đây không hiểu tại sao lại xuất hiện nhiều tin nhắn quảng cáo dịch vụ "nhạy cảm" và các tệ nạn xã hội như bài bạc, mại dâm một cách công khai như vậy. Tôi không bao giờ nhấp vào đường link hay nhắn tin theo hướng dẫn, tuy nhiên những từ ngữ quảng cáo phản cảm đập vào mắt khiến tôi rất khó chịu".
Anh N.C.N, ngụ tại Q.10 (TP.HCM), kể: "Tôi cũng thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo, chào mời các dịch vụ "hot girl sinh viên phục vụ tận nơi". Có lần tôi thử nhắn tin với số điện thoại công khai thì được hướng dẫn vào một mạng lưới điều hành với hình ảnh các cô gái "mát mẻ". Tuy nhiên, sau một lúc tìm hiểu thì tôi nhận ra đây là hình thức lừa đảo, dẫn dụ người khác chuyển khoản để đăng ký thành viên, tiếp đó bấm vào đường link để làm nhiệm vụ giảm giá ưu đãi. Tôi đã nghe nói đến các chiêu thức lừa đảo để hack tài khoản tương tự như vậy nên không làm theo".
SIM rác là nguồn thu lớn của nhà mạng ?
Không đồng tình với câu trả lời này, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena, nói thẳng: "Khi cơ quan quản lý đưa ra giải pháp thu hồi SIM không chính chủ, tôi đã dự báo phương cách này không xử lý được nạn tin nhắn rác bởi lô SIM này đã cũ, không còn sử dụng trong thời gian dài. Các đối tượng rải "spam" điện thoại, tin nhắn đã thay đổi số khác và cách thức khác. Để khắc phục triệt để hành vi làm phiền người dùng điện thoại, chỉ có thể phạt thật nặng các đại lý vi phạm và các doanh nghiệp viễn thông để xảy ra tình trạng này. SIM rác, SIM khuyến mãi vẫn là nguồn thu rất lớn của các nhà mạng, do đó để cho họ tự "đạp đổ" nồi cơm của mình là rất khó".
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty An ninh mạng NCS, phân tích: "Khác với các cuộc gọi lừa đảo là người cần phải ẩn danh để tránh bị xử lý, các cuộc gọi rác, tin nhắn rác hiện tại thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Gần đây, kẻ lừa đảo chuyển sang dùng các nền tảng OTT. Với các nền tảng này, chúng có thể tạo hoặc mua tài khoản của người khác để thực hiện cuộc gọi cho các nạn nhân. Với hình thức giả vờ làm quen như các trường hợp nêu trên, khó có thể nhận định chính xác vì chưa biết rõ mục đích của họ là gì. Tuy nhiên, với những hiện tượng đáng ngờ từ các số điện thoại lạ, người dùng nên cảnh giác vì có thể bị dẫn dụ sập bẫy lừa tiền hoặc chào mời các dịch vụ vi phạm pháp luật".
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an TP.HCM đã cảnh báo hình thức giả mạo trạm phát sóng di động (trạm BTS) để gửi tin nhắn có nội dung lừa đảo đến người dân. Theo PA05, hành vi tán phát tin nhắn hàng loạt thông qua thiết bị giả trạm BTS là xâm phạm trái phép vào mạng viễn thông, sẽ bị xử lý về "tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác". Mục đích chính của các tổ chức thực hiện hành vi này là phát tán tin nhắn có nội dung quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bị cấm, đặc biệt là lôi kéo, dẫn dụ người nhận tin nhắn truy cập vào trang web do tổ chức này tạo ra (theo đường link chỉ định) để cài mã độc đánh cắp thông tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Điển hình như giả mạo tin nhắn thương hiệu của các tổ chức ngân hàng, nhà mạng; quảng cáo dịch vụ đồi trụy, mại dâm; quảng cáo đánh bạc trực tuyến.
Từ nhiều năm nay Vinaphone đã triển khai hệ thống ngăn chặn tin nhắn rác theo chỉ đạo của Bộ TT-TT và đã thực hiện ngăn chặn hàng triệu tin nhắn rác. Vinaphone cũng đã tuân thủ triển khai tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác qua tổng đài 18001091 và qua tin nhắn gửi đến đầu số 5656… Đối với các sản phẩm dịch vụ mới, các chương trình khuyến mại… thì các thông báo gửi đi từ Vinaphone đến số máy của khách hàng là để đảm bảo quyền lợi tiếp cận cho khách hàng. Trường hợp khách hàng không muốn nhận tin thì có thể gửi lệnh đăng ký từ chối đến số tổng đài theo quy định. Đối với các trường hợp tin nhắn khác, Vinaphone sẵn sàng tiếp nhận và cam kết sẽ có các biện pháp rà soát, chấn chỉnh và tối ưu để đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo quy định của pháp luật. Đại diện Vinaphone |
Rà soát, loại bỏ SIM rác hoạt động tín dụngThủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen. Công điện lưu ý, thời gian gần đây xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động tín dụng đen, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng. Với Bộ TT-TT, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông và an toàn thông tin, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các bài viết, nội dung, hình ảnh… quảng cáo trái phép, các trang web, đường dẫn, ứng dụng có liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Bộ TT-TT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các thuê bao internet, thuê bao di động, loại bỏ ngay các SIM rác, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động tín dụng đen. |