Tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên phải trở thành nguồn lực
Hội nghị nhằm khẳng định cam kết của tỉnh Đăk Lăk trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư, sản xuất kinh doanh tại tỉnh Đăk Lăk; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả, bền vững với năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về tư duy, phương thức tổ chức theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn; quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đăk Lăk, các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, danh mục dự án tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển…
Hội nghị có sự tham gia của hàng trăm đại biểu là đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước và quốc tế. Tại Hội nghị sẽ có hàng chục dự án đầu tư vào nông nghiệp Đăk Lăk ký kết biên bản ghi nhớ và trao quyết định cấp phép đầu tư.
Nhân sự kiện này, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk Nguyễn Đình Trung về những tiềm năng, lợi thế cũng như những điểm nghẽn cần tháo gỡ của Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Trước cuộc gặp gỡ Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk, chúng tôi đã đi nhiều nơi ở khu vực Tây Nguyên và mang theo câu hỏi: Tại sao một vùng đất được tạo hóa, thiên nhiên ưu đãi như thế, tiềm năng đất đai rộng lớn như thế mà vẫn chưa thể tạo thành sức bật phát triển tương xứng? Tại sao Tây Nguyên vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, khoảng 11%? Đã có những ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, lý giải là vì những nút thắt, rào cản rất lớn mà Tây Nguyên đang gặp phải. Vậy những nút thắt, rào cản đó là gì?
Cuộc trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung phần nào trả lời câu hỏi đó. Không chỉ là những trăn trở, thao thức, chia sẻ của một người có hơn 25 năm gắn bó, công tác ở nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các tỉnh trong khu vực mà còn là khát vọng và giải pháp, kiến nghị để phát triển Tây Nguyên bền vững.
“Không có lý gì ở một vùng đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, người dân chăm chỉ lao động sản xuất, có các nhà đầu tư lớn vào hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác mà lại không phát triển, đời sống người dân không thay đổi cả”, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk mở đầu cuộc trò chuyện bằng sự gợi mở.
Ông Nguyễn Đình Trung nói: Trước hết cần phải khẳng định, nông nghiệp luôn là lĩnh vực rộng lớn và cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của Tây Nguyên. Không chỉ là kinh tế xã hội mà còn là chính trị, an ninh và quốc phòng. Nói cách khác, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là căn cơ, là thế mạnh để nâng cao đời sống người dân, phát triển Tây Nguyên một cách bền vững, toàn diện.
Về tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp ở Tây Nguyên, từ nhiều năm trước chúng ta đã nhìn thấy rõ.
Đó là, với tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, trong đó khoảng 1,3 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu Tây Nguyên ôn hoà rất thích hợp cho phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp…
Đó là diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích rừng hơn 2,56 triệu ha với sự đa dạng cảnh quan, địa hình, sông suối, thác nước... rất có tiềm năng kinh tế lâm nghiệp, chế biến lâm sản và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.
Đó là một nền văn hóa lâu đời, đặc sắc với Trường ca Đam San huyền thoại, các lễ hội gắn với “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là truyền thống đánh giặc bảo vệ buôn làng quê hương của anh hùng Núp nổi tiếng...
Đó còn là vị trí địa lý có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia và Lào, có 5 cửa khẩu quốc tế thuận lợi cho việc thông thương, trao đổi hàng hóa với 2 nước bạn. Là hành lang Đông - Tây kết nối cửa khẩu với các cảng biển vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, hành lang Bắc - Nam kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ…
Ngoài ra, tiềm năng đất đai để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vật nuôi ở Tây Nguyên hiện còn rất lớn. Là lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm chủ lực của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Thực tế bao nhiêu năm qua, với những điều kiện ưu đãi, thuận lợi như thế đã đưa Tây Nguyên trở thành thủ phủ của nhiều loại cây trồng có chất lượng cao, sản lượng lớn của cả nước, tuy nhiên, không thể phủ nhận, sự phát triển của Tây Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng. Từ hơn 10 năm trước chúng ta đã nói nhiều về tiềm năng, lợi thế của Tây Nguyên, nhưng phải làm gì để tiềm năng, lợi thế đó trở thành nguồn lực phát triển vẫn đang còn rất nhiều việc cần làm.
Thưa ông, rõ ràng tiềm năng, lợi thế, cơ hội là rất lớn nhưng phát triển chưa thực sự xứng tầm, vậy theo ông, đâu là những điểm nghẽn, lực cản mà Tây Nguyên đã và đang gặp phải?
Rõ ràng tiềm năng, lợi thế, cơ hội là như thế, song thách thức, điểm nghẽn của Tây Nguyên cũng không hề nhỏ. Theo tôi, có 6 nút thắt, điểm nghẽn của khu vực cần phải được khơi thông, tháo gỡ.
Đó là điểm xuất phát của vùng Tây Nguyên còn thấp hơn nhiều so với nhiều vùng trong cả nước. Từ kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, thu nhập... Vị trí địa lý của Tây Nguyên xa cảng biển và thường xuyên phải cảnh giác, đối phó với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Mấy chục năm qua, hàng triệu hộ đồng bào từ khắp mọi miền cả nước lên Tây Nguyên sinh sống, lập nghiệp, đa phần là đồng bào khó khăn đến từ những vùng đất khó khăn. Đến nay cơ bản đồng bào đến trước đã có cuộc sống ổn định, nhiều hộ đã làm giàu, song tình trạng người dân đến Tây Nguyên tự phát vẫn tiếp diễn.
Để ổn định sản xuất, đời sống cho hàng triệu đồng bào đến Tây Nguyên, ngoài sự quan tâm của hệ thống chính trị địa phương, sự nỗ lực của bà con thì cái giá phải trả là rất lớn. Đó là vấn đề suy thoái rừng, đất đai, môi trường... Và hiện tại vẫn còn 18.000 hộ dân tương ứng với 67 dự án cần được đầu tự sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống.
Thứ hai, tổ chức sản xuất ở Tây Nguyên chưa đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh. Đa phần là nông hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Toàn vùng mới chỉ có hơn 1.300 hợp tác xã, 240 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đến hết năm 2021, còn 30% công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị. Các công ty đã sắp xếp đa phần chưa hoạt động có hiệu quả là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có vấn đề cơ chế chính sách chưa phù hợp.
Thứ ba, những tài nguyên của Tây Nguyên như đất, nước, rừng đang đứng trước thách thức lớn. Đòi hỏi các cấp, các ngành cần quyết tâm chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, gay gắt. Nguồn tài nguyên nước đứng trước nguy cơ suy giảm, các công trình thủy lợi mới đáp ứng được khoảng 28% diện tích cần tưới toàn vùng. Có tới hơn 215 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chiếm 17% tổng số hồ và 20% số hồ hư hỏng cả nước. Hệ thống kênh mương chưa được đầu tư đồng bộ để phát huy hiệu quả các công trình.
Thứ tư, trình độ nguồn nhân lực Tây Nguyên còn hạn chế, thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu nhà đầu tư để làm hạt nhân dẫn dắt, liên kết, hợp tác.
Thứ năm, điều kiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của vùng còn nhiều khó khăn, bất lợi, thấp kém nên việc tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này còn nhiều hạn chế.
Cuối cùng là điểm nghẽn về thể chế chính sách. Nhiều cơ chính sách thiếu nguồn lực thực hiện, tổ chức thực hiện chưa tốt và nhiều chính sách chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn. Điển hình như mâu thuẫn giữa quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng đất rừng với phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung chưa được giải quyết hiệu quả.
Đất đai và thể chế. Như nhiều lần ông đã nói đó là những nút thắt, điểm nghẽn lớn nhất của các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Dường như mấy mươi năm qua vẫn chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề này? Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đều có chung quan điểm, để Tây Nguyên phát triển nông nghiệp được thì phải giải quyết được những vấn đề liên quan đến đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp thì mới căn cơ. Chúng ta cứ nói tiềm năng, lợi thế, cơ hội nhưng nói thật, mời gọi các nhà đầu tư vào mà không chỉ được chỗ nào đất đai thuận lợi cho họ sẽ rất khó. Vào đầu tư mà gặp hết vướng mắc này đến vướng mắc kia thì đầu tư thế nào?
Cho nên tôi cho rằng, cần phải có cơ chế về chính sách quản lý đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp ở Tây Nguyên rõ ràng hơn. Trong đó quy định rõ việc quản lý rừng, đất rừng và việc chuyển đổi đối với những diện tích đất rừng không còn hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp.
Thực tế hiện đang rất vướng. Rất nhiều diện tích không trồng rừng được nữa, rừng không mọc được nữa nhưng vẫn cứ phải trồng. Nguồn lực không có, kinh phí nhà nước đầu tư không có, kêu gọi doanh nghiệp hay người dân trồng rừng họ cũng không làm vì không thực sự hiệu quả. Trong khi đó có nhiều diện tích đất rất màu mỡ, rất phù hợp để chuyển đổi để phát triển kinh tế nhưng không được phép.
Luật Đất đai và Nghị định hướng dẫn thi hành đã cho phép địa phương rà soát, xem xét để cấp giấy chứng nhận đối với những diện tích đất mà người dân lấn chiếm trước ngày 1/7/2014 không nằm trong quy hoạch đất lâm nghiệp để vừa thực hiện tốt việc quản lý nhà nước vừa có thể phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống người dân.
Tuy nhiên, Thông báo kết luận của Thủ tướng lại nghiêm cấm việc đó. Phải thu hồi để trồng rừng. Như thế thực sự rất là khó, có thể nói là không khả thi. Vì có những nơi người dân ở đó mấy chục năm rồi, cuộc sống đã ổn định, thậm chí có những chỗ đã thành lập thôn, buôn, có thiết chế văn hóa rồi thì thu hồi thế nào, tháo gỡ thế nào?
Những bất cập trong xây dựng chính sách, tổ chức thực hiện kiểu như thế đã dẫn đến tình trạng trong thời gian qua ở rất nhiều địa bàn vùng Tây Nguyên xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai giữa người dân với Nhà nước, giữa người dân với các công ty nông lâm nghiệp… Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh nông thôn và về lâu dài còn có thể sẽ liên quan đến vấn đề an ninh chính trị, dễ bị các thế lực thù địch kích động.
Theo tôi, để giải quyết vấn đề đất đai ở Tây Nguyên, thiết nghĩ cần phải có cơ chế chính sách giải quyết hài hòa giữa vấn đề lâm nghiệp với nông nghiệp. Các địa phương trong khu vực mặc dù rất trăn trở, quan tâm nhưng có lẽ điều Tây Nguyên cần là cần cơ chế, quyết sách từ Trung ương.
Về thể chế, chính sách, thực tế trước đây đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW để phát triển Tây Nguyên giai đoạn 2001 - 2010, sau đó là Kết luận số 12 - KL/TW của Bộ Chính trị, tuy nhiên tôi cho rằng như thế vẫn chưa đủ mạnh. Phải có một Nghị quyết cho giai đoạn 2021 - 2030 và có thể xa hơn nữa để phát triển Tây Nguyên. Nói cách khác, muốn tiềm năng lợi thế của Tây Nguyên trở thành nguồn lực thực sự thì phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Trung ương mới có thể “vượt ngưỡng”.
Bởi vì, nếu không vượt qua ngưỡng như tôi đã nói ở trên thì vấn đề phát triển Tây Nguyên sẽ cực khó. Không chỉ là kinh tế mà còn chính trị, an ninh quốc phòng, vấn đề môi trường…
Chúng ta đều biết Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng đối với an ninh chính trị, an ninh quốc phòng nên rất khó để thu hút các nguồn đầu tư FDI. Đụng chỗ nào cũng quy hoạch, chỗ nào cũng nhạy cảm, diện tích rừng phải bảo vệ rất lớn, đòi hỏi trách nhiệm chia sẻ của cộng đồng, sự giúp sức của Trung ương, của các vùng, các tỉnh khác với tinh thần “Tây Nguyên vì cả nước và cả nước vì Tây Nguyên” mới có thể vượt qua ngưỡng đó.
Thưa ông, Chính phủ vừa mới có Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để tạo vận hội mới cho nông nghiệp Tây Nguyên, theo ông cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề cốt lõi nào?
Nông nghiệp vốn dĩ là nền kinh tế luôn chịu nhiều rủi ro thiên tai, dịch bệnh, giá cả đầu vào đầu ra biến động thất thường..., nhiệm vụ của chúng ta là phải chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực.
Việt Nam đã và đang hội nhập vào kinh tế thị trường, kinh tế toàn cầu, đã tham gia 15 Hiệp định tự do thương mại (FTA)... Nhiều cơ hội mở ra cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra quốc tế, nhưng đồng thời sự cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cũng cực kỳ cao. Ngoài giá thành cạnh tranh thì vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, thương hiệu sản phẩm đang là thách thức lớn. Đây là những vấn đề nông sản Tây Nguyên còn yếu và còn nhiều việc phải làm.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên giai đoạn 2021 - 2030, Trung ương đã xác định phát triển nông nghiệp, du lịch, dịch vụ và công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo là những lĩnh vực trọng tâm. Với vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Tây Nguyên cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phòng hộ, bảo vệ môi trường, để Tây Nguyên có thể sớm thoát khỏi nghèo khó, tận dụng và phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này, chúng tôi cho rằng cần phải có Nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Tây Nguyên. Để trên cơ sở đó Nhà nước sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên và cần tập trung vào những vấn đề cốt lõi, trọng tâm trước mắt.
Đó là đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến, tiêu thụ nông lâm sản và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân vùng nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết nối với các vùng, miền để thu hút đầu tư phát triển dịch vụ có hiệu quả.
Cần có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng trong sản xuất và chế biến, tích tụ đất đai, sản xuất tập trung, hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, số hóa, xây dựng chuỗi giá trị và xuất khẩu nông sản để xây dựng ngành kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, đa giá trị, hiệu quả, bền vững.
Có cơ chế, chính sách để giải quyết hài hòa giữa bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, đất rừng Tây Nguyên với phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Có như thế người dân mới có thu nhập tốt từ rừng, từ nông lâm kết hợp, tự giác tham gia bảo vệ rừng, giải quyết hài hòa, khoa học tác dụng của rừng Tây Nguyên cả về kinh tế - xã hội - môi trường và quốc phòng, an ninh.
Tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là giải quyết đất đai, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào tại chỗ, đồng bào di cư tự do còn nghèo khó, sống gần rừng, trong rừng.
Cơ chế chính sách đặc thù cũng là yếu tố căn cơ để tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, ưu tiên các lĩnh vực chế biến sản phẩm chủ lực của ngành: Cà phê, hồ tiêu, rau quả, dược liệu...; nuôi trồng, chế biến gia súc, gia cầm, thủy sản, lâm sản...
Hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đang rất quan tâm để thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Tây Nguyên mong muốn có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề khó nhất như tôi đã nói là những vướng mắc về đất đai, nhạy cảm về vị trí chiến lược an ninh quốc phòng.
Cuối cùng là đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực qua đào tạo, chất lượng cao, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, gắn đào tạo nghề, chuyển đổi nghề với tạo cơ hội việc làm cho người dân nông thôn. Nguồn nhân lực trong khu vực phải đảm bảo sự liên kết, khi cần có sự dịch chuyển giữa các địa phương trong vùng. Đó là những yếu tố cần thiết nhằm tạo ra sự liên kết và tạo ra sức mạnh cạnh tranh.
Nếu giải quyết những nút thắt, điểm nghẽn, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm và cốt lõi, theo ông, bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Tây Nguyên trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Tôi tin tưởng rằng nếu giải quyết được các rào cản, nút thắt và có sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Trung ương, bức tranh về nông nghiệp nông dân nông thôn của Tây Nguyên sẽ thay đổi một cách rõ nét và bền vững.
Vì như tôi đã nói, với tiềm năng, lợi thế và cơ hội đang có, không có lý gì Tây Nguyên lại không phát triển, cuộc sống người dân không thay đổi cả.
Anh đi thực tế ở Tây Nguyên có thể thấy, cuộc sống người dân tất nhiên còn nhiều bộ phận còn khó khăn, vất vả, còn nghèo khó, tuy nhiên đại đa số bà con đã có những đổi mới, cuộc sống đã đầy đủ hơn, sung túc hơn so với trước đây rất nhiều. Mọi triết lý phát triển, các chính sách đầu tư suy cho cùng giá trị cốt lõi vẫn là đảm bảo đời sống người dân. Để cụ thể hóa triết lý phát triển đó, Tây Nguyên xác định nông nghiệp luôn là vấn đề căn cơ. Nhiều người vẫn thường dùng từ bệ đỡ để nói về nông nghiệp, nhưng với Tây Nguyên nông nghiệp là cuộc sống, là sự phát triển và là thế mạnh của vùng.
Lẽ tất nhiên, giống như nhiều vùng kinh tế khác, vấn đề liên kết vùng ở Tây Nguyên cũng thế thôi, còn nhiều vấn đề. Trong tương lai phải có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để tạo sự thuận lợi trong việc giao thương, phát triển kinh tế xã hội, kể cả sinh hoạt của người dân để tạo sự liên kết chặt chẽ. Đặc biệt với lĩnh vực nông nghiệp càng phải chặt chẽ hơn để tạo ra thế mạnh mang tính cạnh tranh đối với những mặt hàng chủ lực.
Những năm qua các tỉnh khu vực Tây Nguyên mặc dù thu ngân sách còn rất hạn chế, tuy nhiên đã có nhiều chính sách hỗ trợ, miễn giảm các loại thuế, điều chúng tôi luôn quan tâm, suy nghĩ là phải làm thế nào để thay đổi phương thức sản xuất, cách thức sản xuất của đồng bào thiểu số tại chỗ.
Ví dụ tỉnh Đăk Lăk đã có hẳn một Đề án của Tỉnh ủy để Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, phát triển kinh tế.
Mục tiêu đặt ra tạo điều kiện cần thiết để đồng bào thiểu số tiếp cận đất đai, kỹ thuật, hình thức tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển, tuyên truyền vận động đồng bào thay đổi tư duy, khát vọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Chúng tôi phân công, huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến thôn buôn. Hi vọng Đề án sẽ tạo ra nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc quan tâm đời sống, thay đổi phương thức sản xuất, tư duy của đồng bào dân tộc, để cùng với đồng bào hòa nhập chung với các thành phần dân cư khác.
Chung khát vọng, đồng thuận và đoàn kết sẽ là những giá trị cốt lõi để phát triển đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bằng tinh thần “Tây Nguyên vì cả nước và cả nước vì Tây Nguyên”, tiềm lực Tây Nguyên sẽ được đánh thức, tiềm năng, lợi thế sẽ được phát huy thành nguồn lực phát triển, bộ mặt Tây Nguyên sẽ thay đổi, phát triển bền vững.
Với Đăk Lăk, khát vọng của ông là gì? Thời gian qua vấn đề thu hút đầu tư vào Đắk Lắk đã có những đột phá lớn từ chính sách và quan điểm thu hút đầu tư của tỉnh, ông kỳ vọng làn sóng đầu tư đó sẽ tháo gỡ nút thắt và tạo sự đột phá cho Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung như thế nào?
Đăk Lăk cũng giống như các tỉnh khác ở Tây Nguyên, tuy nhiên có thuận lợi hơn là đã có Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 103 của Chính phủ về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Triết lý phát triển của Đăk Lăk trong giai đoạn tới, trước hết để trở thành trung tâm vùng thì phải có những lĩnh vực mang tính dẫn dắt, đi đầu đi trước như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học…
Tuy nhiên cũng giống như các tỉnh khác trong khu vực, Đăk Lăk xác định nông nghiệp vẫn là lĩnh vực căn cơ. Hiện có một số nhà đầu tư lớn quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp Đăk Lăk như Tập đoàn TH, Tập đoàn Xuân Thiện và một số doanh nghiệp khác.
Quan điểm thu hút đầu tư của chúng tôi là tập trung vào những lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư theo chuỗi liên kết trong các khâu từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ.. Và đặc biệt là logictics, bởi đây đang là nút thắt không chỉ của Đăk Lăk mà của cả Tây Nguyên, thậm chí là cả ngành nông nghiệp chúng ta. Tỉnh đang bố trí cho Tập đoàn Xuân Thiện khoảng 500 ha để xây dựng tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao và mong mỏi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này.
Cùng với nông nghiệp, Đăk Lăk sẽ phát triển công nghiệp, năng lượng… Hiện đã có những nhà máy có công suất lớn về năng lượng tái tạo như điện gió Trung Nam với công suất 480 MW của Tập đoàn Trung Nam lớn nhất Việt Nam, năng lượng mặt trời công suất hơn 800 MW của Tập đoàn Xuân Thiện lớn nhất Đông Nam Á… Có thể nói Đăk Lăk đã định vị chiến lược phát triển giữa nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ đặc biệt là công nghiệp chế biến có sự hỗ trợ lẫn nhau để tạo ra cơ cấu kinh tế địa phương.
Trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh, những yêu cầu đặt ra của Bộ Chính trị, của người dân đối với phát triển kinh tế xã hội, Đăk Lăk đã tập trung lãnh đạo và triển khai các lĩnh vực cần thu hút đầu tư, rà soát lại các quy hoạch nhất là trong bối cảnh đang xây dựng quy hoạch tỉnh.
Tôi nghĩ rằng các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên cũng vậy. Các địa phương cần có rà soát lại quy hoạch, rà soát lại các dự án mà lâu nay đã cho các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát, từ đó triển khai đánh giá tổng thể về quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch… Trên cơ sở các yêu cầu đặt ra có những thứ tự ưu tiên trong các lĩnh vực cần thu hút đầu tư.