Tiếc thương một nhân cách lớn, một tấm gương đạo đức cách mạng
Dù đồng chí đã đi xa, nhưng hình ảnh về người cán bộ với nhân cách lớn, luôn giản dị, gần gũi, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân sẽ còn mãi trong tâm trí của người dân Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng…
* Nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk Y KHÚT NIÊ:
Tinh thần, sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục là động lực, niềm tin để mỗi người noi theo
|
|
Ảnh: Hoàng Gia |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi, để lại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, và cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới một sự tiếc thương, kính trọng. Dẫu biết rằng, trong một đời người ai cũng trải qua sinh, lão, bệnh, tử, nhưng sự ra đi của bác để lại niềm đau xót vô hạn cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Tây Nguyên và cả nước nói chung
Tôi có dịp may mắn, là đại biểu Quốc hội của hai khóa, được tiếp xúc với bác. Cuộc đời bác hết sức giản dị, khiêm tốn và rất tâm huyết với công việc. Bác là một tấm gương mẫu mực, giống như một người cha già, thực hiện các trọng trách, trách nhiệm. Cả sự nghiệp, cả cuộc đời của mình, bác đã hy sinh, dành trọn cho Đảng, cho nước, cho dân. Đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bác rất quan tâm, bác đã có hai lần đến thăm tỉnh Đắk Lắk. Trong các lần đến thăm, bác để lại những tình cảm rất sâu sắc.
Ngoài việc chỉ đạo, quán triệt, định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên, Đắk Lắk, bác đã dành nhiều tình cảm đối với nhân dân các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bác đã quán triệt rất sâu sắc những nhiệm vụ, định hướng cụ thể, vai trò và tầm quan trọng của Tây Nguyên đối với đất nước, đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị; đồng thời bác luôn luôn quán triệt về tinh thần đoàn kết dân tộc…
Trong quá trình sống và cống hiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thật trong sạch, vững mạnh. Bác đã đề ra nhiều chính sách, nhiều quy định cụ thể nhằm hạn chế những lệch lạc về tư tưởng, về cách làm của một số cán bộ, đảng viên; đặc biệt là trong việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực… và đã mang lại những kết quả nổi bật, góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát, tổn thất lớn. Cá nhân tôi và có lẽ cũng giống như nhiều đảng viên khác và nhân dân rất mong muốn đối với Đảng làm thế nào để tiếp tục quán triệt tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; học tập, làm theo đúng tư tưởng, phong cách, phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà bác Trọng đã là một người gương mẫu thực hiện: lãnh đạo sáng suốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Những nền tảng, tinh thần, sự nghiệp đóng góp của Tổng Bí thư để lại sẽ tiếp tục là động lực, niềm tin để mỗi người noi theo, tiếp tục phát huy, phấn đấu, đưa đất nước ta ngày một phát triển.
* Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Niê Thanh Mai:
Dành nhiều tình cảm, quan tâm sâu sắc đối với văn học nghệ thuật và lực lượng văn nghệ sĩ
|
|
Ảnh: Hoàng Gia |
Như tất cả những người khác và đặc biệt là các văn nghệ sĩ của Việt Nam, chúng tôi đều rất mong muốn có cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, tôi có cơ duyên được trực tiếp gặp bác; được cùng với các văn nghệ sĩ đón bác đến với lễ kỷ niệm và cũng được bắt tay bác. Đó là một cảm xúc mà tôi nghĩ rằng đối với bản thân và các văn nghệ sĩ có mặt hôm ấy sẽ không bao giờ quên được. Sự ấm áp, hiền hòa và cũng như là sự thân tình, gần gũi, tình cảm chân thành bác dành cho các văn nghệ sĩ sẽ không bao giờ phai mờ trong lòng tôi và có lẽ cũng như những văn nghệ sĩ khác.
Có thể nói rằng, văn học nghệ thuật và các văn nghệ sĩ chúng tôi nhận được sự quan tâm rất nhiều của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đối với sự phát triển văn học nghệ thuật, đặc biệt là về vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Bác đã có những đánh giá vô cùng sâu sắc, đồng thời có những chỉ đạo quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với văn học nghệ thuật và lực lượng văn nghệ sĩ. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng tôi đã trực tiếp lĩnh hội và đã được triển khai rất nhiều những chương trình, hoạt động; trong đó đặc biệt nhấn mạnh về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đưa các hoạt động về với vùng sâu, vùng xa.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chúng tôi đã xây dựng rất nhiều chương trình, kế hoạch, đặc biệt là lan tỏa các giá trị bản sắc văn hóa của 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh ở nhiều lĩnh vực. Và chúng tôi cũng tổ chức những chương trình, những hoạt động công bố tác phẩm, giới thiệu tác phẩm đến với nhiều vùng miền trong cả nước; đối với những hoạt động lễ hội văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp thu những ý kiến chỉ đạo cũng như tổ chức những chương trình hoạt động. Chúng tôi đã tỏa đi khắp nơi, có những tác phẩm sáng tác và triển khai công bố các tác phẩm về đề tài này đến với rộng khắp công chúng.
Một trong những điều chúng tôi vô cùng tâm đắc, đó chính là vấn đề đoàn kết dân tộc thông qua văn học nghệ thuật. Chúng tôi cũng đã xây dựng những chương trình, kế hoạch, phản ánh trong các tác phẩm của văn nghệ sĩ, thể hiện rõ vai trò và sự đoàn kết của các dân tộc và đặc biệt sự đoàn kết, tham gia của các dân tộc ở nhiều lực lượng: từ công an, bộ đội, đoàn thanh niên, phụ nữ… Chúng tôi đã kết nối và điều này cũng thể hiện trong tác phẩm.
Tin tưởng rằng, với nền tảng cũng như những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra cho văn hóa nói chung, văn học - nghệ thuật nói riêng sẽ tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt huyết cho đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực đổi mới sáng tạo, có nhiều tác phẩm giá trị về nội dung tư tưởng, chất lượng nghệ thuật, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của thời đại hiện nay…
* Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT HÀ NGỌC ĐÀO:
Biến niềm thương tiếc thành ý chí sức mạnh hành động
|
|
Ảnh: Hoàng Gia |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là một tổn thất quá lớn đối với đất nước. Chúng tôi hết sức xúc động trong lúc Đảng, đất nước đang rất khó khăn, nhất là trong đợt dịch COVID-19, bác đã lèo lái con thuyền vượt qua và đạt được nhiều thành tựu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng bào Tây Nguyên chúng ta luôn đoàn kết một lòng theo Đảng, một lòng bảo vệ cách mạng, trước đây để giành độc lập, tự tự do cũng như bây giờ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, trong các giai đoạn khó khăn, việc đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên lại càng phải đề cao; việc đồng bào tin tưởng ở Đảng, đoàn kết muôn người như một, đoàn kết với các dân tộc, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân là cực kỳ quan trọng.
Với nhiều cương vị từng kinh qua trong quá trình công tác như: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, trải qua quá trình làm việc, bác Trọng đã chỉ đạo rất bao quát, đề cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; và đề ra các đường lối, chủ trương, chính sách để thực hiện đạt mục tiêu đó.
Trung ương Đảng, Chính phủ có nhiều chương trình như xóa đói giảm nghèo; phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi… Từ đó làm cho cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. Đối với lĩnh vực giáo dục, đã có Nghị quyết về đổi mới toàn diện về giáo dục; Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập… Trên cơ sở những văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Ban Bí thư đã làm chỗ dựa căn bản để từ đó phát triển; và gần đây là chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai thực hiện cũng nhằm đổi mới căn bản giáo dục toàn diện giáo dục... Qua đó, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên.
Nếu như cách đây khoảng vài chục năm, giáo dục Đắk Lắk có rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về trường lớp, cơ sở vật chất, giáo viên, cán bộ quản lý; một số nhà trường không có chi bộ… Thế nhưng bây giờ những yếu tố đó đã được đáp ứng đầy đủ; tiến bộ hơn, thể hiện ở việc có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2 (chiếm khoảng 50%); cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; các chính sách cụ thể, chi tiết, đi vào thực tế cuộc sống…
Những kết quả, thành tựu đó có sự đóng góp không nhỏ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cho nên sự ra đi của bác là một mất mát lớn. Tiếp nối thành quả của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ các cấp phải nỗ lực vươn lên để bù đắp vào những mất mát đó.
Từng cán bộ, lãnh đạo phải phấn đấu, kế thừa những giá trị lịch sử của Đảng, những kinh nghiệm mà thế hệ đi trước để lại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phát động trong đảng viên, cán bộ, giáo viên, học sinh biến niềm thương tiếc thành ý chí sức mạnh hành động. Trước mắt, đối với ngành giáo dục phải làm tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo như mong ước, kỳ vọng khi bác Trọng đang còn sống, cũng như Bác Hồ mong ước đối với chúng ta.
* Nghệ nhân ưu tú AMA LOAN (Y Bhiông Niê), buôn Akô Dhông, TP. Buôn Ma Thuột:
Tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để mỗi người noi theo
|
|
Ảnh: Hoàng Gia |
Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bản thân tôi và bà con buôn làng rất buồn; nhiều người ngỡ như không phải là sự thật bởi điều này quá bàng hoàng, thương tiếc.
Trong cuộc đời cống hiến của mình, những điều bác từng nói, những điều bác chỉ đạo đã được thể hiện trên tất cả các mặt về kinh tế - xã hội, đời sống, văn hóa, an ninh quốc phòng; đường sá, buôn làng có nhiều thay đổi lớn, khác xưa nhiều. Những gì bác nói, những việc bác chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc công việc, bà con chúng tôi đều theo dõi, thấy rõ hiệu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người mẫu mực, giản dị, liêm khiết, vì nước, vì dân; thân thiết, gần dân, sát lòng dân. Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư cùng toàn Đảng, nhân dân càng tin tưởng vào con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Bác mất đi để lại niềm tiếc thương cho mỗi người. Tôi hy vọng đất nước có thêm nhiều cán bộ ưu tú kế cận bác để kiến thiết, xây dựng đất nước, thỏa lòng mong đợi của các bậc hiền nhân đi trước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng để học tập, tự sửa mình và truyền dạy những việc làm hay, lẽ phải cho con cháu và bà con buôn làng. Tôi sẽ tiếp tục nhắc nhở bà con buôn làng, con cháu trong gia đình và mọi người làm đúng theo đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; phấn đấu phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn…
Lan Anh (thực hiện)