Thủ tướng: Nghiên cứu tiêm vắc-xin mũi 4, tăng cường quản lý bệnh nhân Covid-19 tại nhà
Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái.
Thủ tướng cho rằng những “chiến sĩ áo trắng” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm - Ảnh: Nhật Bắc
"Chúng ta nhớ đến những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp nhất ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương. Chúng ta nhớ đến hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo... Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh... "- Thủ tướng chia sẻ.
Cùng với đó là những bác sĩ và nhân viên y tế đã phục vụ chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho nhân dân trên mọi miền Tổ quốc với tần suất làm việc không kể ngày đêm, gánh vác công việc gấp nhiều lần lúc bình thường do nhiều đồng nghiệp phải tăng cường phục vụ phòng, chống dịch Covid-19...
Hàng ngàn nhân viên y tế đã không quản ngại ngày đêm để thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng vắc-xin lớn chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, nước ta là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới mặc dù việc tiếp cận vắc-xin Covid-19 rất khó khăn, dân số đông và tỉ lệ nhân viên y tế trên dân số còn thấp.
"Tỉ lệ tiêm chủng cao là cơ sở để nước ta tự tin đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2021, nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngành y tế"- Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.
"Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…"- ông nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ "nghề y là một nghề đặc biệt". Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".
Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho nhân dân.
Thủ tướng cho biết dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19" tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhiệm vụ ngành y tế rất nặng nề.
Để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức "mỗi người vì mọi người" trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng… "Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định; là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.
Bộ Y tế và các địa phương triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vắc-xin Covid-19, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp trẻ trở lại trường học an toàn.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hơn 2 năm qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc.
Bốn đợt bùng phát dịch với nhiều biến chủng nguy hiểm xảy ra trên quy mô, mức độ khác nhau, đặt ra thách thức to lớn đối hệ thống y tế. Trong cuộc chiến này, rất nhiều thầy thuốc đã trở thành tấm gương sáng và đầy tự hào của ngành y tế Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được các đợt bùng phát dịch trên toàn quốc, đưa cả nước sang giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".
Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời tri ân tới toàn thể các thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế và người thân của họ với những đóng góp tận tâm, tận lực, không quản gian lao, vất vả để nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nói riêng và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung.
Người lao động