Thứ trưởng Tạ Quang Đông đặt kỳ vọng các rạp phim cùng “bắt tay” làm nên những siêu phẩm phim Việt xứng tầm
Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh về rạp chiếu phim trên toàn quốc có cơ hội được gặp nhau đầy đủ để trao đổi, thảo luận các vấn đề trong lĩnh vực phát hành và phổ biến phim.
Buổi làm việc với sự chủ trì của Thứ trưởng Tạ Quang Đông và sự tham gia của Cục trưởng Vi Kiến Thành cùng đại diện 6 rạp phim tại TP.HCM. Ảnh: Hà Kiều
Xây dựng thí điểm khung giờ hoạt động
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh 3 nội dung then chốt cần trưng cầu ý kiến của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim (rạp phim) trong việc kiến nghị thay đổi một số nội dung liên quan đến Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh: Ấn định % phim Việt (so với phim nước ngoài) trên các rạp phim; xem xét các vấn đề trích nguồn doanh thu các rạp phim để xây dựng Quỹ Điện ảnh và quy định khung giờ cụ thể hoạt động các rạp phim.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Đinh Thanh Hương, Đại diện Galaxy cho rằng: Quy định hiện hành ấn định các rạp phim phải cam kết đạt 25% suất chiếu phim Việt trên các rạp là chưa hợp lý so với thực tế số lượng (chưa bàn chất lượng) phim Việt Nam được sản xuất và ra mắt hàng năm (chưa kể ra không đều, chỉ tập trung chủ yếu dịp Tết). Mức ấn định 25% suất chiếu phim Việt theo quy định cũ sẽ làm khó cho doanh nghiệp, nhất là thời điểm sau hơn 2 năm ròng rã đối mặt với dịch bệnh.
Đại diện các rạp phim cũng điểm lại số lượng phim sản xuất trong nước gần 5 năm qua: năm 2018 có 41 phim, năm 2019 là 44 phim, năm 2020 là 36 phim, năm 2021 là 12 phim và năm 2022 (đến hiện tại) là 20 phim.
"Thực chất bản thân chúng tôi (rạp phim) luôn mong muốn được dành nhiều thời lượng để chiếu phim Việt. Tuy nhiên, thực tế phim Việt không được như kỳ vọng. Có những phim Việt số lượng khán giả đến rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nên chăng nhà nước nên khoán 25% doanh thu phim Việt trên tổng doanh thu thì khả thi hơn", bà Đinh Thanh Hương chia sẻ.
Cùng quan điểm với Galaxy Cinema, đại điện BHD ông James Sơn nhấn mạnh: "Lịch chiếu phim hiện nay đang mất cân đối (mùa cao điểm và mùa thấp điểm). Trong khi mùa cao điểm (dịp Tết) thì bị "bội thực" phim, còn mùa thấp điểm kéo dài thì "khát" phim. Do đó, giữa nhà sản xuất phim và rạp phim phải có cam kết cùng với chính sách hỗ trợ đặc thù từng thời điểm để tạo điều kiện. Làm được điều này thì mới ấn định được % thời lượng phim Việt trên các rạp".
Về việc lấy ý kiến doanh nghiệp xem xét các vấn đề trích nguồn doanh thu các rạp phim để xây dựng Quỹ Điện ảnh, tất cả các doanh nghiệp đều cho rằng chưa đúng thời điểm, nhất là sau những tổn thất nặng nề của đại dịch.
Cũng tại buổi làm việc, tất cả các rạp phim kiến nghị nên cho phép các rạp phim được hoạt động sau 0h so với quy định trước đây.
"Thực tế tại Cinestar, những suất phim chiếu từ sau 22h trở đi luôn đông hơn trước đó. Điều này không chỉ diễn ra ở TP.HCM mà ở các thành phố khác như Đà Lạt, Huế,... Do đó, việc cho phép các rạp hoạt động sau 0h là nhu cầu chính đáng...", ông Trần Văn Ái, đại diện Cinestar cho biết.
Sau hơn 2h ngồi lắng nghe tâm tư, phản hồi của đại diện 6 doanh nghiệp phát hành và phổ biến phim, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các rạp phim.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng nên duy trì định kỳ những buổi làm việc tương tự để lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng các rạp phim. Ảnh: Hà Kiều
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, kiến nghị hoán đổi từ 25% suất chiếu phim Việt sang 25% doanh thu phim Việt trên tổng doanh thu cũng như đề xuất trích nguồn doanh thu trước thuế hay doanh thu sau thuế đóng góp vào Quỹ Điện ảnh sẽ được Bộ VHTTDL phối hợp cùng Cục Điện ảnh trưng cầu thêm ý kiến, cân nhắc và đưa ra dự thảo cuối cùng trước khi trình Quốc hội và Chính phủ.
Về đề xuất các doanh nghiệp chiếu phim nới khung giờ hoạt động sau 0h, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh 3 yếu tố để cân nhắc xây dựng thí điểm có lộ trình: "Thời gian cụ thể? Loại rạp? Và lứa tuổi ?". Hoặc bắt đầu suất chiếu cuối cùng không quá 0h vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 5. Hoặc bắt đầu suất chiếu cuối cùng không quá 1h vào thứ 6, 7, chủ nhật và ngày lễ. Và cũng nghiên cứu giới hạn độ tuổi cho từng khung giờ.
"Để có được quy định rõ ràng cần có lộ trình là xây dựng thí điểm ở một số thành phố du lịch đêm và tùy thuộc vào điều kiện mỗi địa phương. Sau thời gian thí điểm cùng ngồi lại đánh giá, rút kinh nghiệm và có quy định rõ ràng", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Cần có sự "bắt tay" của tất cả rạp phim!
Cũng tại buổi làm việc, ngoài 3 nội dung then chốt cần trưng cầu ý kiến của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim (rạp phim) trong việc kiến nghị thay đổi một số nội dung liên quan đến Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như những trăn trở của các doanh nghiệp phát hành và phổ biến phim.
Ông Trần Văn Ái, đại diện Cinestar chia sẻ, Cinestar của ông nói riêng và nhiều đơn vị khác nói chung luôn ao ước sẽ dành nhiều thời lượng để công chiếu phim Việt do người Việt sản xuất. Tuy nhiên số lượng phim ra rạp hiện nay quá ít và kèm theo đó có sự khác nhau về chất lượng, đồng thời ảnh hưởng hơn 2 năm của dịch bệnh khiến cho các rạp phim hầu như kiệt quệ. Phim cũng là hoạt động văn hóa – giải trí lành mạnh, hữu ích, trong khi nhiều lĩnh vực khác được tiếp cận nguồn vốn vay cũng như nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước sau dịch còn các rạp phim lại chưa quan tâm đúng mức.
Ông James Sơn, đại điện rạp BHD cần có chính sách đặc thù cho các rạp phim ưu tiên chiếu phim Việt vào mùa thấp điểm
Đại diện Galaxy, BHD và các đơn vị còn lại cũng đồng quan điểm với Cinestar về việc nhà nước cần có chính sách đặc thù hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát hành phim như chính sách hỗ trợ thuế, ưu đãi vay vốn, tiếp cận nguồn vốn,...
Sau khi lắng nghe ý kiến các đơn vị, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết điều các doanh nghiệp chia sẻ cũng là trăn trở của Cục. Cục Điện ảnh sẽ tiếp thu ý kiến các đơn vị và có kiến nghị vào thời điểm hợp lý.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cũng mong muốn và kêu gọi các đơn bị sản xuất, phát hành phim tư nhân hãy quan tâm đến các phim do nhà nước đặt hàng, để những phim do nhà nước đặt hàng có sự tham gia của các đơn vị sản xuất, phát hành phim tư nhân.
"Với mong muốn dòng phim do nhà nước đặt hàng đạt được cả nhiệm vụ chính trị và thương mại, từ năm sau trở đi, Cục kỳ vọng sẽ nhận được các kịch bản phim của các đơn vị tư nhân gửi trước ngày 30/4 hàng năm. Từ 30/4 đến 30/7 là thời gian thẩm định, xét chọn và hạch toán kinh phí,...", ông Vi Kiến Thành cho biết.
Tại buổi làm việc, các đơn vị nhà rạp cũng đã đi đến thống nhất ý tưởng cùng nhau xây dựng các dự án chung sản xuất phim Việt và có kế hoạch cùng nhau tài trợ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội 2022.
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông ghi nhận và khẳng định những đóng góp của các doanh nghiệp phát hành, phố biến phim tư nhân trong thời gian qua. Những chia sẻ, ý kiến và kiến nghị, đề xuất của các đơn vị sẽ được lãnh đạo Bộ nghiên cứu, cân nhắc. "Như một cách đóng góp và vực dậy niềm tự hào về nền điện ảnh nước nhà trước những thách thức của phim Việt hậu đại dịch cần có sự chung tay hành động, đoàn kết, cùng "bắt tay" của tất cả rạp thì mới có thể làm nên những siêu phẩm phim Việt xứng tầm, mang dấu ấn điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.