Tạo lập bản sắc một cách sáng tạo
Khi đề cập đến bản sắc đô thị Buôn Ma Thuột, hầu hết các chuyên gia quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam đều nhìn nhận: Buôn Ma Thuột có xuất phát điểm và những tiềm năng đủ mạnh đề sản sinh, kiến tạo nên một thành phố có bản sắc dựa trên lợi thế nhiều mặt.
Đó là tài nguyên thiên nhiên phong phú và đặc sắc (bao gồm hệ thống sông, suối, hồ, thác, rừng cảnh quan trong phố) giúp khả năng sáng tạo nên diện mạo đặc trưng cho đô thị miền núi này trở nên mạnh mẽ và đa dạng hơn.
Thêm nữa, tài nguyên nhân văn được thể hiện qua vốn văn hóa truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ cũng như tinh thần, sức bật vươn tới các giá trị mới của cư dân các vùng miền khắp đất nước mang đến đây trong nhiều thập niên qua đã tạo ra một số đặc điểm nổi trội cho bức tranh kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột.
Bảo tàng Đắk Lắk với kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa phong cách hiện đại và nét truyền thống của người Ê đê. Ảnh: Hữu Nguyên |
Đến nay, Buôn Ma Thuột đang mở mang, vươn rộng ra những không gian mới, gắn kết chặt chẽ với nhau bởi hạ tầng đồng bộ, từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển đô thị với quy mô ngày càng lớn hơn. Trong đó đặc trưng hình thái học đô thị và cảnh quan đô thị cũng đã định hình khá rõ nét với sự “chuyển hóa mềm” giữa các không gian có mật độ xây dựng "đặc" hay "loãng", dựa trên địa hình, địa mạo khác nhau để có những tuyến phố, ô phố có thẩm mỹ cao và đầy thiện cảm. Về phương diện ngôn ngữ kiến trúc, đô thị Buôn Ma Thuột phổ biến sự vay mượn và biến tấu hình ảnh ngôi nhà dài của người Êđê.
Theo các chuyên gia thì trong một số trường hợp, giải pháp này có thể nói là thành công do sự kế thừa và sáng tạo tốt, phù hợp với tính chất, công năng của công trình (điển hình như Biệt điện Bảo Đại và Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, cũng có không ít công trình khác rơi vào sự rập khuôn, khiên cưỡng do chạy theo đường hướng “nhại lại”, hay câu nệ về bản sắc một cách máy móc. Hình ảnh ngôi nhà dài có thể là mô-tip để nhận diện về hình thức, đặc thù của kiến trúc đô thị trên cao nguyên này; nó chỉ đem lại tín hiệu để dễ nhận biết và dễ nhớ, chứ chưa đủ sức để tạo ra bản sắc cho đô thị Buôn Ma Thuột.
Còn nhớ, tại Hội thảo Quy hoạch và phát triển các đô thị vùng Tây Nguyên được tổ chức vào cuối năm 2023 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), TS. kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã nhấn mạnh về sự kế thừa, sáng tạo để xác lập bản sắc cho đô thị rằng: Chỉ có thể xây dựng một thành phố có bản sắc, cả về đời sống cộng đồng thành thị và cả về diện mạo kiến trúc - nếu ta đi lên và kiến tạo nó từ sự gợi mở của tài nguyên thiên nhiên, nhân văn; từ sự tích lũy và sáng tạo vốn văn hóa bản địa đặc trưng; từ quỹ kiến trúc đô thị đã hình thành qua mỗi tiến trình lịch sử và đặc biệt hơn hết là từ những chủ trương, chương trình mở mang thành phố có tính nhất quán và có tầm nhìn của chính quyền địa phương cùng sự đồng thuận của người dân.
Theo ý này thì chúng ta chỉ có thể góp phần cho sự nảy nở và khẳng định bản sắc, chứ không nên đặt nó thành mục tiêu, bởi động cơ ấy dễ dẫn đến chủ nghĩa hình thức và thủ cựu. Đặc biệt là trong kiến trúc đô thị, đừng để hoài niệm hay tâm thức riêng tư trở thành thước đo cứng nhắc, đem áp vào thân thể của mỗi thành phố, mỗi cộng đồng dân cư vốn có cuộc sống đặc thù và khác biệt. Hay nói cách khác là đừng quá câu nệ về bản sắc, bởi ngày nay - hơn bao giờ hết cần dứt khoát lựa chọn và tiến về phía trước.
Thời đại mới, tiến trình mới ắt sẽ sản sinh ra bản sắc mới và những giá trị mới. Cứ nhìn vào người Nhật Bản hay Hàn Quốc sẽ rõ, càng tân tiến thì họ càng bộc lộ bản sắc sâu dày, bền vững. Chúng ta hình như lo lắng có phần quá mức về duy trì bản sắc, điều đó có thể ngăn cản bước phát triển của mỗi cộng đồng dân cư nói chung và đời sống, diện mạo của đô thị nói riêng.
Đình Đối