Cập nhật lúc: 16/08/2022

Sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19

Trong nhiều tuần qua, Việt Nam ghi nhận số ca Covid-19 mắc mới và bệnh nặng tăng trở lại. Ngành y tế từ trung ương đến địa phương đã chuẩn bị nhiều phương án ứng phó, không để dịch bùng phát trở lại gây thiệt hại nặng
 Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 2 tuần đầu tháng 8-2022, số người mắc Covid-19 tiếp tục tăng với nhiều ngày ghi nhận trên 2.000 ca. Có ngày, số ca mắc tăng lên gần 2.400, tương đương thời điểm cách đây 3 tháng. Số ca Covid-19 nặng cũng tăng cao hơn, có ngày lên tới gần 140 trường hợp.

Chủ yếu người lớn tuổi, có bệnh nền nhập viện

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết hiện nay, đa số trường hợp phải nhập viện do mắc Covid-19 là bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền. Tuy nhiên, nhiều người không quá cao tuổi, không có bệnh nền mà bệnh Covid-19 cũng tiến triển khá nặng. Nguyên nhân là do miễn dịch tạo ra từ vắc-xin Covid-19 ở những người này không bền vững. Người mắc có thể tái nhiễm nhiều lần và có nguy cơ trở nặng nếu không tiêm mũi nhắc lại để củng cố miễn dịch.

Trong tình hình chung của cả nước, số ca mắc Covid-19 ở TP HCM cũng có xu hướng tăng mỗi ngày. Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh viện đang điều trị hơn 20 ca, trong đó 2 trường hợp thở máy, còn lại chủ yếu bệnh vừa và nhẹ. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người lớn tuổi, có bệnh nền, cao huyết áp, đái tháo đường.

Sẵn sàng ứng phó dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 8-2022 phải hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trong ảnh: Tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Theo thượng tá - bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM), 3-5 ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 có tăng nhưng không đáng kể. Bệnh viện đang điều trị 14 bệnh nhân, trong đó 2 người thở ôxy, còn lại thể nhẹ và vừa. Trong 14 ca nhập viện, 70% trên 70 tuổi, có nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim...

Bác sĩ Ân cho biết tất cả ca bệnh nhập viện đều đã tiêm vắc-xin nên tỉ lệ chuyển nặng giảm đáng kể. Trong khi trước đây, khi người dân chưa tiêm vắc-xin Covid-19 thì những đối tượng này dễ trở nặng và tỉ lệ tử vong rất cao. Do đó, hiệu quả của vắc-xin là rất lớn.

Bác sĩ Ân nhận định hiện tỉ lệ tử vong không như trước nhưng vẫn có yếu tố nguy cơ nếu số ca mắc Covid-19 tăng. Vì vậy, biện pháp phòng chống cơ bản là khẩu trang và khử khuẩn phải thực hiện chặt chẽ hơn. "Người già cần hạn chế đến nơi đông người. Người trẻ cần hạn chế tụ tập nếu trong gia đình có người lớn tuổi, trẻ nhỏ. Bởi lẽ, nguy cơ người trẻ mang virus về cho những đối tượng này cao" - bác sĩ Ân giải thích.

Số ca mắc công bố chưa phản ánh đúng thực tế

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Các ca mắc tăng lên được công bố hằng ngày nhưng số liệu này chưa phản ánh chính xác thực tế. Bởi lẽ, nhiều người không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ không xét nghiệm nên đây vẫn là nguồn lây. Thậm chí, người có triệu chứng nhẹ, kể cả khi có kết quả dương tính, cũng không thông báo.

PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh vẫn phải huy động nguồn lực chống dịch, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch có hiệu quả để bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng là phải bảo vệ những người trong nhóm nguy cơ như người mắc bệnh nền, người già, người chưa tiêm vắc-xin Covid-19, người suy giảm miễn dịch. Đây là những đối tượng dễ trở nặng khi mắc Covid-19, có nguy cơ gây quá tải bệnh viện và tử vong.

"Việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể vẫn tiếp tục. Nếu người dân không tiêm vắc-xin mũi nhắc sẽ làm giảm miễn dịch qua thời gian, dẫn đến tăng nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Các biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.12.1 tuy không gây bệnh nặng như Delta nhưng nếu tăng ca mắc sẽ làm quá tải hệ thống y tế, ca bệnh nặng tăng và sẽ tăng nguy cơ tử vong nếu y tế không đáp ứng được" - PGS-TS Trần Đắc Phu cảnh báo.

Theo các chuyên gia, để chủ động ứng phó với dịch Covid-19, mỗi người vẫn phải duy trì biện pháp phòng dịch cá nhân, trong đó có việc đeo khẩu trang, khử khuẩn ở nơi nguy cơ cao. "Virus SARS-CoV-2 vẫn có nguy cơ lây nhiễm ở môi trường kín, khi tiếp xúc gần, nhất là nơi tập trung đông người. Vì vậy, khi tham gia các phương tiện công cộng (như đi tàu xe, máy bay, đến bệnh viện...), tôi cho rằng phải bắt buộc đeo khẩu trang" - PGS-TS Trần Đắc Phu đề nghị.

TP HCM sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13

Để chủ động ứng phó khi tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có diễn tiến theo chiều hướng xấu, Sở Y tế TP HCM đề nghị tất cả bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn chủ động rà soát nguồn lực (nhân sự, trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân...).

Sở Y tế TP HCM đề nghị các đơn vị trên phải tăng cường sàng lọc, phân luồng, kịp thời phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 để cách ly điều trị và chăm sóc, hạn chế lây lan trong cơ sở y tế. Tổ chức tập huấn và tập huấn lại các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, hướng dẫn điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế tại đơn vị.

Sở Y tế TP HCM cho biết sẵn sàng kích hoạt lại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 khi số ca Covid-19 nặng tăng. Cơ quan này yêu cầu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chịu trách nhiệm chuẩn bị nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn để sẵn sàng kích hoạt lại bệnh viện khi có yêu cầu; chủ động xây dựng các tình huống tương ứng với các kịch bản về số ca nặng cần thu dung, điều trị tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13 và báo cáo về sở.

Sở Y tế TP HCM cũng yêu cầu các trung tâm y tế; phòng y tế quận, huyện và TP Thủ Đức kịp thời tham mưu cho ban chỉ đạo phòng chống dịch tuyến huyện, chịu trách nhiệm triển khai hiệu quả việc phát hiện, quản lý và chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà và các biện pháp phòng chống lây lan theo quy định. Trạm y tế phường, xã, thị trấn và các phòng khám tư tăng cường truyền thông về phòng chống dịch Covid-19, tham gia triển khai các điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 khi có yêu cầu.

Thời gian gần đây, số trẻ mắc Covid-19 ở TP HCM có xu hướng tăng trở lại. Cách đây vài tuần, TP HCM chỉ có một vài trường hợp trẻ mắc Covid-19 phải nằm viện thì nay, con số này đã nhích dần lên mỗi ngày. Đến ngày 12-8, tổng số trẻ em mắc Covid-19 có triệu chứng đang được cách ly điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn là 13 trường hợp, tăng 2 trẻ so với ngày trước. Điều đáng quan tâm là tất cả bệnh nhi này đều chưa được tiêm vắc-xin. Ngoài lý do trẻ còn nhỏ, chưa được chỉ định tiêm, vẫn có trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 chưa được tiêm.

Do đó, Sở Y tế TP HCM đề nghị UBND quận, huyện và TP Thủ Đức đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng giáo dục - đào tạo, phòng y tế, trung tâm y tế tăng cường truyền thông. Cần phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ; cán bộ, nhân viên, người lao động có nguy cơ tiếp xúc người mắc Covid-19 và trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi. 

Nơi nào để bùng phát dịch phải chịu trách nhiệm

Trong bối cảnh số ca mắc đang tăng trở lại có thể gây quá tải hệ thống y tế, mới đây, tại tờ trình Chính phủ để đề xuất các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị giữ phân loại bệnh Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bộ Y tế cho rằng chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành bởi hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng - giảm thay đổi khi xuất hiện các biến thể mới. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch của con người chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, khiến dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

"Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững, song vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch Covid-19" - Bộ Y tế đánh giá.

Nhấn mạnh tình hình dịch đang diễn biến phức tạp, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu dứt khoát không để dịch bùng phát trở lại. Cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong tháng 8-2022, phải hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

NGỌC DUNG - HẢI YẾN
In Gửi Email