Quốc hội thống nhất lùi thời điểm cải cách tiền lương
Ngày 13-11, trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022.
Theo Nghị quyết, dự toán tổng số thu NSNN năm 2022 là 1.411.700 tỉ đồng; Tổng số chi NSNN là 1.784.600 tỉ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỉ đồng tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP); tổng mức vay của NSNN là 572.686 tỉ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết nghị, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Trước đó, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội đã quyết nghị việc tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ 1-7-2022.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 - Ảnh: Quochoi.vn
Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2022 cũng nêu rõ, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Giải trình, làm rõ một số ý kiến của đại biểu Quốc hội về chính sách tiền lương, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và để thực hiện Kết luận của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII , Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương.
"Tuy nhiên, cải cách tiền lương là chủ trương lớn, mang tính đột phá, đã được quy định trong Nghị quyết 27 của Bộ chính trị. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng phương án, chuẩn bị nguồn lực, sớm trình Quốc hội quyết định việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm thích hợp"- ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường.
Tuy nhiên hiện nay thu NSNN khó khăn, chi NSNN tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Vì vậy, trước mắt trong năm 2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp.
Cũng tại Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội cho phép trong trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022.
Trước đó, Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội nêu rõ: "Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1 tháng 7 năm 2022. Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp Nghị quyết của Quốc hội cho phép. Chính phủ chịu trách nhiệm về việc các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương thực hiện đúng quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho các mục đích khác, bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW. Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), giảm bội chi, trả nợ gốc, sử dụng cho đầu tư phải tập trung cho các dự án lớn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước."