Cập nhật lúc: 08/01/2023

Phổ biến phim trên không gian mạng: Tăng giải pháp kỹ thuật gỡ bỏ vi phạm

Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh vừa được Chính phủ ban hành ngày 31.12.2022, có hiệu lực từ 1.1.2023, có nhiều nội dung được quan tâm: Quy định tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam, khung giờ chiếu phim Việt Nam; Phương án kỹ thuật phổ biến phim trên không gian mạng; Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh...
 

 “Bình minh đỏ”, phim sử dụng ngân sách nhà nước của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân

Phương án kỹ thuật phải đảm bảo rõ ràng, dễ sử dụng

Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, tiền kiểm - hậu kiểm là nội dung được giới nghề và dư luận quan tâm trong suốt quá trình soạn thảo và hoàn thiện Luật Điện ảnh năm 2022. Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng các nội dung này, đặc biệt đối với những quy định về phương án kỹ thuật để phổ biến phim trên không gian mạng, tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim vi phạm...

Nghị định quy định điều kiện thực hiện phân loại phim để phổ biến trên không gian mạng gồm: Có Hội đồng phân loại phim, hoặc có phần mềm kỹ thuật, hoặc cơ chế để thực hiện việc phân loại phim; Chịu trách nhiệm về kết quả phân loại phim; Có phương án sửa đổi, cập nhật kết quả phân loại phim khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL; Công cụ quản trị phải hỗ trợ việc phân loại phim theo từng tiêu chí và hiển thị linh hoạt ngay sau khi phim được cập nhật thay đổi về phân loại…

“Có phương án kỹ thuật và quy trình thực hiện tạm dừng phổ biến, gỡ bỏ phim theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL. Sau khi có yêu cầu gỡ bỏ phim, bộ phận vận hành phải thực hiện quy trình để triển khai thao tác gỡ bỏ phim trên công cụ quản trị...”, Nghị định nêu.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim thông qua hệ thống dữ liệu về phân loại phim trên không gian mạng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL trước khi phổ biến phim trên không gian mạng.

Nghị định quy định, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em có khả năng dùng các biện pháp kỹ thuật đó để kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng phải thiết lập các biện pháp kỹ thuật cần thiết, hiển thị phần báo cáo nội dung không phù hợp trong màn hình trình chiếu nội dung hoặc nội dung không phù hợp với phân loại độ tuổi người dùng được dán nhãn để người sử dụng dịch vụ khiếu nại, phản ánh, báo cáo phim vi phạm.

Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng khi thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần công khai hướng dẫn cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên các ứng dụng hoặc trang thông tin điện tử phổ biến phim trên không gian mạng của mình; bảo đảm các biện pháp kỹ thuật phải rõ ràng, minh bạch, dễ sử dụng; xử lý phản ánh, khiếu nại, báo cáo của người sử dụng dịch vụ chậm nhất trong 48 giờ kể từ khi nhận được phản ánh, khiếu nại, báo cáo.

Nghị định cũng quy định, tổ chức, doanh nghiệp có nền tảng truyền thông số có trách nhiệm triển khai các giải pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật Điện ảnh và quy định khác của pháp luật có liên quan. Ngăn chặn, gỡ bỏ phim vi phạm chậm nhất trong 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL. Chịu trách nhiệm về các nội dung của phim vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

Trường hợp phát hiện phim phổ biến trên không gian mạng có nội dung vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh của Bộ VHTTDL có quyền yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp có mạng viễn thông thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn truy cập phim vi phạm pháp luật. Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các vi phạm đã được xử lý theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, triển khai các biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc truy cập phim vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh. Thời gian hoàn thành chậm nhất không quá 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.

Tăng thời lượng phát sóng phim Việt

Nghị định quy định, phim Việt Nam phải được chiếu trong hệ thống rạp chiếu phim, đặc biệt vào các đợt phim kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Phim Việt Nam được ưu tiên chiếu vào khung thời gian từ 18-22h. Tỷ lệ suất chiếu phim Việt Nam trong hệ thống rạp chiếu phim được thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1, từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% tổng số suất chiếu trong năm. Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% tổng số suất chiếu trong năm. Giờ chiếu phim cho trẻ em dưới 13 tuổi tại rạp kết thúc trước 22h; trẻ em dưới 16 tuổi kết thúc trước 23h.

Đáng chú ý, Nghị định quy định về miễn, giảm giá vé cho người cao tuổi, người có công với cách mạng, trẻ em, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật, tỷ lệ giảm ít nhất 20% giá vé khi trực tiếp sử dụng dịch vụ xem phim tại rạp. Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé; người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé xem phim.

Bên cạnh đó, phim Việt Nam được phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước phải được tăng thời lượng chiếu vào các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại; chiếu theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại. Phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18-22h. Thời lượng phát sóng phim Việt Nam trên các kênh truyền hình được thực hiện theo lộ trình: Giai đoạn 1, từ ngày 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2025, bảo đảm đạt ít nhất 15% thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với tổng thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước, loại trừ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Giai đoạn 2, từ ngày 1.1.2026, bảo đảm đạt ít nhất 20% thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với tổng thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước, loại trừ dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên không gian mạng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Phim cho trẻ em được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18-22h. Thời lượng phát sóng phim cho trẻ em dưới 16 tuổi đạt ít nhất 5% so với tổng thời lượng phát sóng phim trên các kênh truyền hình trong nước.

Phim sử dụng ngân sách nhà nước, Quỹ hỗ trợ điện ảnh

Theo Nghị định, phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước là sản phẩm văn hóa đặc thù, gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến khi hoàn thành. Đối với phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, thực hiện phương thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Đối với phim truyện, phim kết hợp nhiều loại hình, thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với các dự án sản xuất phim theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài lịch sử, cách mạng, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc, trẻ em, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện phương thức đấu thầu đối với các dự án sản xuất phim theo kế hoạch phục vụ nhiệm vụ chính trị về đề tài bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam...

Về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Nghị định quy định rõ, Quỹ này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Bộ VHTTDL là đại diện chủ sở hữu. Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được hình thành từ các nguồn vốn: Vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh do ngân sách nhà nước cấp; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; tiền lãi từ tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng; các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. 

BẢO ANH

In Gửi Email