Phim điện ảnh Việt hợp tác nước ngoài: “Bom tấn” thì ít... “bom xịt” thì nhiều
Có thể thấy, phim hợp tác là một phần không thể thiếu trong dòng chảy điện ảnh Việt nhiều năm qua. Dù số lượng không nhiều nhưng hầu như năm nào cũng có tác phẩm ra mắt. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 3 phim điện ảnh hợp tác được công chiếu: Mỹ nhân thần sách (hợp tác Thái Lan), Kẻ thứ 3 (hợp tác Hàn Quốc) và Là mây trên bầu trời của ai đó (hợp tác Thái Lan). Thế nhưng, không một cái tên nào thật sự bùng nổ ngoài phòng vé, thậm chí thất bại nặng nề.
Phim Là mây trên bầu trời của ai đó do Thanadet Pradit đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng của cả hai nước như Dome Pakorn Lam, Push Puttichai, August Vachiravit, Ngọc Lan Vy, James Vejvongsatichat, NSND Hồng Vân, Trịnh Tú Trung, Lâm Bảo Châu, Quỳnh Lý… Phim có đạo diễn, ê kíp sáng tạo và bối cảnh Thái Lan, giám đốc sản xuất người Việt, được thực hiện dưới sự bảo trợ của Tổng cục Du lịch Thái Lan. Phim ra rạp ngày 22.7 và theo thống kê từ trang Box Office Việt Nam (trang thống kê phòng vé độc lập), sau hơn 1 tuần, phim chỉ thu được gần 500 triệu đồng, một con số khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu khiến tác phẩm này dù có những tên tuổi nổi tiếng của làng giải trí Thái như Push Puttichai, August Vachiravit… vẫn không chinh phục được khán giả là do kịch bản chưa thật sự thuyết phục. Câu chuyện phim nhàm cũ, dễ đoán các tình huống, nữ chính diễn xuất gượng gạo.
Cách đây không lâu, một phim hợp tác khác cũng không đạt doanh thu như kỳ vọng là Kẻ thứ ba do Lý Nhã Kỳ đầu tư kinh phí, sản xuất và đóng nữ chính; Park Hee-jun đạo diễn. Đây là tác phẩm hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, với điểm nhấn là tài tử Han Jae-suk - từng nổi tiếng với phim Giày thủy tinh. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những gì khán giả kỳ vọng, câu chuyện phim thiếu logic cùng sự gượng gạo của nữ diễn viên chính đã “hất tung” Kẻ thứ ba ra khỏi rạp chiếu chỉ sau vỏn vẹn vài tuần. Chưa hết, bộ phim mở màn cho dòng phim hợp tác năm 2022 là Mỹ nhân thần sách, doanh thu còn tệ hại hơn, thậm chí nhiều khán giả còn không biết đến sự có mặt của phim này ngoài rạp tại thời điểm đó. Phim theo mô típ thông thường vịt hóa thiên nga nhưng từ tạo hình của nữ chính, diễn biến câu chuyện cho đến lời thoại trong phim đều “xưa như trái đất”. Thông điệp của phim cũng rất hời hợt, và lẽ dĩ nhiên khán giả cũng sẽ không bỏ thời gian cho những bộ phim như thế.
Có thể thấy, điểm chung của các phim điện ảnh hợp tác nước ngoài thất thu tại thị trường Việt chính là do kịch bản nhiều “sạn”, kém hấp dẫn. Rõ ràng, Là mây trên bầu trời của ai đó gặp vấn đề ở phần kịch bản; Kẻ thứ ba cũng có kịch bản chắp vá, nhiều lỗ hổng dẫn đến tình tiết phi lý, theo lối mòn… Bên cạnh đó, sự non tay của đạo diễn tham gia các dự án phim hợp tác và việc ê kíp làm phim chưa kết hợp hài hòa yếu tố nội - ngoại cũng là nguyên nhân khiến các tác phẩm này thất bại.
Thua lỗ nặng nề
So với hợp tác ở lĩnh vực truyền hình, thì phim điện ảnh hợp tác chưa thật sự thành công ở cả phương diện phòng vé lẫn đánh giá của giới chuyên môn, khán giả. Bằng chứng là trong năm 2022, Mỹ nhân thần sách chỉ thu về hơn 168 triệu đồng; Kẻ thứ 3 dù được quảng bá rầm rộ cũng có doanh thu không khá hơn là mấy, đạt hơn 960 triệu đồng; Là mây trên bầu trời của ai đó hiện đang giảm dần các suất chiếu và doanh thu cũng chưa mấy khả quan. Trước đó, Sám hối dù nhận nhiều kỳ vọng nhưng cũng chỉ thu về gần 1,3 tỉ. Điểm sáng phim hợp tác những năm qua có lẽ chỉ thuộc về Nhắm mắt thấy mùa hè khi xây dựng khá chỉn chu, câu chuyện giàu cảm xúc và thu về hơn 12 tỉ đồng, dù không phải là một con số lớn nhưng cũng mang lại tín hiệu khả quan cho dòng phim này.
Nếu như đã từng có thời điểm khán giả ra rạp vì thích diễn viên, muốn được xem thần tượng trên màn ảnh rộng, nên các nhà sản xuất đã đáp ứng bằng việc hợp tác để mời ngôi sao nước ngoài vào phim Việt tạo sức hút, thì nay khán giả đã thay đổi, họ không ra rạp chỉ vì một diễn viên ngôi sao hay một nhân tố đặc biệt nào đó, họ chọn lựa thưởng thức một tác phẩm có chất lượng về mặt nội dung lẫn hình ảnh, để vừa có thể giải trí lại vừa có những bài học đúc kết cho riêng mình. Rõ ràng, không phải cứ gắn mác nước ngoài thì phim sẽ hay và vung tiền để làm phim hợp tác là sẽ ăn khách. Dù hợp tác nước ngoài luôn là cơ hội quảng bá phim Việt ra thế giới và cũng là cách để những nhà làm phim, diễn viên được học hỏi từ ê kíp nước bạn, tuy nhiên, các phim hợp tác gần đây đều có sự góp mặt của những ngôi sao đình đám cùng những đoàn làm phim chuyên nghiệp, nhưng đồng loạt thất bại thảm hại đã chứng minh những mặt trái của việc hợp tác này.
Hợp tác thế nào để cho ra một bộ phim chất lượng luôn là bài toán khó và cần phải tính toán kỹ lưỡng. Muốn thành công hơn nữa, điện ảnh Việt phải tận dụng hiệu quả nguồn lực vốn có, phát huy những điều học hỏi được từ cách làm phim của nước bạn, tạo nét mới để mang đến sức bật cho điện ảnh Việt Nam, thay vì đi theo lối mòn như hiện tại.
Nguồn: TH