Phát triển vùng Tây Nguyên: Cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù
Yêu cầu cấp thiết
Mặc dù luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm nhưng trong quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên đã bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém; tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững và đang có xu hướng chậm lại; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp nhất trong cả nước; giáo dục đào tạo chuyển biến chậm, chất lượng nhân lực, năng suất lao động còn thấp; số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển…
Đường Đông - Tây - hành lang phát triển mới của TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Nguyễn Gia |
Ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc. Nhằm cụ thể hóa chủ trương này, tại Nghị quyết số 152/NQ-CP, ngày 15/11/2022, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng Dự thảo báo cáo rà soát cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên.
Đến nay, cơ quan chức năng đã xây dựng dự thảo các nhóm chính sách cho vùng liên quan đến bốn ngành, lĩnh vực. Về phát triển đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 – 2030, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương để bố trí đủ cho các dự án đã có trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ tăng từ 50% lên không quá 70% tổng mức đầu tư dự án. Về quản lý, phát triển rừng, nguồn nước, sẽ có chính sách điều chỉnh định mức bảo vệ, phát triển rừng và phí dịch vụ môi trường rừng. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng 50 triệu đồng/ha, bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên 1 triệu đồng/ha, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, cây phân tán 15 triệu đồng/ha. Chính sách khác trong lĩnh vực này là các tỉnh trong vùng Tây Nguyên được áp dụng cơ chế thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính đối với loại hình dịch vụ môi trường rừng.
Thi công dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là một trong những công trình trọng điểm nhằm kết nối vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ theo Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: Nguyễn Gia |
Đối với an sinh xã hội, đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có nhà ở. Lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, sẽ giao đủ biên chế ngành giáo dục và y tế theo định mức của cấp thẩm quyền; bổ sung biên chế, tính toán định mức giáo viên/lớp theo từng vùng miền, nhất là vùng núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn; cơ chế riêng về điều chỉnh mức học bổng học sinh, chế độ nhân viên cấp dưỡng cho trường phổ thông dân tộc nội trú và đầu tư cơ sở giáo dục đào tạo.
Tại hội nghị lấy ý kiến cho Báo cáo rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù vùng Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 22/3 vừa qua, đại diện các bộ, ngành, địa phương đánh giá cao những chính sách đồng bộ, toàn diện sẽ áp dụng cho vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Trung ương cần có thêm cơ chế, chính sách phân cấp cho cấp tỉnh điều chỉnh quy hoạch cục bộ...
Tháo gỡ những bất cập trong phát triển vùng
Ngoài các chính sách đã xây dựng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan rà soát những chính sách đặc thù của địa phương, vùng khác đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua và đang triển khai thực hiện có hiệu quả, có thể phù hợp áp dụng cho vùng Tây Nguyên thì hướng dẫn, cùng các địa phương trong vùng nghiên cứu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng thực hiện tại vùng Tây Nguyên. Bên cạnh đó, sau khi các chính sách được cấp có thẩm quyền thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng sớm triển khai thực hiện, đưa các chính sách ưu tiên đi vào đời sống một cách nhanh chóng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị toàn vùng.
Một trong những cơ chế đặc thù được đề xuất cho vùng Tây Nguyên liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trong ảnh: Cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng. |
Theo đánh giá của đại diện các cơ quan Trung ương, việc xây dựng các chính sách đặc thù cho vùng Tây Nguyên kỳ vọng giải quyết những "điểm nghẽn" trong phát triển nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương cũng như của toàn vùng. Đồng thời, cơ chế, chính sách sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của vùng để đạt mục tiêu phát triển kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, gắn với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Các chính sách phát triển vùng Tây Nguyên cần phải trúng, đúng, phù hợp với nguồn lực, đặc biệt là phải thực sự mang tính đặc thù, nhằm tạo động lực phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần phân tích làm rõ thêm các nhóm chính sách về phát triển hạ tầng giao thông kết nối; quản lý, phát triển kinh tế rừng, về an sinh, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo. Ngoài ra, cần tiếp tục rà soát tập trung cho một số cơ chế chính sách phù hợp với tiềm năng, lợi thế của vùng như kinh tế dưới tán rừng, khai thác khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo, chế biến nông sản; đầu tư hệ thống thủy lợi, các hồ chứa nước và chính sách về phát triển văn hóa.
“Đơn vị soạn thảo cần rà soát lại các văn bản của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về Tây Nguyên để cập nhật cụ thể hóa cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực. Bên cạnh đó, Tây Nguyên là địa bàn có đặc thù riêng, do đó, cần tiếp thu ý kiến đóng góp của các ngành, địa phương, qua đó đánh giá tác động cụ thể, toàn diện của chính sách đến vùng, liên vùng trước khi hoàn chỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.
Trong Nghị quyết 23-NQ/TW, Bộ Chính trị xác định, đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng vùng Tây Nguyên: cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa – Chơn Thành, Tân Phú – Bảo Lộc; mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương, Pleiku và mở rộng Cảng hàng không Buôn Ma Thuột. |
Minh Chi