Những hy sinh thầm lặng…
Kể từ khi Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chuyển đổi công năng thành Bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 2 từ tháng 5/2021 đến nay đã thu dung và điều trị cho hơn 1.300 bệnh nhân COVID-19, trong đó có hơn 1.000 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh. Để có được kết quả này, có sự đóng góp không nhỏ của những “chiến sĩ áo trắng”.
Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh có tổng số 95 cán bộ, viên chức, trong đó có 50 người trực tiếp tham gia công tác chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, số còn lại đảm nhiệm công tác hậu cần bên ngoài. “Dịch bệnh COVID-19 ập đến như một cơn bão bất ngờ khiến mọi hoạt động tại bệnh viện trở nên xáo trộn. Bệnh viện chỉ có 100 giường bệnh, nhưng có thời điểm quá tải, tiếp nhận hơn 130 bệnh nhân, khiến cán bộ nhân viên y tế làm việc rất vất vả. Song anh em đã động viên nhau giữ vững ý chí, tận tâm, tận lực cứu chữa người bệnh” - bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh chia sẻ.
Bác sĩ Y Piare cùng đồng nghiệp trong giờ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Trực tiếp tham gia công tác chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ những ngày đầu tiên, cũng đã từng có chút lo lắng vì COVID-19 là loại bệnh hết sức nguy hiểm và khả năng lây lan cao, thế nhưng xác định mang trên vai trọng trách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân, bác sĩ Y Piare Bkrông, Khoa Hồi sức tích cực đã không ngần ngại dấn thân. Thời gian gắn bó với bệnh nhân COVID-19 cũng là chuỗi ngày biền biệt xa người thân, gia đình. Công tác thăm khám, điều trị bệnh nhân COVID-19 vất vả hơn nhiều so với các bệnh nhân khác, vì anh và đồng nghiệp phải mặc đồ bảo hộ trong 6 tiếng liên tục. Quá trình điều trị cũng gặp không ít khó khăn vì bệnh nhân đa số là người già, trẻ em, phụ nữ mang thai lại có các triệu chứng bệnh và bệnh lý nền, thậm chí nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị không hợp tác với nhân viên y tế. Hơn nữa, bệnh nhân lại không có người thân bên cạnh, nên ngoài công việc theo dõi, điều trị bệnh lý, anh và các đồng nghiệp còn phải điều trị cả tâm lý cho người bệnh để họ yên tâm chữa trị, vượt qua bệnh tật. "Thời gian tiếp xúc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 là quãng thời gian khó quên nhất. Tôi luôn tự hứa sẽ càng cố gắng hơn nữa, cùng đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện nỗ lực làm tốt công tác điều trị cho bệnh nhân” – bác sĩ Y Piare Bkrông tâm sự.
Vợ chồng trên cùng một “chiến tuyến”
Nếu như các y bác sĩ là những người từng giây, từng phút chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân thì các điều dưỡng chính là những người thường xuyên túc trực, chăm sóc người bệnh, bởi bệnh nhân COVID-19 khi nhập viện chỉ một mình.
Trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, chị Lê Thị Bình, Điều dưỡng trưởng Khoa Nội II, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh phải mặc bộ quần áo bảo hộ kín mít trong suốt ca làm việc, nhiều giờ liên tục mồ hôi ướt sũng, mặt hằn vết khẩu trang. Chị Bình cho hay, công việc của điều dưỡng hằng ngày là chăm sóc bệnh nhân, lấy dấu hiệu sinh tồn để các bác sĩ thăm khám, thực hiện các y lệnh thuốc của bác sĩ, các cận lâm sàng. Sau đó hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh cá nhân, rồi động viên, trấn an vì hầu hết bệnh nhân nhiễm COVID-19 đều lo lắng về bệnh của mình. Mỗi ngày công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 22 giờ đêm, những đợt bệnh nhân đông thì công việc sẽ kết thúc vào khoảng 1, 2 giờ sáng hôm sau. “Trực tiếp chăm sóc bệnh nhân nhiều ngày, chúng tôi trở nên quen thân như người nhà, rất đỗi vui mừng khi thấy bệnh nhân đáp ứng điều trị, phục hồi sức khỏe và được xuất viện” – điều dưỡng Bình thổ lộ.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thực hiện ca phẫu thuật kết hợp xương bằng máy C-am. |
Ít ai biết rằng, suốt thời gian qua chị Bình cùng với chồng (công tác ở Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) luôn đồng hành trên “mặt trận” phòng, chống dịch COVID-19. Hai con nhỏ được gửi cho ông bà nội chăm sóc, những lần gặp mặt của hai vợ chồng chủ yếu là qua Zalo, Facebook. Những khi nhớ con, chị chỉ biết nhìn con qua điện thoại, rồi cố giấu nước mắt để người thân an lòng. Chị Bình chia sẻ: “Lúc vào ca là quay cuồng với công việc, đâu có thời gian mà cầm điện thoại. Đến giờ nghỉ nhớ con thắt lòng, nhưng tự nhủ phải cố gắng vượt qua, cố gắng giữ gìn sức khỏe cùng đồng nghiệp làm tròn nhiệm vụ, sớm đẩy lùi dịch bệnh để về với con và gia đình”.
Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, công việc còn vất vả nhưng những người như bác sĩ Y Piare, điều dưỡng Bình cùng tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh vẫn luôn vững tâm thực hiện sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc, thầm lặng góp phần vào việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thạch Thảo