Những đứa trẻ không có mặt trong lớp học online và nỗi lo của cô giáo Sài Gòn
Anh Phùng Bá Phúc là bố của Thiên cho biết anh làm nghề chở xe ôm truyền thống, trước đây hàng ngày cũng chỉ kiếm được hơn một trăm nghìn và mấy tháng vừa qua hoàn toàn không có thu nhập. Vợ anh làm tạp vụ ở một công ty tại Quận 1, cũng đã phải nghỉ làm từ ngày thành phố thực hiện giãn cách.
“Chúng tôi còn một bé gái năm nay lên lớp 2. Tuần vừa rồi tôi mới vay đủ tiền mua sách giáo khoa cho hai con hết hơn 1 triệu đồng. Tôi xin cô Duyên cho Thiên không tham gia học trực tuyến vì nhà có mỗi một chiếc điện thoại có thể dùng để học thì ưu tiên cho bé nhỏ” – anh Phúc phân trần về việc không thể cho con “vào lớp”.
Anh Phúc cũng nói rằng vẫn nhận bài tập cô gửi trong nhóm phụ huynh của lớp nhưng “trình độ của tôi chỉ có thể chỉ bài cho bé lớp 2 được thôi chứ không hướng dẫn nổi cho Thiên”.
Bố của cậu bé Thiên cũng lo lắng khi phải học online hết học kỳ I, lo rằng Thiên thiệt thòi so với bạn bè quá. “Nhưng thực sự gia đình chúng tôi lực bất tòng tâm” – anh Phúc bày tỏ.
Hai anh em Phùng Bá thiên chỉ có một chiếc điện thoại để học online hàng ngày, nên Thiên phải nhường phần học cho em
Thiên là 1 trong 5 cậu học trò mà cô Duyên chưa thể "gặp" dù năm học mới đã trôi qua gần 1 tháng.
Sĩ số lớp 6A4 là 45, nhưng chỉ có 40 bạn điểm danh hàng ngày.
Ngoài Thiên vẫn chưa thể học vì thiếu phương tiện thì còn cậu trò tên tên Phó Ngọc Siếu. Mới chỉ cách đây 2 ngày, Siếu mới có mặt để điểm danh trong lớp học online, nâng sĩ số lớp lên thành 41.
“Đầu năm học, gia đình của bé báo là rất khó khăn, không có phương tiện cho con học online nên xin phép cho bé không học, nếu có bài tập thì cô giáo gửi để cho bé làm. Tôi cũng xin phụ huynh trong lớp hỗ trợ Siếu và Thiên để giúp các bé có phương tiện học tập, nhưng thực tình phụ huynh ở đây cũng hầu hết là người lao động nghèo, mấy tháng nay do dịch Covid-19 mà không có thu nhập, nên cũng chỉ có vài phụ huynh ủng hộ tổng cộng được hơn 1 triệu đồng” – cô Duyên cho biết.
Vì vậy, Siếu và Thiên “mất hút” trong suốt thời gian qua.
Bà nội của Siếu cho biết sau một hồi xoay xở thì cũng đã xin được một chiếc điện thoại cũ của người quen cho Siếu học.
“Điện thoại cũ, tiếng thì nhỏ, màn hình chập chờn nhưng thương cháu không được học nên bố nó xin về, mượn tiền đem ra hàng sửa mất hơn 1 triệu đồng cho con dùng tạm”.
Tuy nhiên, 3 trường hợp học sinh còn lại khiến cô Duyên vô cùng lo lắng.
“Đây là học sinh đầu cấp, các bé từ tiểu học lên và lại bắt đầu bằng việc học trực tuyến, nên tôi chỉ có thể liên hệ với học trò và phụ huynh qua điện thoại.
Cho đến lúc này trong lớp vẫn còn 3 học sinh mà tôi không thể liên hệ theo số điện thoại đăng ký trong hồ sơ nên không biết tình hình hiện tại của các bé như thế nào” - cô Duyên cho biết.
Theo cô Duyên, trong lớp có bé T.A.H. và L.H.B.N, hồi đầu năm học, cô liên lạc thì gia đình báo các bé bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, 2 tuần nay cô bị mất liên lạc.
“Phụ huynh của bé L.H.B.N báo là đang điều trị ở khu cách ly. Bé T.A.H. cũng ở khu cách ly luôn. Sau đó mẹ bé T.A.H. có nói rằng nếu bé khỏe thì cho vào học. Rồi có một hôm mẹ bé nói hôm nay bé khỏe, có đòi vào học nhưng cuối cùng bé không vào học được.
Sau lần đó thì tôi gọi cả T.A.H. và L.H.B.N đều không được nữa, có khi tắt máy nhưng cũng có khi có tín hiệu mà không ai bắt máy.
Còn bé Đ.P.T. thì tôi chỉ gọi điện được duy nhất một lần, sau đó không thể liên lạc được với phụ huynh nữa”.
Việc mất liên lạc với phụ huynh khiến cô Duyên vô cùng lo lắng. “Tôi cũng sợ không biết các bé và gia đình có gặp chuyện gì hay không".
Cô Duyên hiện ở Bình Dương, lại ngay "vùng đỏ" là thị xã Dĩ An, nên chưa thể tìm tới nhà 3 học trò này của mình xem tình hình ra sao. Điều mà cô giáo này mong mỏi là sớm được thấy đủ 45 học sinh của mình vào mỗi buổi sáng.
"Tôi mong được biết tình hình các em T.A.H., L.H.B.N và Đ.P.T. Tôi cũng mong Thiên được giúp đỡ phương tiện để có thể học trực tuyến cùng các bạn của mình" - cô giáo Duyên bày tỏ.
Phương Chi