Nhiều thay đổi trong chống dịch Covid-19
Giảm thời gian cách ly F0
Cách đây ít ngày, Bộ Y tế đã có văn bản điều chỉnh biện pháp cách ly với F1 theo hướng trong 10 ngày kể từ khi tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19, F1 hạn chế tiếp xúc với người khác, nhất là người có nguy cơ cao, mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến nơi đông người. F1 tự theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng của bệnh (sốt và ho) hoặc 3 trong số các triệu chứng sốt, ho, đau người, mệt, ớn lạnh, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, nghẹt mũi, giảm hoặc mất khứu giác... thì báo cơ sở y tế.
Covid-19 đã được khống chế và tiến tới xem đây là bệnh thông thường
Những người được xác định là F1 gồm người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp như bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp da, cơ thể với ca bệnh; đeo khẩu trang tiếp xúc trong vòng một mét hoặc trong không gian kín, tối thiểu 15 phút với ca bệnh; không đeo khẩu trang tiếp xúc trong vòng một mét với ca bệnh; trực tiếp chăm sóc, khám, điều trị ca bệnh mà không dùng phương tiện phòng hộ cá nhân. Như vậy, so với hướng dẫn ban hành hồi tháng 2-2022, quy định này đã nới lỏng rất nhiều.
Bộ Y tế chưa thay đổi biện pháp cách ly với F0 nhưng một lãnh đạo Bộ Y tế cho biết thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu giảm thời gian cách ly F0. Hiện người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ được dỡ bỏ cách ly khi đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính. Nếu sau một tuần, người nhiễm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ.
Coi Covid-19 là bệnh thông thường
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, những thay đổi về quan điểm chống dịch Covid-19 thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội mà vẫn phòng chống được dịch bệnh.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho rằng việc thay đổi này phù hợp với thực tế dịch Covid-19 ở Việt Nam hiện nay khi tỉ lệ bao phủ vắc-xin Covid-19 nhanh và là 1 trong 6 nước có tỉ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, hiểu biết để phòng dịch Covid-19 của người dân đã được nâng lên nhiều, hệ thống y tế đã có kinh nghiệm trong việc phân tầng điều trị hiệu quả người mắc Covid-19. "Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP đến nay, nước ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch. Đây là bước ngoặt rất lớn và đúng đắn của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch, đánh dấu sự chuyển biến rõ rệt giữa hai giai đoạn chống dịch" - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua dịch Covid-19 đã và đang được kiểm soát. Bằng chứng là số ca mắc và tử vong giảm sâu trong khi triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 cũng không còn nặng nề như thời điểm dịch bùng phát ở TP HCM. Hầu hết người nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng nhẹ, chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà. Với yếu tố này Chính phủ đã thay đổi cách quản lý và kiểm soát dịch bệnh, cũng như đối tượng mắc Covid-19 hay người tiếp xúc gần; chuyển từ quản lý "không Covid" sang quản lý rủi ro, nới lỏng nhưng không buông xuôi, thả lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Y tế có biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu - bệnh lưu hành. Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia y tế cho rằng Việt Nam đang trong làn sóng dịch mới với đa số người nhiễm có triệu chứng nhẹ, tỉ lệ chuyển nặng thấp. Một số chuyên gia đề xuất cần nhìn nhận Covid-19 như bệnh thông thường, nhất là khi dịch bệnh này đã không còn là gánh nặng cho hệ thống y tế.
Theo Bộ Y tế, mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban hành Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022, đồng thời khuyến khích các quốc gia thực hiện biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.
F0 theo định nghĩa mới
Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, ca bệnh xác định (F0) bao gồm các trường hợp: là người có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 bằng phương pháp Realtime RT-PCR; người có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với virus gây bệnh Covid-19; người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với virus gây bệnh Covid-19.