Nghiên cứu đánh giá hiệu quả vaccine Covid-19 tại Việt Nam
"Hiện nay chưa có kết quả nghiên cứu chính thức về miễn dịch bảo vệ sau tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam", đại diện Cục nói và thêm rằng mục đích đánh giá để phê duyệt, cấp phép vaccine, đồng thời tham khảo và triển khai các hoạt động phòng chống dịch đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ Y tế không thông tin cách thức tiến hành nghiên cứu miễn dịch và hiệu quả vaccine như thế nào.
Đến nay, Việt Nam vẫn sử dụng kết quả nghiên cứu hiệu quả vaccine Covid-19 trên thế giới để tham khảo khi quyết định các biện pháp chống dịch. Theo đó, hiệu quả ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện và tử vong của vaccine sau tiêm mũi ba đạt khoảng 86% (ở tháng thứ nhất). Hiệu quả này giảm dần sau 6 tháng và giảm mạnh từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 6 (hiệu quả bảo vệ ở tháng thứ 6 còn khoảng 70%). Sau khi tiêm mũi bốn, tăng khả năng ngăn ngừa biến chứng nặng, nhập viện, tử vong khoảng từ 9% đến 28% so với tiêm mũi thứ ba.
Đầu tháng 11, Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cũng cho biết thành phố chuẩn bị kiểm tra miễn dịch cộng đồng về Covid để đánh giá hiệu quả miễn dịch vaccine trong bối cảnh ca nhiễm giảm, tỷ lệ tiêm chủng thấp trong khi diễn biến dịch còn phức tạp. "Nếu tiêm chủng thấp nhưng miễn dịch cộng đồng cao thì cũng đỡ lo", ông Thượng nói, tuy nhiên cũng không cho biết cụ thể kế hoạch khảo sát.
Ngày 6/11, phát biểu tại phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại thời điểm này không thích hợp để đề cập miễn dịch cộng đồng với Covid-19, chưa thể xác định khả năng thanh toán cũng như loại trừ dịch. Do đó, chưa thể xác định tỷ lệ bao phủ vaccine mũi ba, mũi bốn cần đạt bao nhiêu và có cần tiêm mũi tiếp theo hay không. Vì vậy, bà Lan đề nghị đẩy nhanh hơn tiến độ tiêm vaccine Covid-19, đôn đốc nghiên cứu, sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.
Một tình nguyện viên tại Bắc Ninh tiêm thử nghiệm vaccine ARCT-154, hồi tháng 9/2021. Ảnh:Thảo Nguyễn
Về tiến độ nghiên cứu ba vaccine trong nước, theo báo cáo của Bộ Y tế, vaccine Nanocovax đã tiến hành đánh giá ba giai đoạn, đang hoàn thiện báo cáo kết quả giữa kỳ giai đoạn ba, tiếp tục triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba theo đề cương nghiên cứu đến tháng 2/2023. Còn vaccine Covivac đã được đánh giá qua hai giai đoạn và đang tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia, đơn vị liên quan, triển khai nghiên cứu giai đoạn tiếp theo.
Vaccine ARCT-154 hiện đã được đánh giá qua ba giai đoạn và đang được Bộ Y tế xem xét, cấp phép lưu hành. Các tổ chức nhận thử và nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai nghiên cứu theo đề cương đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Một chuyên gia vaccine (không muốn nêu tên) cho biết về mặt quản lý, cả ba vaccine này đều chưa kết thúc quá trình nghiên cứu, phải theo dõi trong một năm sau đó cập nhật, báo cáo kết quả. Do chưa kết thúc, các đơn vị vẫn phải hoàn thành để nghiệm thu, phê duyệt.
Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp về hướng đi và tiến độ của vaccine Covid nội, gần nhất là vào tháng 10. Tuy nhiên, hiện kế hoạch nghiên cứu vaccine gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến từng ngày, miễn dịch cộng đồng trong nước đã có do tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao, nguồn cung vaccine dồi dào, còn hướng dẫn về mặt quản lý nghiên cứu còn thiếu.
"Do đó, các vaccine trong nước có đi được đến giai đoạn đăng ký hay không là điều chẳng ai dám kỳ vọng, sẽ khó có thể đi tiếp", chuyên gia nói.
Đại diện một nhóm nghiên cứu vaccine Covid nội địa cho biết đã chờ gần một năm nhưng chưa được Bộ Y tế công nhận nghiên cứu vaccine. "Hiện giờ áp lực cấp phép khẩn cấp vaccine đã không còn, tuy nhiên cả một tập thể đã bỏ công sức để làm việc những năm qua, do đó rất cần Bộ Y tế công nhận nghiên cứu của mình", vị đại diện nói.
Hiện cả nước có khoảng 13 triệu người từ 18 tuổi thuộc nhóm cần tiêm vaccine bổ sung (mũi bốn), nhưng nhiều người không đi tiêm vì cho rằng chỉ cần tiêm ba mũi là đủ. Một số nơi như TP HCM, Hậu Giang, Bình Dương, Thái Bình, Lâm Đồng... giảm nhu cầu tiêm nên có khả năng không sử dụng hết vaccine cho nhóm này.
Tiến độ tiêm mũi ba cho trẻ từ 12 tuổi và mũi hai cho trẻ từ 5 tuổi chậm. Có những lúc vaccine Moderna thiếu cục bộ nên nhiều gia đình đã tiêm loại này cho trẻ trước đó đã không đưa đi tiêm mũi hai. Cũng có trường hợp trẻ bị ốm hoặc mắc Covid-19, phải trì hoãn tiêm.
Về kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, Bộ Y tế cho biết sẽ tổng hợp kết quả khảo sát của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo để Hội đồng Tư vấn xem xét.
Đến nay, Việt Nam ghi nhận trên 11,5 triệu ca Covid-19, trong đó hơn 10,6 triệu đã khỏi bệnh và hơn 43.000 ca tử vong. Tháng 10 cả nước ghi nhận 24.283 ca mắc mới, giảm 64,8% so với tháng trước, 15 ca tử vong (giảm 16 ca). Các biến chủng phụ của Omicron là BA.4, BA.5, BA.2.74 được ghi nhận trong cộng đồng, đặc tính là lây lan nhanh hơn và có khả năng lẩn tránh xét nghiệm, miễn dịch. Mới nhất là biến chủng phụ BA.2.75 được Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận, với 24 mẫu nhiễm trong số 93 mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene virus.
Lê Nga - Chi Lê