Ngay cả người thân, bè bạn cũng phải cảnh giác khi chia sẻ dữ liệu cá nhân
Sáng 8-10, tại Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu về sách Hướng dẫn của Determann về pháp luật bảo vệ dữ liệu - Hoạt động tuân thủ của doanh nghiệp trên phạm vi quốc tế do thạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Trương Tấn Dũng biên dịch, Nhà xuất bản Thông Tin Và Truyền Thông ấn hành.
Nhiều vấn đề về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân đến từ hệ thống pháp lý của chính phủ và đến từ chính bản thân người dùng đã được nêu ra và bàn luận
Đừng dễ dãi chia sẻ dữ liệu cá nhân
Dữ liệu cá nhân là thứ tài sản vô hình, đôi khi còn quý hơn cả kim cương. Nó đang được khai thác sử dụng và biến thành lợi thế thương mại rất cao trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty công nghệ.
Ông Mạnh Hùng cho biết nhiều người vẫn đang có thói quen chia sẻ những dữ liệu cá nhân quan trọng như: số căn cước công dân, hộ chiếu, số điện thoại, tên tuổi… một cách dễ dãi.
"Đó cũng là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ bị xâm phạm dữ liệu cá nhân của Việt Nam luôn nằm ở mức cao trên thế giới", ông Hùng khẳng định.
Khi đi đến trung tâm thương mại hay các quán ăn, trước khi đăng ký thanh toán hay làm thành viên, người dùng thường được đưa một bảng các điều kiện để chấp nhận ủy thác thông tin cá nhân của mình trên các thiết bị điện tử.
Ông Hùng nói: "Đa phần họ sẽ đọc lướt qua và chấp nhận. Ngay lúc này, họ không biết được rằng chính mình đã cho phép bên thứ ba rao bán thông tin cá nhân".
Thậm chí, ngay cả với người thân và bạn bè, chúng ta cũng cần hết sức cảnh giác khi chia sẻ những thông tin của riêng mình.
"Tôi có một người bạn vì dễ dãi chia sẻ số căn cước công dân cho một người bạn khác. Và anh ta đã bị người bạn này lấy thông tin cá nhân đi vay tiền, để rồi vướng vào những rắc rối, khoản nợ không phải mình gây ra", ông Mạnh Hùng cho biết thêm.
Theo ông Hùng, trên mạng hiện nay, dữ liệu cá nhân cũng là đối tượng bị xâm hại và rao bán nhiều nhất.
Vì vậy, đã đến lúc người sở hữu thông tin cần kỹ lưỡng hơn để tự bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình trước khi sử dụng đến các biện pháp của pháp luật.
Chưa có chế tài cụ thể để xử lý vi phạm dữ liệu cá nhân
Nghị định số 13 bảo vệ dữ liệu cá nhân do Chính phủ ban hành tập trung những vấn đề pháp lý về các cơ chế bảo vệ dữ liệu cá nhân, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc kiểm soát và bảo vệ dữ liệu.
Tuy nhiên, ông Hùng nhận định nghị định 13 đang dừng ở mức sơ khởi vì nó chỉ vừa mới được ban hành khoảng vài tháng trước.
Ông Hùng bày tỏ mong muốn: "Từ nghị định 13, Quốc hội nên ban hành một bộ luật cao hơn và cụ thể hơn để bảo vệ dữ liệu cá nhân".
Doanh nghiệp hiện cũng chưa có một bộ phận chuyên trách trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần rà soát lại cơ quan pháp chế của mình để tìm ra người am hiểu về các bước tuân thủ việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong dự thảo nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sắp ban hành, mức phạt cao nhất cho những vi phạm về dữ liệu cá nhân chiếm 4% trên tổng doanh thu ròng.
Ông Hùng nhận xét đây sẽ là một chế tài rất nghiêm khắc cho các doanh nghiệp cố tình xâm phạm dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cùng đồng tình rằng không ai ngoài bản thân chúng ta có thể bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình tốt hơn.