Lan tỏa để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh trong phát triển kinh tế xã hội địa phương, đất nước
Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đến nay, lĩnh vực Văn hóa được lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành sự nhiều sự quan tâm, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông trực tiếp chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai các các nhiệm vụ về văn hóa được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Mới đây, trong Phiên chất vấn thuộc Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã vui mừng thông báo đến các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri và nhân dân cả nước: "Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã mang lại động lực mới cho toàn ngành. Chính vì vậy trên lĩnh vực văn hóa đã có sự chuyển biến về mặt nhận thức, về mặt hành động, cán bộ văn hóa đã tích cực, chủ động tham mưu để các cấp ủy đảng lãnh đạo, chỉ đạo".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành đã có các chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Nhiều địa phương không chỉ chuyển biến bằng cách ban hành nghị quyết mà đã dành các nguồn lực để đầu tư cho văn hóa.
Tổng mức đầu tư của các địa phương cũng đạt và vượt 2% trong chi ngân sách. Nhiều địa phương khó khăn cũng đã tăng tổng mức đầu tư lên 17% cho lĩnh vực này. Môi trường văn hóa cũng được tập trung chú trọng và xây dựng. Từ đó có thể nói, những hướng đi đúng, cách chọn việc phù hợp đã được sự hưởng ứng cao từ các cấp, các ngành và các địa phương.
Những con số ấn tượng trên bước đầu đã cho thấy sự vào cuộc bằng những hành động cụ thể của các địa phương đối với lĩnh vực Văn hóa, lĩnh vực mà trước nay vẫn chưa được nhiều địa phương quan tâm do nguồn lực kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ Hội nghị Văn hóa toàn tỉnh nhằm quán triệt, triển khai các nhiệm vụ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, với Hà Tĩnh, truyền thống văn hóa đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh để vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển. Chính vì vậy, phát triển lĩnh vực văn hóa là trách nhiệm thường xuyên của hệ thống chính trị, nhất của những người đứng đầu.
Được biết, tại Hà Tĩnh, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đã xây dựng chương trình hành động; các huyện, thành, thị ủy đều ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và các địa phương, đơn vị. Hà Tĩnh cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có các thiết chế văn hóa cấp tỉnh gồm: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh; 100% huyện, thị xã, thành phố và xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - Thể thao; Phấn đấu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh; Bảo đảm 90% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, 100% các xã miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh truyền hình, phát thanh của quốc gia và địa phương.
Với vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa của cả nước, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển lĩnh vực văn hóa. Tại kỳ họp thứ 7 Hội đồng nhân dân thành phố diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã cho biết, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương và Hội đồng nhân dân Thành phố đã thông qua Nghị quyết tập trung đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó: văn hóa (đầu tư phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn…); y tế (tập trung cho y tế cơ sở, y tế dự phòng); giáo dục - đào tạo (quan tâm hoàn thiện hệ thống trường chuẩn quốc gia, trường liên cấp...).
Nguồn vốn mà Hà Nội dự kiến phân bổ trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo cho ba lĩnh vực này là 49.203 tỷ đồng. Đây là những dấu hiệu hết sức đáng mừng đối với ngành Văn hóa khi các tỉnh, thành phố đã xác định được tầm quan trọng và dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực này.
Sự hưởng ứng tích cực của các địa phương
Có thể khẳng định rằng, bên cạnh sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các địa phương có được những kết quả bước đầu như hiện nay đó chính là nhờ sự chuyển biến nhận thức từ làm văn hóa sang quản lý văn hóa bằng các công cụ pháp luật mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026.
Với nền tảng tư duy đó, năm 2022, Bộ VHTTDL đã phát động chủ đề của năm công tác, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng văn hóa môi trường ở cơ sở. Sau lễ phát động được tổ chức tại tỉnh Nghệ An, nhiều địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chủ đề mà Bộ đã xác định.
Là địa phương giàu truyền thống về việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, theo ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, để hưởng ứng chủ đề năm do Bộ VHTTDL phát động, Sở đã chủ động xây dựng các hướng dẫn để địa phương rà soát, xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư. Trước đây, các hương ước, quy ước đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng nhưng hầu hết chỉ tập trung đến việc cưới, việc tang hay lễ hội. Tuy nhiên, sắp tới tỉnh sẽ tập trung xây dựng hương ước, quy ước trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn.
Năm 2022, Bộ VHTTDL đã phát động chủ đề công tác là "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ"
"Trong đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các thôn, làng tiêu biểu trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa như Dân ca Quan họ Bắc Ninh và nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Các địa phương cũng sẽ tập trung xây dựng các làng văn hóa gắn với nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu" - ông Trịnh Hữu Hùng cho biết.
Để hưởng ứng chủ đề và triển khai có trọng tâm nhiệm vụ công tác năm của Bộ VHTTDL, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, UBND tỉnh và Sở VHTT đã có Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện cho năm 2022 và những năm tiếp theo, gắn với việc cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, trong năm 2022, sở sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh thực hiện đồng bộ, có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, từ xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện hỗ trợ phát triển văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội, truyền thống văn hóa tương thân, tương ái, đoàn kết, trọng nghĩa tình, trọng đạo lý, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…
Văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, không thể thấy được hiệu quả trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, mục tiêu mà Chiến lược Phát triển Văn hóa đến năm 2030 đã đề ra, với phương châm "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến" mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề ra cho toàn ngành, tin tưởng rằng, ngành Văn hóa trong cả nước sẽ có những bước chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới, để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước./.
Thế Công