Cập nhật lúc: 15/08/2021

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM

Virus sẽ còn tồn tại và vì thế chính sách cần hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp.

Hà Nội và nỗi niềm phong tỏa

Sáng 10/8, một giám đốc doanh nghiệp ở Hà Nội điện thoại cho tôi: “Tôi vừa đi xin giấy ở phường về nhưng không thể xin được. Mới đầu giờ sáng mà hồ sơ đã lên đến 6.000, chất đầy mấy bàn. Không được đi làm chắc chắn chúng tôi phải đóng cửa. Tôi phải làm gì bây giờ hở anh!?”

Hồ sơ mà vị giám đốc đề cập ở đây là các loại giấy tờ của doanh nghiệp được UBND phường sở tại phê duyệt, mà thiếu nó, người lao động không thể đi qua các chốt kiểm dịch trên đường để tới chỗ làm.

Từ kinh nghiệm trong những lần sửa sai trong ban hành các chính sách tương tự ở TP.HCM, tôi nói với anh chờ thêm một chút vì văn bản đó của Hà Nội chắc không tồn tại lâu. Chỉ sau vài chục tiếng ban hành, Hà Nội đã lại ra văn bản sửa sai văn bản đó.

Nhưng ở góc độ khác, tôi hiểu các thủ tục của Hà Nội thể hiện sự quyết tâm, thậm chí nôn nóng của lãnh đạo Thủ đô trong chống dịch. Hà Nội đã thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 từ rất sớm, và đã thực hiện Chỉ thị 16 được gần 3 tuần, nên mới giữ được tình thế hiện nay.

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM
Xếp hàng chờ xin giấy xác nhận ở phường Mỹ Đình 1, Hà Nội. Ảnh: Đoàn Bổng

Hồi cuối tháng 7, khi Hà Nội thực hiện phong tỏa theo Chỉ thị 16 lần 2, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố phải “tranh thủ từng phút, từng giờ, bằng mọi biện pháp tận dụng tối đa thời gian vàng 15 ngày” để khống chế dịch, đưa TP trở lại trạng thá bình thường mới.

Thế nhưng, chủng Delta với hệ số lây nhiễm lên tới 9-10 đang đe dọa những nỗ lực đó. Tính từ làn sóng thứ tư từ cuối tháng 4 đến hôm qua, Hà Nội ghi nhận 2.025 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.139, chiếm đa số.

Trong bối cảnh những ngày cuối cùng của Chỉ thị 16 đang đến gần, những con số lây nhiễm ngoài cộng đồng là đáng lo ngại. Trước thực tế đó, trong khoảng 9 - 17/8, Hà Nội tiến hành xét nghiệm 3,3 triệu mẫu nhằm sàng lọc, bóc tách mầm bệnh Covid-19 khỏi cộng đồng “nhanh nhất”.

Theo Nghị quyết 86/NQ-CP, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố được yêu cầu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8 - tức là chỉ 2 tuần nữa.

Theo các nguồn tin đáng tin cậy, đến nay Hà Nội tiêm được 1,5 triệu liều vắc xin các loại, một con số khá khiêm tốn so với dân số hơn 8-10 triệu người. Vì lẽ đó, Hà Nội không phong tỏa chặt, không tận dụng “thời cơ vàng” để “ai ở đâu ở đó”, thậm chí hy sinh kinh tế, thì làm sao sàng lọc được các ca bệnh!

Tôi rất thông cảm với vị doanh nghiệp và kể cho anh thực tế đó rồi hỏi: “Anh có chấp nhận 'toang' hay không?”. Vị giám đốc, tất nhiên, đồng tình.

Hà Nội, như Nghị quyết số 86/NQ-CP yêu cầu, không thể thực thi Chỉ thị 16 mãi được. Đâu là con đường cho Thủ đô trong cân bằng giữa chống dịch và mở cửa lại để người dân mưu sinh, doanh nghiệp hoạt động?

Con đường vắc xin cho TP

Đó là câu trả lời cho cả TP.HCM, tâm dịch của cả nước, mà Nghị quyết 86/NQ-CP đã yêu cầu “phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9”.

Kỳ vọng mốc 25/8 cho Hà Nội, 15/9 cho TP.HCM
Người dân TP.HCM được tiêm vắc xin trong đợt 6. Ảnh: Trương Thanh Tùng

Vấn đề là dịch Covid-19 ở TP.HCM đã “nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu”, như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cách đây tròn 2 tuần.

Sau hơn một tháng phong tỏa rất chặt, số ca lây nhiễm không giảm đi, thậm chí còn tăng thì có thể hiểu là mầm bệnh đã lan sâu rộng vào cộng đồng. Nếu bắt đầu nới lỏng các hoạt động kinh tế vào cuối tháng 8 thì có thể tỷ lệ lây nhiễm sẽ còn tăng cao, tiếp tục làm hệ thống y tế của TP quá tải.

Vì thế, bên cạnh chiến lược đang thực hiện, cần bổ sung vắc xin cho TP.

Hôm 11/8, báo chí đăng tin, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường gửi văn bản cho TP.HCM về việc, vắc xin Vero Cell đã qua kiểm định chất lượng, có giấy chứng nhận xuất xưởng, sinh phẩm y tế nên “đủ điều kiện sử dụng”.

1 triệu liều vắc xin Vero Cell và thêm 4 triệu liều nữa, bên cạnh các loại vắc xin khác, sẽ về tới đây cần được sử dụng càng sớm càng tốt để cứu sinh mạng của người dân.

Theo tính toán, giải pháp tốt nhất cho TP.HCM là phải tiêm cho càng nhiều người càng tốt. Sang tháng 9 bắt đầu tiêm mũi 2 và làm sao cuối tháng 10 phải tiêm đủ 2 mũi cho ít nhất 6,5-7 triệu người trên 18 tuổi (tổng số người trên 18 tuổi khoảng 8 triệu). Số người trưởng thành còn lại, trừ trường hợp đặc biệt, cũng phải được tiêm 1 mũi.

Với tỷ lệ tiêm chủng cao như vậy, trong trường hợp tỷ lệ ca nhiễm tăng vọt lên 20% hoặc hơn, tức là có thể 2 triệu người bị nhiễm, thì sẽ giảm được tỷ lệ tử vong xuống 0,2% (tức là 4.000-5.000 người), thay vì 1% như hiện nay.

Đó là trong trường hợp TP có 5 triệu liều vắc xin để tiêm ngay trong tháng 8 này.

Xin trích dẫn lời khuyên của Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park: “Thông điệp từ WHO rất rõ ràng, đó là hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn và cả những người xung quanh”.

Trong quá trình phê duyệt sử dụng khẩn cấp, WHO đã đánh giá hiệu quả, tính an toàn và chất lượng của vắc xin Sinopharm. Thử nghiệm giai đoạn 3 tại nhiều quốc gia cho thấy 2 liều vắc xin Sinopharm tiêm cách nhau 21 ngày có hiệu quả là 79% chống lại SARS-CoV-2 không triệu chứng, được tính 14 ngày trở đi sau liều thứ hai.

Ông nói: “WHO kết luận rằng lợi ích mà vắc xin Sinopharm đem lại lớn hơn những nguy cơ đã được biết hoặc có thể xảy ra. WHO khuyến nghị sử dụng vắc xin Sinopharm dựa trên lộ trình ưu tiên của WHO, với tất cả các biến thể đang có ở Việt Nam hiện nay”.

Thông điệp đó cũng đang rất cần cho các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… những nơi đang bùng dịch nhưng có vẻ chưa được báo chí truyền thông đủ và đúng. Họ cũng cần vắc xin, cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Chúng ta cần thống nhất nhận thức rằng không thể quay lại tình trạng Zero Covid. Vì thế, tất cả, từ Nhà nước đến từng người dân, phải học sống chung với virus. Ý thức và kỹ năng phòng dịch của mỗi cá nhân phải được đề cao và tôn trọng “như mỗi pháo đài” chống dịch.

Nhận thức như vậy thì chính sách sẽ nhân văn, nhịp nhàng, hợp lý giữa chống dịch và đảm bảo sinh kế cho dân, hoạt động của doanh nghiệp. 

 

                                                                                                                Nguồn: VietNamnet.vn 

In Gửi Email