Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ấn tượng bộ đôi ‘Nợ nước non’
Cả hai tác phẩm nghệ thuật này đều nhằm Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022) và 111 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2022).
Một phần cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh được tái hiện từ sân khấu đến tiểu thuyết Nợ nước non
Vở sân khấu Nợ nước non đạo diễn bởi NSND Triệu Trung Kiên; chuyển thể kịch hát: Hoàng Song Việt, là sự kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với dân ca ví, giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài Chòi và dân ca Nam Bộ. Tham gia vở diễn có NSƯT Mạnh Hùng, Minh Hải, Như Quỳnh, Xuân Thông, Văn Dương, Thiên Kiều, Lệ Hằng, Minh Phương, bé Anh Đức, "hoàng tử ví giặm" Lê Thanh Phong...
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Tours của Đảng Xã hội Pháp, năm 1920. Ảnh tư liệu.
NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ, tác phẩm sân khấu Nợ nước non khắc họa xúc động, sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung (bé Anh Đức sắm vai), Nguyễn Tất Thành (Minh Hải đóng) trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, đặc biệt là sự thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược, nung nấu quyết tâm tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành.
Nhiều cảnh diễn xúc động, cuốn hút như: Đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc với cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh cha mẹ và ông bà ngoại đón bé Nguyễn Sinh Cung chào đời giữa mùa sen tháng Năm thơm ngát. Đó còn là cảnh gia đình Nguyễn Sinh Cung ở kinh thành Huế, mẹ Hoàng Thị Loan ra đi khi cha Nguyễn Sinh Sắc và anh trai Nguyễn Sinh Khiêm đang đi xa, chỉ còn bé Cung bên mẹ và em Nhuận mới vài tháng tuổi…
Bến Nhà Rồng (Sài Gòn) đầu thế kỷ XX. Từ nơi này, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. (Ảnh tư liệu TTXVN).
Đạo diễn vở sân khấu này cũng tiết lộ, ở đó còn có cảnh bến cảng Sài Gòn với cuộc chia tay nghẹn ngào của Nguyễn Tất Thành - Văn Ba và Lê Thị Huệ trước chuyến đi xa vạn dặm. Vở diễn Nợ nước non sẽ ra mắt công chúng ngày 19 - 20/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vở diễn, tiểu thuyết có cùng tên gọi Nợ nước non, tác giả văn học và ê kíp nghệ thuật không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội, mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng, xã hội đã hun đúc, rèn dũa nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911.
Nhà của phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ Bác Hồ ở làng Sen (Nghệ An). Ngôi nhà tranh 5 gian này đã gắn liền với thời niên thiếu của Bác Hồ những năm 1901 -1906, (trước khi theo cha vào Huế). Trước sân nhà, cổng vào có dãy râm bụt, bờ mận hảo, cây bưởi và cây ổi. Ảnh: Huy Thư.
Sau này Người kể lại "Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta".
Đối với tiểu thuyết Nợ nước non, đây là tập 1 của bộ tiểu thuyết 3 tập Nước non vạn dặm của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Nội dung của tiểu thuyết có những phần gần với vở diễn sân khấu cùng tên kể trên, cũng có những nội dung khác và mới, thể hiện bằng thi pháp và lợi thế của tiểu thuyết.
Bằng sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa công phu, nghiêm túc, sự trải nghiệm, tích lũy vốn sống nhiều năm ở quê nhà Nghệ An và nhiều vùng đất khác, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật, bối cảnh xã hội chân thực, sống động, giản dị, lôi cuốn người đọc qua từng trang viết. Người đọc như được về thăm, tìm hiểu mảnh đất xứ Nghệ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, được sống cùng Nguyễn Sinh Cung và gia đình từ lúc ở Nghệ An đến kinh thành Huế.
Tiểu thuyết Nợ nước non.
Viết về tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành của một nhân vật lịch sử, một vĩ nhân nhưng nhà văn Nguyễn Thế Kỷ không mô tả tiểu sử nhân vật, mà điều quan trọng là khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành trước các vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới; các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường đi đúng đắn để giành lại độc lập, tự do cho nước cho dân.
Khác với nghệ thuật sân khấu, trong tiểu thuyết Nợ nước non, cùng với tuyến nhân vật chính, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đưa vào tác phẩm của mình các nhân vật như Bà ngoại, những người thân trong gia đình của Nguyễn Sinh Cung như Út Huệ, Phúc, Út Tâm…, chí sĩ Phan Bội Châu, họa sĩ - thầy giáo Lê Văn Miến, Phan Đình Phùng, Vương Thúc Quý, Phan Chu Trinh, Đào Tấn…
Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ ký tặng sách cho nghệ sĩ trẻ góp mặt trong vở diễn Nợ nước non.
Tác giả đã rất dụng ý, dụng công khi miêu tả những cuộc gặp gỡ, đàm đạo giữa ông Nguyễn Sinh Sắc, con trai Nguyễn Sinh Cung với nhà cách mạng Phan Bội Châu, với thầy giáo - họa sĩ Lê Huy Miến…Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đánh giá. điều đặc biệt trong cuốn Nợ nước non là nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã không "kỳ bí hóa" hay "thần thánh hóa" một vĩ nhân lịch sử khi viết về thời niên thiếu của vĩ nhân đó.
"Thay vào đó, tác giả đã bình dị hóa tâm hồn cậu bé Cung, song vẫn đủ tinh tế để bạn đọc nhận ra sự trong sáng, khả năng tư duy, khí tiết, ý chí và một điều gì đó lớn lao ẩn chứa trong tâm hồn thơ trẻ ấy," nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.