Hiểm họa tai nạn giao thông từ xe máy điện
Theo quy định, học sinh trên 16 tuổi được phép sử dụng xe máy điện và xe gắn máy có gắn động cơ dưới 50 cm3, trong khi xe đạp điện không có quy định về độ tuổi sử dụng. Do vậy, đi xe đạp điện và xe máy điện là hình thức giao thông phổ biến của học sinh trong những năm gần đây.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), tính đến cuối năm 2021 cả nước có trên 1,7 triệu xe máy điện, đến năm 2022 có thêm gần 2 triệu xe được đăng ký mới. Theo đánh giá của cơ quan chuyên ngành, mức tiêu thụ xe máy điện trong năm 2022 tăng khoảng 30 - 35% so với năm 2021. Từ số liệu này cho thấy, xe máy điện không ngừng phát triển về số lượng ở nước ta, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay thì loại phương tiện này càng được ưu tiên sử dụng, đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên và người lớn tuổi.
Xe máy điện là phương tiện được nhiều phụ huynh chọn lựa cho con em đến trường
Không phủ nhận lợi ích về kinh tế, môi trường, sự tiện lợi khi sử dụng xe điện…, điều này cũng đồng nghĩa có nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và kỹ năng lái xe nhưng vẫn được tham gia giao thông. Quan sát thực tế tại hầu hết các tuyến đường từ thành thị đến nông thôn đều không khó bắt gặp những hình ảnh các em học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong đó, các lỗi vi phạm thường gặp như: không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; đi sai làn; qua đường không bật xi nhan; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu...
Tại Đắk Lắk, một số vụ TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện đã xảy ra dẫn đến hậu quả thương tâm. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 11 giờ 15 ngày 13/3/2023 trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Cư Kpô (huyện Krông Búk) giữa xe tải và xe đạp điện khiến một người tử vong tại chỗ, một người bị thương. Cả hai nạn nhân đều đang là học sinh một trường THCS trên địa bàn huyện. Hay như vụ va chạm giữa một xe tải với xe đạp điện xảy ra trên Quốc lộ 27 đoạn qua địa bàn thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk) vào ngày 31/7/2022, khiến bé gái 12 tuổi tử vong tại chỗ.
Theo nghiên cứu của Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á, học sinh ở nhóm tuổi từ 6 đến dưới 18 tuổi về cơ bản chưa phát triển toàn diện về thể chất và tâm sinh lý, nhận thức năng lực hành vi còn nhiều hạn chế, do đó nguy cơ TNGT và mức độ thiệt hại đối với nhóm tuổi này thường lớn hơn so với nhóm tuổi khác. Khu vực trường học thường là nơi tập trung số lượng lớn học sinh khi đến trường, tan học, dẫn đến mật độ người và phương tiện tham gia giao thông có sự gia tăng cục bộ vào hai thời điểm nêu trên. Trong khi đó, học sinh có vóc dáng nhỏ dẫn đến tầm nhìn hạn chế, làm giảm khả năng quan sát bao quát, tổng thể các yếu tố hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông; không chủ động trong việc phán đoán, đánh giá, phòng tránh các nguy cơ mất an toàn giao thông đường bộ.
Học sinh một trường THCS trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột lưu thông bằng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm.
Xe đạp điện, xe máy điện có kích thước và trọng lượng nhỏ so với xe máy, tuy nhiên so với sức lực và vóc dáng của học sinh tiểu học và THCS thì vẫn chưa phù hợp; trong khi đó, tốc độ khi tham gia giao thông cao, hệ thống phanh của những loại xe này chỉ bảo đảm an toàn ở vận tốc tối đa 25 km/giờ. Nhưng tại Việt Nam có nhiều xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu khi tham gia giao thông có thể chạy với tốc độ từ 40 - 50 km/giờ, do vậy khi phanh gấp xe dễ bị văng ra gây nguy hiểm. Tiết diện tiếp xúc với mặt đường của lốp xe đạp điện, xe máy điện khá nhỏ, dẫn tới độ ma sát với mặt đường kém. Loại phương tiện này thường gần như không có tiếng nổ động cơ nên khi chuyển làn hay đến nơi giao cắt rất dễ gây TNGT.
Bên cạnh đó, điều đáng lo ngại là có những bậc phụ huynh cho rằng, học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện an toàn nên đã yên tâm giao xe cho con mà thiếu sát sao trong việc nhắc nhở con em mình thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông khi điều khiển phương tiện.
Theo ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, để giảm nguy cơ TNGT khi học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cần sự phối hợp, giám sát chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn. Song song với đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần duy trì thường xuyên nhằm góp phần nâng cao nhận thức về an toàn giao thông cho các em và tạo chuyển biến tích cực về công tác bảo đảm ATGT tại các trường học.
Hoàng Tuyết