‘Em và Trịnh’ - một bộ phim hứa hẹn nhưng hời hợt
Khi chọn kể về Trịnh, đòi hỏi chúng ta phải thật tỉnh táo, để biết nên tiết chế điều gì và chú trọng cách truyền tải ra sao. Lấy đề tài về các em và Trịnh, nghĩa là chọn kể về những tri kỷ trong cuộc đời Trịnh Công Sơn đem lại nguồn cảm hứng sáng tạo như thế nào ở từng giai đoạn trong cuộc đời ông. Và không thể thiếu được, đó là cuộc đời ông vắt ngang gần hết nửa cuối thế kỷ 20 với những thăng trầm lịch sử mà dân tộc Việt Nam không thể nào quên. Những người con gái đó là Bích Diễm, Dao Ánh, Khánh Ly, Michiko… và có thể còn nhiều người nữa. Vẻ đẹp ngoại hình, tâm hồn thanh tao, sự đồng điệu nghệ thuật, lòng ngưỡng mộ của họ đã hấp dẫn Trịnh và khiến cuộc đời sáng tạo của ông thăng hoa.
Tuy nhiên, do mải mê với nhiều tiểu tiết trong câu chuyện đã khiến đạo diễn ngơ ngác quên luôn vai trò sáng tạo hình ảnh là điều cần thiết bản thân nên làm. Khi lựa chọn kết cấu truyện lồng truyện với truyện nền (main story hay basic story) với cảm hứng bắt nguồn từ cuộc hội ngộ giữa cô sinh viên người Nhật với nhạc sĩ họ Trịnh để nghiên cứu âm nhạc phản chiến, bộ phim lẽ ra sẽ thật sự cuốn hút. Nhưng do quá ôm đồm và mải mê đi theo dòng hồi ức mải mê chinh chiến và yêu đương của Trịnh Công Sơn đến mức khiến người xem mệt mỏi, thậm chí bội thực với bữa tiệc hình ảnh ngồn ngộn mà sáo rỗng.
Dẫu rằng những cảnh quay và cách chọn màu phim rất đẹp, không thể đẹp hơn và đây là điểm mạnh xưa nay của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Những thước phim khiến tôi nhớ đến “Once Upon A Time In Hollywood”, bộ phim mở đầu cho trào lưu phim retro. Tuy nhiên, điều này không lấn át được sự hời hợt của bộ phim. Cũng bởi, hình thức tư duy chủ yếu của điện ảnh là tư duy hình ảnh. Trong điện ảnh, người ta thường đề cập đến cụm từ world building, với hàm nghĩa nhằm chỉ hình ảnh chính là chất liệu chủ yếu để tạo nên ngôn ngữ điện ảnh, thể hiện phong cách nghệ thuật của một đạo diễn.
Đáng tiếc rằng bộ phim Em và Trịnh gần như không khắc họa được một ẩn dụ điển hình nào đáng kể ngoại trừ cảnh nhiếp ảnh gia Văn Đỗ đứng trước những bức ảnh trong căn phòng tráng phim u tối, nhìn chiến tranh điểm qua từng chân dung bạn bè một cách rất bi tráng. Ngoài ra, những cảnh hướng dương hóa bia mộ, đốt tranh như là ẩn dụ cho cái đẹp bị hủy hoại đều là chất liệu cũ mèm trên màn ảnh trong và ngoài nước hay cảnh khiêu vũ giữa Trịnh khi đã già và Michiko trên con dốc ở Đà Lạt cũng thật gượng gạo và thiếu tính thực tế.
Hình ảnh của phim cũng dễ trở thành một phiên bản lặp lại cho cuốn Thư tình gửi một người của Trịnh Công Sơn do sự lạm dụng quá đà những bức thư tình của Trịnh và Dao Ánh như một cách để thuyết minh cho phim. Thay vì tạo ra một cảnh quay để biểu đạt nỗi nhớ thì đạo diễn dứt khoát để nhân vật tự nói: Anh mong có Ánh quá Ánh ơi, anh nhớ Ánh vô cùng bằng chất giọng Huế rất lạc nhịp trong phim. Và tương tự như thế, thay vì chú trọng khắc họa tính tính biểu tượng cho phim, để tác phẩm điện ảnh với khả năng tự sự dễ dàng tiếp cận được với khán giả thì đạo diễn lại ôm đồm hình ảnh, chắp vá theo kiểu vá víu thơ – nhạc này.
Hơn nữa, sự yếu thế trong năng lực kể chuyện của đạo diễn Em và Trịnh còn thể hiện ở lối làm phim chèn thêm phim tư liệu cho “uy tín”, cho đúng lập trường chính trị, vốn dĩ không cần thiết trong thời đại mới ngày nay. Những hiệu ứng hình ảnh không cần thiết, không phục vụ cho mục đích truyền tải thông điệp của phim, thậm chí cả những đoạn phim tư liệu chen ngang một cách cẩu thả… đã làm mất đi tính mạch lạc của phim, khiến người xem hụt hẫng, vừa thể hiện tư tưởng “vá víu” tạm bợ trong ngôn ngữ phim.
Phê bình một số khuyết điểm như thế, nhưng nếu ai đó hỏi tôi: Vậy thì có nên ra rạp để nghe Phan Gia Nhật Linh kể chuyện hay không? Vẫn rất nên chứ! Để tưởng thưởng cho dấn thân liều lĩnh của anh, vì bộ phim Em và Trịnh dẫu còn nhiều khiếm khuyết nhưng xứng đáng là những thử nghiệm mạnh mẽ để phim Việt dám và biết khai thác những đề tài màu mỡ còn nằm trong bóng tối của định kiến và sợ hãi.
Nguồn: TH