Điều gì khiến người dân không muốn tiêm nhắc lại vaccine COVID-19?
Về tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, ghi nhận 8.679.535 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,1%; Tiêm mũi 3 đạt 1.812.954 trẻ (20,7%);
Đối với nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến ngày 18/7 là 10.339.835 mũi, trong đó mũi 1 là: 7.071.687 trẻ (61,8%); mũi 2: 3.268.148 trẻ (28,5%).
(Ảnh minh họa)So với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm (phần lớn các nước chỉ tiêm mũi 3 cho người từ 12 - dưới 18 tuổi có nguy cơ, tiêm mũi 4 cho người cao tuổi, người có suy giảm miễn, người bị bệnh nền, có nguy cơ nhiễm trùng cao và những người làm việc tại các cơ sở y tế) và đa dạng các loại vaccine.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tiến độ tiêm đã bắt đầu tăng lên, trung bình những ngày gần đây tiêm khoảng gần 500.000 liều/ngày. Số mũi tiêm vaccine tăng chủ yếu là do tỷ lệ tiêm mũi 4 tăng. Một số tỉnh, thành có khu công nghiệp đã đề xuất phân bổ thêm vaccine, Viện đã phân bổ thêm khoảng 1,2 triệu liều. Tuy nhiên tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi tại các địa phương còn chậm.
Các chuyên gia y tế cho rằng, mặc dù Bộ Y tế và các phương tiện thông tin thường xuyên thông tin, tuyên truyền về hiệu quả và sự cần thiết của tiêm chủng vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn có nhiều thông tin, dư luận trái chiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Một bộ phận người dân không đi tiêm mũi 3, đặc biệt là người đã mắc COVID-19 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc COVID-19 dẫn đến tâm lý chủ quan không tiêm mũi 3.
Liên quan đến tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, theo Bộ Y tế, số trẻ mắc COVID-19 thời gian qua nhiều (khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong tháng 2-4/2022) nhưng đa phần ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.
Đồng thời nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp.
Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.
Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện của biến thể BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực Châu Âu.
Hiện hai biến thể phụ BA.4, BA.5 của biến thể Omicron đã được ghi nhận trong nước tại TP.HCM, Hà Nội và Cần Thơ. Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác để chủ động có các biện pháp xử lý kịp thời.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ bệnh trở nặng.
Do đó, cần đẩy mạnh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học. Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, giao chỉ tiêu tiêm chủng tới tận cấp huyện, cấp xã; thực hiện "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, và từng đối tượng" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine cho người dân.
PGS-TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm rất nhanh, do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy, những người đã tiêm đủ các mũi cơ bản, nếu không tiêm mũi nhắc lại vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Theo thông báo trong tháng 6/2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 60% trường hợp mắc bệnh bị hậu Covid-19 và 30% phải nhập viện điều trị hậu Covid-19. Do đó, việc tiêm vaccine Covid-19 mũi nhắc lại sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
“Theo kết quả của một số nghiên cứu gần đây, những người đã tiêm vaccine liều cơ bản và bị mắc Covid-19, miễn dịch bắt đầu giảm ở tuần thứ 10 đến tuần thứ 19 sau tiêm. Nếu những người này được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19, thì sẽ khôi phục khả năng miễn dịch, duy trì hiệu lực bảo vệ trước nguy cơ nhiễm virus SARS-COV-2”- PGS-TS. Dương Thị Hồng cho biết.
GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, thông điệp của WHO rất rõ, nơi chưa tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là chưa an toàn và có nguy cơ kết hợp trở thành biến thể mới. Vaccine vẫn là vũ khĩ hữu hiệu nhất làm giảm ca mắc Covid-19 nặng, tử vong./.