Điện ảnh chuyển đổi số và tình yêu phim Việt
Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh quy định tại khoản 2 Điều 5 đã thể hiện rõ hơn cơ chế của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Điện ảnh phấn đấu trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tham luận tại Hội nghị - Hội thảo Chuyển đổi số của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Về phát hành phim, tại Chương III đã có những quy định nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim. Về phổ biến phim, tại Chương IV có riêng Điều 21 quy định về Phổ biến phim trên không gian mạng.
Những điểm mới trong Luật Điện ảnh năm 2022 cho thấy sự phát triển nhanh chóng của điện ảnh trong sự phát triển của kinh tế, xã hội; đặc biệt là sự bùng nổ của Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ tới đời sống của mỗi con người, mỗi quốc gia trên con đường phát triển, của truyền thống và công nghệ, của lịch sử và tương lai, của bản sắc văn hóa và đa dạng văn hóa … và những người làm điện ảnh sẽ luôn đứng trước cơ hội làm mới mình, bởi điện ảnh là một ngành nghệ thuật được sinh ra và phát triển cùng các bước tiến của công nghệ.
Điện ảnh chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Nghệ thuật điện ảnh sau hơn một thế kỷ hình thành và phát triển rộng khắp trên toàn cầu (từ 1895) dường như đã mặc định nếu muốn xem phim nhựa, chắc chắn chỉ có thể xem tại rạp chiếu phim. Các thiết bị xem phim nhựa tại gia quá đắt đỏ và phức tạp với đại đa số công chúng. Hơn nữa, niềm đam mê xem phim tại rạp, bởi sự kết nối tình thân, bởi nhiều niềm vui có được khi cùng nhau tới rạp để thưởng thức nghệ thuật điện ảnh đích thực với hiệu quả hình ảnh và âm thanh mãn nhãn khi mà các thiết bị xem tại nhà không thể đáp ứng đã là thói quen cả trăm năm. Dù ưu việt vậy, nhưng những thế hệ khán giả “sinh sau đẻ muộn” rất khó để tìm xem được những bộ phim của một thời, bởi khi hết đời sống ở rạp, các bộ phim sẽ trở về kho lưu trữ, dường như chỉ còn dành cho công tác nghiên cứu, đào tạo, đi vào những trang sách về lịch sử điện ảnh; vậy là một tác phẩm điện ảnh vô cùng sống động, chứa đựng nhiều dữ liệu hình ảnh về văn hóa, lịch sử của một đất nước sẽ đi vào một đời sống “tĩnh”, rời xa đời sống “động” khi không còn tương tác trực tiếp với khán giả, thiếu đi sự quan tâm của nhiều thế hệ người xem khi tuổi đời của họ thua xa tuổi đời của bộ phim, đây là sự thiệt thòi không nhỏ đối với chính bộ phim và lớp khán giả thế hệ mới.
Nhưng đời sống và công nghệ không bao giờ dừng lại, con người mãi tiến về phía trước, luôn tự phát triển và hoàn thiện. Và việc xem phim cũng đã có nhiều đòi hỏi đa dạng, đáp ứng nhu cầu cuộc sống luôn đổi mới.
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây nhiều xáo trộn đặc biệt nghiêm trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, việc đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng buộc con người ngày càng gắn liền với các nền tảng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực từ sản xuất, kinh tế, y tế, giáo dục, giải trí.... Nói cách khác đại dịch Covid-19 làm thúc đẩy quá trình công nghệ hóa một cách nhanh và toàn diện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngay cả khi đại dịch qua đi thì phương thức sản xuất, hành vi, thói quen sinh hoạt, nhu cầu hưởng thụ của người dân sẽ chuyển sang một trạng thái mới dựa trên sự góp mặt của các nền tảng công nghệ thông tin ngày càng phát triển nhanh chóng đặc biệt trong lĩnh vực giải trí.
Hai năm trở lại đây, hàng loạt các rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Khán giả thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng đã buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim, trong đó bao gồm cả những phim “bom tấn” - hình thức mà trước đây trong điều kiện bình thường họ không mấy mặn mà.
Cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.
Không nằm ngoài xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh toàn cầu, điện ảnh Việt Nam tích cực xây dựng, phát triển các nền tảng chiếu phim trên không gian mạng. Chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên Internet kết hợp với các nền tảng phát triển điện ảnh, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá, trong đó có công nghiệp điện ảnh.
Đến với Hội nghị Chuyển đổi số ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch, ngành Điện ảnh mang theo quyết tâm lớn trong việc Chuyển đổi số toàn bộ kho phim Việt, đặc biệt đối với số lượng rất lớn phim Việt Nam, những tư liệu hình ảnh thời kỳ Điện ảnh Cách mạng từ trong bưng biền, Nam Bộ (1947) tới Đồi Cọ, Thái Nguyên (1953) mang trong mình những giá trị như Di sản tư liệu hình ảnh động quốc gia có tính độc bản, duy nhất khi truyền hình và các phương tiện truyền thông hiện đại khác còn chưa thể có tại Việt Nam.
Năm 2013 có thể coi như dấu mốc khi hoạt động sản xuất phim Việt Nam hầu như đã hoàn toàn chuyển từ công nghệ phim nhựa sang công nghệ phim kỹ thuật số. Tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18 (năm 2013), hai bộ phim truyện Những người viết huyền thoại (Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất) và Scandal - Bí mật thảm đỏ (Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân và Công ty Giải trí Ngôi sao sản xuất) cùng được vinh danh khi đạt Giải thưởng Bông Sen Vàng dành cho Phim truyện xuất sắc là một minh chứng rõ nét về sự chuyển đổi này.
Cùng thời gian, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, công nghệ 4.0 được nâng cấp lên một cấp độ hoàn toàn mới với sự hỗ trợ đắc lực của internet, đã cho ra đời các thiết bị công nghệ thông minh, hữu ích cho đời sống xã hội, do đó việc ứng dụng nền tảng số là xu thế tất yếu. Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, mọi người kết nối với nhau thông qua internet, do đó quá trình trao đổi, tiếp cận, sự phổ cập thông tin, văn hóa, nghệ thuật, tri thức đều được đổi mới để theo kịp xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay. Đối với lĩnh vực điện ảnh, sự ra đời và phổ cập tới người dùng các thiết bị thông minh, máy tính, smart phone, smart TV… giúp người xem tiếp cận nhanh với điện ảnh, rút ngắn khoảng cách tiếp cận những tác phẩm điện ảnh từ trong quá khứ tới hiện tại. Chính vì vậy sau 10 năm không còn sản xuất phim nhựa, việc chuyển đổi số trong cách tiếp cận người xem đã trở thành nhu cầu cấp thiết đối với ngành điện ảnh Việt Nam.
Có một thực tế là hàng ngày người dân vẫn xem nhiều phim quốc tế trên các nền tảng trực tuyến của các nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài, trong khi đó phim Việt Nam lại thiếu nền tảng số của quốc gia để phổ biến. Hàng trăm, hàng ngàn bộ phim Việt Nam có chất lượng, những tác phẩm điện ảnh có giá trị sống cùng năm tháng nhưng do nhiều nguyên nhân vẫn chưa được đưa đến với rộng rãi nhiều thế hệ công chúng trên không gian mạng.
Thực hiện nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, bảo đảm yêu cầu phát triển của lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh; việc xây dựng một nền tảng số chính thức của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim trực tuyến sẽ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng, giới thiệu văn hóa đất nước, con người Việt Nam thông qua các tác phẩm điện ảnh có giá trị về nội dung và tư tưởng; lan tỏa rộng rãi tinh thần “Người Việt yêu phim Việt”.
Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến - chuyển đổi số phục vụ con người
Từ các vấn đề đặt ra ở trên, việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người xem trên internet kết hợp với các nền tảng, chương trình phổ biến, phát triển điện ảnh cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm tạo điều kiện để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa nền Điện ảnh Việt Nam. Với những ý nghĩa như trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL ngày 18 tháng 10 năm 2021 về việc xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến”; trong quá trình hoàn thiện xây dựng, Đề án đổi tên thành “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến” (Sau đây viết là Trung tâm PHPBPTT).
Quyết định xây dựng Đề án đã kịp thời đáp ứng những chỉ đạo, định hướng lớn trong Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức ngày 24 tháng 11 năm 2021; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 theo Quyết định số 1909/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12 tháng 11 năm 2021.
Đề án có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đáp ứng những tác động tích cực từ Luật Điện ảnh 2022 mới được Quốc hội ban hành.
Trung tâm PHPBPTT sẽ là nơi lưu giữ và phổ biến các tác phẩm điện ảnh dưới dạng số hóa qua các thời kỳ bao gồm cả phim truyện, phim tài liệu, khoa học, hoạt hình ... Hiện nay, kho phim của Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam… có tới hàng nghìn bộ phim tương đương với nhiều nghìn giờ phim nhưng đa phần được lưu giữ ở dạng phim nhựa cất trong kho, người dân không có cơ hội được tiếp cận, thế hệ người trẻ gần như không biết đến di sản hình ảnh động quốc gia là các bộ phim của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đang được bảo tồn. Trong khi đó số lượng phim được chuyển đổi sang định dạng số hóa đang khá chậm chạp, các phim đã chuyển đổi số lại tiếp tục được lưu kho và thế hệ người trẻ vẫn chưa được tiếp cận nếu không có một đơn vị phát hành trực tuyến là Trung tâm của Nhà nước.
Không chỉ lưu giữ, phổ biến phim, Trung tâm PHPBPTT còn là nơi kết nối các dữ liệu điện ảnh của quốc gia, là địa chỉ mà người xem, người học, người nghiên cứu, người làm điện ảnh có thể tìm thấy các tư liệu quý giá, nguồn tài nguyên vô giá là các tác phẩm điện ảnh đã được thực hiện qua nhiều giai đoạn lịch sử, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Trung tâm PHPBPTT cũng là phương thức hỗ trợ nguồn phim một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các Trung tâm phát hành phim và Chiếu bóng địa phương trên khắp cả nước. Hiện nay hoạt động đầu ra của điện ảnh nhà nước, các rạp chiếu bóng ở các tỉnh thành phố phần lớn đã bị thu hẹp và hợp nhất trong mô hình Trung tâm văn hóa tổng hợp do rạp chiếu phim không đủ sức cạnh tranh với các rạp tư nhân và do nước ngoài đầu tư, thậm chí nhiều tỉnh còn không có máy chiếu phim kỹ thuật số nên hoạt động phổ biến phim thực chất chỉ còn là hoạt động của các đội chiếu bóng lưu động, và ngay cả các đội chiếu bóng lưu động cũng rất thiếu nguồn phim và các phương tiện vật chất khác để phục vụ vùng đồng bảo dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Trung tâm PHPBPTT sẽ đóng vai trò như “nguồn cấp” phim phong phú giúp các Đơn vị điện ảnh trong cả nước giải quyết những khó khăn về tình trạng thiếu hụt nguồn phim phục vụ nhân dân.
Trung tâm PHPBPTT với những tính năng đặc thù sẽ hỗ trợ tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá lan tỏa phạm vi ảnh hưởng cho các kỳ Liên hoan phim Việt Nam, các giải thưởng từ các hội nghề nghiệp điện ảnh; là địa chỉ giao lưu quốc tế thông qua các kỳ liên hoan phim quốc tế, các tuần phim của các nước trên thế giới trong khuôn khổ giao lưu văn hóa, đối ngoại ...
Chuyển đổi số vì một tình yêu phim Việt
Trên những ứng dụng xem phim trực tuyến hiện nay, có thể thấy danh sách phim Việt còn khiêm tốn so với phim Mỹ, phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Với thực trạng di sản hình ảnh động quốc gia/ những tác phẩm điện ảnh Việt Nam sau khi kết thức vòng đời tại rạp chiếu, hầu hết được “nằm lạnh” trong kho lưu trữ dưới hình thức những cuốn phim nhựa, cơ hội quay trở lại với khán giả rất hạn chế khi các thiết bị chiếu phim nhựa đã bị khai tử tại hệ thống rạp chiếu. Chỉ có một số những bộ phim mới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật 4.0 mới có thể hiện diện được trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho người dùng sau khi đã khai thác hết mức có thể tại rạp; tuy nhiên cũng chưa đủ tạo thành một nền tảng số phim Việt cuốn hút và có tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc với người xem Việt Nam.
Trung tâm PHPBPTT với kho phim Việt lưu giữ có thể tiếp cận tới nhiều thế hệ khán giả bởi nội dung chứa đựng nhiều tầng văn hóa, lịch sử, truyền thống của đất nước, con người; vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo cơ hội cho công chúng yêu điện ảnh Việt Nam được thưởng thức những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng trong từng giai đoạn bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; tiếp cận thêm lượng lớn khán giả tiềm năng cho điện ảnh bằng những ứng dụng phục vụ người xem một cách tối ưu nhất.
Các thế hệ khán giả trẻ hôm nay sẽ thấy được hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những chặng đường lịch sử; thấy được lớp lớp các thế hệ con người Việt Nam đã bảo vệ và xây dựng tổ quốc bằng mồ hôi, xương máu như thế nào; văn hóa, truyền thống quê hương; hình tượng những nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa; cuộc sống, con người bình dị qua những thước phim mang tính lịch sử đã và sẽ tiếp tục mang lại những tác động văn hóa sâu sắc, có giá trị trong việc góp phần xây dựng tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam trong kỷ nguyên số.
Các bộ phim cần được sống, sống với thời gian, sống với đất nước, sống trong lòng khán giả. Một đời sống có ý nghĩa của mỗi bộ phim sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước; khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xâm thực văn hóa trong một thế giới phẳng.
Để kho phim Việt phát huy giá trị, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian, Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh; về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Người Việt xem phim Việt trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, đó là nhiệm vụ hàng đầu của ngành khi thị trường điện ảnh Việt Nam luôn được đánh giá có mức tăng trưởng tích cực, với nguồn khán giả trẻ đông đảo, cũng là những người dùng công nghệ 4.0 áp đảo trong việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh. Tình yêu phim Việt của các thế hệ khán giả đi trước để lại niềm tin cho những người làm điện ảnh, cho những lớp khán giả hậu sinh, cho tình yêu cho những bộ phim và những người xem phim Việt trong kỷ nguyên mới của công nghệ; góp phần tích cực thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, trọng tâm của việc xây dựng văn hóa là xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp./.
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà
Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh