Cập nhật lúc: 02/03/2022

Để trở thành cực tăng trưởng hấp dẫn của Tây Nguyên

Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đảng bộ tỉnh đang chỉ đạo, lãnh đạo tập trung vào các giải pháp đột phá chiến lược.
 Từng bước hiện thực hóa những mục tiêu nhiệm kỳ

Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Đắk Lắk đã vững vàng vượt qua một năm với nhiều thách thức, khó khăn và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, làm nền tảng cho năm 2022.

Bước vào năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, lan rộng, cùng với việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia các sự kiện triển lãm, xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức khác nhau, bao gồm xúc tiến thương mại trực tuyến. Đồng thời, triển khai hướng dẫn cho các DN, cơ sở sản xuất có sản phẩm đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) cũng như được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường cũng là giải pháp thúc đẩy sự phát triển nói chung.

Hạ tầng giao thông đang được tỉnh tập trung đầu tư, đồng bộ, hiện đại (Trong ảnh: Đường Đông Tây trong quá trình thi công đoạn ngang qua Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Hoàng Gia

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hơn 10.000 DN của tỉnh đang tăng tốc với kế hoạch cụ thể để đẩy nhanh phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được “kích hoạt” đang mang lại động lực mạnh mẽ cho cộng đồng DN. Sau thời gian bị bào mòn sức lực bởi đại dịch COVID-19, cũng như cộng đồng DN cả nước, DN Đắk Lắk đang đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình này khi Chính phủ hạ quyết tâm triển khai thực hiện trong quý I năm 2022.

 
Đắk Lắk cần rà soát, nghiên cứu sửa đổi và xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế; ưu tiên nguồn lực đầu tư để TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành trung tâm đô thị vùng Tây Nguyên và phát triển theo hướng xanh, sinh thái, thông minh, mang bản sắc riêng của vùng đã được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận 67-KL/TW”.
 
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Để cụ thể hóa chương trình này, hiện UBND tỉnh đang khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Bên cạnh những giải pháp mang tính cấp bách, tỉnh cũng đang tập trung cho những giải pháp dài hạn trong đó đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Công văn số 1285/TTg-CN, ngày 4/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tập trung thực hiện những giải pháp mang tính đột phá

Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định những giải pháp mang tính đột phá cho chặng đường phát triển kinh tế - xã hội địa phương giai đoạn 2020 - 2025: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công; tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tất cả các lĩnh vực; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; kết nối hệ thống giao thông với các tỉnh lân cận, khu vực và quốc tế; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng.

Vì vậy, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số. Trong đó, Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 2/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” là một trong những nghị quyết chuyên đề tạo động lực để Đắk Lắk bước vào nền kinh tế số, xã hội số và xây dựng chính quyền số.

Đồng thời, với việc xác định tăng cường liên kết vùng là một trong những giải pháp quan trọng, tỉnh đã phối hợp với các tỉnh thành liên quan cùng Bộ Giao thông vận tải tập trung cho dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đây là dự án động lực nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện đại, an toàn, hiệu quả là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung (bìa trái) tham quan dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Trung. Ảnh: Hoàng Gia

Mặt khác, quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,27% nhưng vẫn bảo đảm chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung đã quyết liệt chỉ đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tập trung thực hiện các giải pháp chiến lược, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương có liên quan để xây dựng cơ chế đặc thù phát triển kinh tế - xã hội TP. Buôn Ma Thuột theo Kết luận số 67-KLTW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ trình Quốc hội xem xét.

Ngoài việc chú trọng các nhóm giải pháp phát huy lợi thế so sánh mang tính đặc trưng riêng, Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tổ chức và hoạt động, tiếp tục đưa Đắk Lắk trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế, có sức hấp dẫn, lan tỏa trong vùng kinh tế khu vực Tây Nguyên, tầm nhìn trở thành trung tâm của Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và Tiểu vùng sông Mê Kông như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh tại Lễ Khai mạc Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026 được tổ chức vào cuối tháng 6 năm 2021.

Lê Hương

In Gửi Email