Để không còn ám ảnh tăng giá trước khi tăng lương
Lương tăng không theo kịp chi phí sống
Là công chức hơn 3 năm, nhưng chị Nguyễn Khánh Huyền (Đông Anh, Hà Nội) đã nhiều lần muốn bỏ ngang công việc ổn định này vì thu nhập mỗi tháng chỉ gần 7 triệu đồng, không đủ chi tiêu hàng tháng.
“So với cấp bậc được quy định, tôi sẽ được xét duyệt tăng lương 3 năm/lần nhưng cũng chỉ thêm vài trăm nghìn đồng. Với mức lương như vậy, chưa lúc nào là theo kịp được giá gạo, xăng xe hay điện nước… Những nhu yếu phẩm như vậy cũng chưa bao giờ giữ được nguyên giá trong vòng 3 năm. Hiện tại, nếu không có thu nhập của chồng thì gia đình tôi sẽ không thể chi trả đủ chi phí sinh hoạt cũng như tiền học phí mầm non của con nhỏ” - chị Huyền chia sẻ với phóng viên Lao Động.
Đã có lúc chị Huyền muốn nghỉ việc và chuyển sang công việc khác có thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên do chưa tìm được cơ hội nên ngoài giờ hành chính, chị đã lựa chọn bán thêm một số mặt hàng trên mạng xã hội.
Tương tự với chị Huyền, chị Tạ Thị Nhung - giáo viên một trường cấp 2 tại Đông Anh, Hà Nội - vài năm trở lại đây đã phải dành hầu hết thời gian buổi tối để đi dạy thêm ở các trung tâm bên ngoài. Chị thở dài khi nói về mức lương ít ỏi ở trường trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
“Hiện tại, hai con của tôi đều đang học cấp 3 nên học phí ở trường với học thêm khá nhiều. Ngoài thu nhập của chồng, tôi chỉ biết cố gắng đi làm thêm để có thể đóng tiền học cho các con. Điều này đồng nghĩa với việc tôi gần như không có thời gian dành cho gia đình mình” - chị Nhung nói thêm.
Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, việc tăng lương mang ý nghĩa và cần thiết trong thời điểm này bởi không chỉ giúp cải thiện, nâng cao đời sống cho cán bộ công chức viên chức mà còn mang lại niềm vui, động lực lớn cho cả người lao động, góp phần kịp thời hỗ trợ người lao động yên tâm làm việc.
Thế nhưng, bà Nga cho rằng, người lao động cũng canh cánh nỗi lo giá cả sinh hoạt thường “té nước theo mưa,” thậm chí chưa đến ngày tăng lương nhưng giá cả hàng hóa đã có dấu hiệu rục rịch tăng.
Tránh tình trạng “a dua”, tăng giá chỉ vì tăng lương
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết, việc quản lý giá luôn bám sát diễn biến thị trường, nhưng đối với những tình huống như tăng lương cơ sở hay một số diễn biến đặc biệt thì sẽ xây dựng kịch bản, kế hoạch với một số điều chỉnh cụ thể phù hợp với tình hình mới. Việc quản lý giá đảm bảo kiểm soát giá cả theo đúng mục tiêu lạm phát được Quốc hội đưa ra, đồng thời chú ý đến những mặt hàng chiến lược và tiêu dùng thiết yếu trong đời sống.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá, để tăng lương mà giá không tăng là bài toán rất khó và muốn giải được chúng ta phải điều tiết thị trường thật tốt. Phương pháp điều hành này phụ thuộc vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ. Cần phải tránh tuyệt đối tình trạng “a dua”, nghĩa là tăng giá chỉ vì tăng lương.
“Chính phủ nên tập trung vào việc quản lý tốt một số mặt hàng trong danh mục quản lý giá của Nhà nước. Với các mặt hàng thiết yếu, chúng ta nên có sự kiểm soát chặt chẽ trong hoạt động kinh doanh cũng như giá cả. Điều quan trọng để giữ được giá cả ổn định, chúng ta phải có giải pháp để phát triển sản xuất và hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh việc quản lý và điều hành giá cả linh hoạt cũng cần tập trung vào cải thiện năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm, cải thiện được cuộc sống của người dân. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất sẽ vô cùng quan trọng” - bà Nga nói.