Để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị lễ hội độc đáo vùng Tây Nguyên
Những bài học cần thiết
Trong giai đoạn kinh tế hội nhập, thị trường tự do, những hoạt động lễ hội đặc thù Tây Nguyên cần nhận được đánh giá đa chiều và tích hợp, cập nhật thời đại để có sức thu hút tốt hơn.
Bởi vậy, để chuẩn bị tốt lễ hội cà phê, TP. Buôn Ma Thuột rất cần đối chiếu, tìm hiểu kinh nghiệm đã làm từ các đô thị đi trước, cần những giải pháp hữu hiệu trong tổ chức, điều hành và giám sát hoạt động lễ hội của mình, thu lượm được những bài học cần thiết để định vị được các yêu cầu tất yếu về dáng dấp đô thị lễ hội của mình.
Điều phải thấy rõ là, cùng mô hình lễ hội văn hóa, song TP. Buôn Ma Thuột có sự khác biệt với các đô thị đi trước.
Các lễ hội lớn ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội là những lễ hội hướng đến tầm cỡ quốc tế, không nêu bật giá trị bản địa. Đơn cử như Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival Huế là ý tưởng xuất phát từ quan điểm hội nhập văn hóa, tổ chức mô hình mới, không bám vào cơ sở văn hóa truyền thống có sẵn. Các lễ hội chủ đề ở Hội An, Huế, TP. Hồ Chí Minh lại khai thác các giá trị lịch sử cố hữu, sản phẩm văn hóa gắn liền đời sống người dân và các quan hệ kết nối trong lịch sử. Các lễ hội văn hóa Việt – Nhật, lễ Nguyên tiêu, lễ hội Đèn lồng Trung thu… đều liên quan tập tục, giao lưu văn hóa quá khứ, tương tác quan hệ văn hóa từ bên ngoài vào…
Lễ hội ở TP. Buôn Ma Thuột lâu nay luôn gắn chặt văn hóa bản địa truyền thống. Đa phần lễ hội đều khai thác chiều sâu văn hóa có sẵn, nhất là các lễ hội quy mô đều gắn liền với nông sản đặc thù địa phương… Mô hình tổ chức lễ hội theo đó cần nhấn mạnh hơn sự cộng hưởng tham gia của người dân, và sự tiếp cận, thưởng ngoạn của đại biểu, du khách.
Lế hội đường phố tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7. Ảnh: Hoàng Gia |
Ba lưu ý thiết thực
Điểm nhấn tổ chức lễ hội ở đô thị, dĩ nhiên luôn gắn với trung tâm đô thị. Do đó, hoạt động lễ hội ở TP. Buôn Ma Thuột cần lưu ý quan hệ tham gia của người dân, nhất định phải hấp dẫn người dân tham gia, là thành viên vừa tổ chức bối cảnh lễ hội, mà cũng là du khách trải nghiệm lễ hội. Người dân các thôn, buôn phải được xem là công chúng thưởng lãm quan trọng nhất tại lễ hội, để họ tự nguyện tham gia và hài lòng trải nghiệm. Với thực tế vừa đi qua mùa dịch, vai trò du khách nội địa được đề cao, việc chăm sóc, tổ chức cho người dân địa phương tham gia vào lễ hội là rất cần được quan tâm chu đáo. Những hoạt động bên trong lễ hội, như các khu triển lãm, bán hàng, quảng bá thương hiệu địa phương, đều phải cuốn hút được công chúng tham gia, không thờ ơ đứng ngoài.
Thứ hai, lễ hội diễn ra vẫn ưu tiên ở khu trung tâm, cũng đồng nghĩa với hoạt động giao thông rất dễ bị trở ngại. Điều này đòi hỏi đội ngũ tổ chức phải nhanh nhạy, có được những phương án hỗ trợ người dân và du khách đi lại thuận tiện, thông qua khâu quảng bá, truyền thông các thông tin hỗ trợ điểm đến, điểm đi… tại địa bàn sâu sát với người dân. Những khu vực chính của lễ hội cần bảo đảm an ninh nhưng phải thông suốt, điều tiết người dân đi lại tham gia dễ dàng, và bất kỳ ai không tham gia lễ hội cũng không bị mắc kẹt trong đám đông.
Thứ ba, hoạt động lễ hội diễn ra trong năm ngày, một khoảng thời gian ngắn. Do đó, tính tập trung tổ chức một cách chuyên nghiệp là đòi hỏi quan trọng của lễ hội. Các dòng sản phẩm, các thị phần đáng lưu ý cần được tạo không gian, bố trí điều kiện quảng bá hữu hiệu. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột khai thác chính vào giá trị thương hiệu nông sản địa phương, là nét riêng không có ở những đô thị khác. Phải làm sao thu hút, và hỗ trợ được các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá tốt sản phẩm cà phê của họ tại lễ hội, tôn vinh các thương hiệu cà phê địa phương, là những yêu cầu rất quan trọng với ban tổ chức lễ hội.
Nguyên Đức