Đã có thể gọi Trấn Thành là "ông hoàng phòng vé"?
Tuy nhiên, sau thất bại của Người Cần Quên Phải Nhớ (2020), Thái Hòa lui về "ở ẩn", khiến "ngai vàng" của vị vua đến nay còn bỏ trống. Chúng ta có rất nhiều hiện tượng phòng vé như Thu Trang với Chị Mười Ba: 3 Ngày Sinh Tử (doanh thu 100 tỷ đồng), Nguyễn Quang Dũng với Tiệc Trăng Máu (doanh thu 175 tỷ đồng),... Dù các phim đều có doanh số cao gấp nhiều lần Long Ruồi (9,5 tỷ đồng) hay Tèo Em (gần 70 tỷ đồng), từ khóa "ông hoàng phòng vé" vẫn chưa một lần được nhắc lại.
Cho đến gần đây, trang tin Kênh 14 dùng cụm từ "Ông hoàng phòng vé" tặng Trấn Thành, sau khi Nhà Bà Nữ - phim chiếu Tết 2023 của nam nghệ sĩ - vượt mặt Bố Già với con số khủng 430 tỷ đồng. Theo thống kê, anh là nhà làm phim đầu tiên có 3 tác phẩm chiếm top 5 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Như vậy, danh hiệu này có gì đáng bàn cãi?
Theo ông Châu Quang Phước, người có nhiều năm nghiên cứu nền phim ảnh Việt, danh hiệu này dành cho Trấn Thành hoàn toàn xứng đáng. "Có thể gọi những phim của anh ấy là 'trường phái Trấn Thành'. Dù có khán giả thích hoặc không, không thể phủ nhận Trấn Thành là nhà làm phim Việt Nam đầu tiên mà hai sản phẩm chiếu rạp đều có doanh số trên 400 tỷ. Xét về mặt số liệu thì chiến thắng của Trấn Thành không cần bàn cãi".
Anh Nguyễn Hữu Tuấn - đạo diễn của Dành Cho Tháng Sáu - thì nói đùa: "Gọi là Hoàng đế hay Thần cũng được, chứ gọi vua thì còn khiêm tốn quá". Trong một chia sẻ gần đây với chúng tôi, anh Nguyễn Hữu Tuấn nói để phim Việt có thể lấy lại niềm tin với khán giả, thì cần phải đa dạng thể loại. Trấn Thành là một trong những nhà làm phim có chất riêng, đang tạo được sức ảnh hưởng lớn với khán giả.
Tuy nhiên, trong khuôn khổ của buổi trò chuyện, anh Nguyễn Hữu Tuấn cũng cảnh tỉnh: "Dân số chúng ta là 100 triệu dân, thì Trấn Thành nhiều lắm cũng chỉ khoảng độ 4 - 5 triệu khán giả, tức là rất ít". Nguyễn Hữu Tuấn đề cập Trấn Thành như đại diện cho khán giả có phim giải trí ăn khách nhất. Còn với các đạo diễn hướng tới dòng phim nghệ thuật, như anh và các đồng nghiệp, số khán giả quan tâm sẽ còn thấp hơn.
Như vậy, khi đặt một góc nhìn công tâm, Trấn Thành đã đạt được một danh hiệu mà nhiều nhà làm phim Việt ao ước. Tuy nhiên, "gánh nặng ngự trị trên chiếc đầu có mang vương miện" (Shakespeare), mọi danh hiệu hay con số vừa là động lực, nhưng cũng là thử thách buộc Trấn Thành phải vượt qua.
Dự án Mai - phim chiếu Tết 2024 của Trấn Thành - sẽ là "gánh nặng" tiếp theo. Không chỉ phải chiến thắng bài toán dân số, anh còn phải tạo ra sự mới mẻ, khi khán giả hiện đã "bắt bài" phong cách viết kịch bản của mình.
Người trong nghề nghĩ thế, còn khán giả Việt - khách hàng thực sự - thì bình luận ra sao. Dạo quanh các diễn đàn phim ảnh, chúng tôi nhận thấy có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh chiến thắng của Trấn Thành:
- Tôi đã xem film này, thú thật phim này thành công là nhờ cái tên cậu Trấn Thành và đội ngũ làm truyền thông quá tốt. Nếu film này không phải cậu Trấn Thành làm thì thu 100 tỷ cũng khó huống chi 400 tỷ !!!
- Chúc mừng Trấn Thành và ekip làm phim. Hi vọng Việt Nam càng có nhiều phim doanh thu cao, để ngành phim có kinh phí, động lực làm ra các tác phẩm chất lượng càng cao, nâng cao sức cạnh của điện ảnh Việt.
- Thất bại của nền điện ảnh nước nhà là nội dung phim không phong phú. Về Trấn Thành đã khẳng định được tài năng của mình cho nội dung phim xoay quanh các mâu thuẫn trong gia đình. Hi vọng Trấn Thành sẽ giữ vững danh tiếng cho dòng phim về gia đình. Các dòng phim khác như chiến tranh, khoa học viễn tưởng, hành động thì Việt Nam chẳng có phim nào chất lượng.
- Tôi đã coi phim này rồi, cốt truyện nhạt không điểm nhấn, không mang tính giáo dục. Kết thúc phim quá kém, không có hậu! Cái được duy nhất là quảng cáo hay, PR tốt, làm cho người ta tò mò muốn xem! Xem rồi mới biết, nội dung kết thúc quá dở.