Cập nhật lúc: 28/04/2022

Con đường đến đại thắng mùa xuân 1975

Sau khi ký Hiệp định Paris về Việt Nam, Mỹ và các nước chư hầu buộc phải rút hết quân ra khỏi miền Nam Việt Nam vào ngày 29/3/1973. Đế quốc Mỹ vẫn âm mưu tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh,” với chính sách “Người Việt trị người Việt,” biến miền Nam thành một nước thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
 Trước bối cảnh, tình hình ấy, Đảng ta kiên quyết đấu tranh để thực hiện Hiệp định Paris, gìn giữ hòa bình và từng bước gây dựng, phát triển phong trào cách mạng Việt Nam. Đồng thời, chuẩn bị lực lượng để chống trả sự can thiệp của không quân và hải quân Mỹ khi Ngụy quân Ngụy quyền Sài Gòn lâm vào tình thế bị ta tiêu diệt.

Đảng ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian hai năm 1975-1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 là làm cho quân đội ta lớn mạnh vượt bậc. Mở nhiều đợt tấn công nổi dậy, làm cho địch suy yếu nhanh chóng, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong năm 1976, đánh lớn, đánh nhanh, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng. Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. 
 

Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết-Lộc Ninh (tháng 4/1975).

Chiến thắng giải phóng toàn tỉnh Phước Long đầu năm 1975 cho thấy rõ quân Ngụy đã suy yếu nghiêm trọng, còn quân Mỹ không thể trở lại miền Nam Việt Nam. Chính điều này đã củng cố thêm quyết tâm chiến lược mà Đảng ta đã dự kiến năm 1974.

Trước tình thế, thời cuộc thay đổi từng ngày, thế và lực của ta ngày càng mạnh, Đảng ta đã quyết định mở cuộc Tổng tiến công chiến lược từ ngày 4/3/1975, bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế-Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngày 4/3/1975, ta nổ súng tấn công một số mục tiêu ở Pleiku để nghi binh tạo thế chiến dịch Tây Nguyên; Rạng sáng 10/3 đánh Buôn Ma Thuột mở cửa đột phá của cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975 giành thắng lợi giòn giã trên chiến trường Tây Nguyên.

Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp, kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975. Cùng khoảng thời gian đó, ta bắt đầu tiến công ở Trị-Thiên và Khu 5.

Đến 21/3/1975, ta phát triển thành chiến lược tiến công Huế- Đà Nẵng và giải phóng Huế ngày 26/3/1975. Với thắng lợi như “chẻ tre” trên chiến trường Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị kịp thời bổ sung chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam trước mùa mưa.

Ngày 29/3/1975, ta giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng và 5 tỉnh Bắc Trung Bộ. Đến ngày mùng 3/4/1975, ta đã quét sạch quân địch và giải phóng toàn bộ đồng bằng ven biển miền Trung.

Ngày 1/4/1975, căn cứ vào sự tấn công dồn dập như vũ bão của ta trên chiến trường, Bộ Chính trị lại tiếp tục bổ sung quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975, trước mùa mưa, không thể để chậm. 

Ngày 9/4/1975, ta bắt đầu cuộc chiến đấu tạo thế ở Đông Bắc, Tây Nam Sài Gòn và đánh địch ở toàn miền Đông Nam Bộ với việc huy động lực lượng lớn nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ, mở một chiến dịch tấn công quy mô nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam gồm bốn quân đoàn và một số đơn vị tương đương quân đoàn.

Ngày 26/4/1975, ta bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, buộc Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào 11 giờ 30 ngày 30/4/1975, gây chấn động cực kỳ dữ dội đến đồng bằng sông Cửu Long và Đông Dương.

Trong hai ngày 30/4-1/5/1975, đồng bào và chiến sỹ các tỉnh Đông Nam Bộ đã tiêu diệt, bắt sống và làm tan rã toàn bộ lực lượng quân địch và giải phóng toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn.

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đại thắng mùa Xuân 1975 là một trong những chiến công chói lọi nhất, đánh dấu bước ngoặt quyết định đưa đất nước ta bước hẳn vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đã bốn mươi sáu năm trôi qua kể từ ngày đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhưng ý nghĩa lịch sử trọng đại của nó vẫn còn nguyên giá trị.  
 
Bài, ảnh: Hoàng Mai
In Gửi Email