Chính phủ đồng ý chưa chuyển Bộ Công an cấp bằng lái xe
Chưa thay đổi cơ quan cấp bằng lái xe
Cụ thể, về dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB và Luật Đường bộ (tách ra từ Luật GTĐB), Chính phủ cơ bản thống nhất các nội dung tiếp thu, chỉnh lý hai dự án luật do Bộ Công an và Bộ GTVT chủ trì, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng. Trong đó có việc chưa thay đổi cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ đồng ý chưa thay đổi cơ quan quản lý
đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Dự thảo nghị quyết của Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung về phân cấp, phân quyền; cơ chế đặc thù đầu tư, xây dựng công trình đường bộ trong dự án Luật Đường bộ.
Việc chỉnh lý Luật Đường bộ theo nguyên tắc: Những gì vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong thực tiễn thì cần phải sửa đổi, bổ sung. Trường hợp sửa đổi, bổ sung mà gây mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác thì phải có biện pháp xử lý theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Cạnh đó, làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về việc xác định các khoản thu liên quan đến đường bộ; không quy định các vấn đề về tổ chức bộ máy trong dự án luật.
Bộ Công an và Bộ GTVT được giao tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát, thống nhất về phạm vi điều chỉnh của hai dự án luật trên bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp; không quy định về tổ chức bộ máy trong các dự án luật. Các bộ cũng cần rà soát, đề xuất xử lý các VBQPPL có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật. Báo cáo Thủ tướng những vấn đề mới phát sinh.
Chính phủ cũng đồng ý đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung hai dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ GTVT thực hiện quy trình bổ sung hai dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.
Nhiều ý kiến trái chiều
Trước đó, báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết qua lấy ý kiến của các bộ, ngành và chuyên gia cho thấy còn có ý kiến khác nhau về việc tách Luật GTĐB. Trong đó, ý kiến ủng hộ tách luật cho rằng việc này sẽ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng thừa nhận quan điểm này chưa thể tách triệt để các vấn đề về an toàn GTĐB, do an toàn GTĐB còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật của kết cấu hạ tầng và an toàn trong hoạt động vận tải được quy định trong Luật Đường bộ. Cạnh đó việc tách luật chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giao thông vận tải (Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa).
Còn ý kiến phản đối việc tách luật lại cho rằng để như hiện hành sẽ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giao thông vận tải. Bởi các luật này đều điều chỉnh đến bốn thành tố để tạo nên một chỉnh thể thống nhất gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, quy tắc giao thông.
“Bốn thành tố nêu trên luôn được liên kết chặt chẽ, đồng bộ và tương tác qua lại lẫn nhau trong mối quan hệ biện chứng, mỗi thành tố đều là tiền đề cho sự phát triển của các thành tố khác…” - Bộ GTVT lý giải thêm.
Về quy định lực lượng thanh tra đường bộ có được dừng xe vi phạm hay không, Bộ GTVT cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng của ngành nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB. Việc dừng xe là một biện pháp cần thiết để ngăn chặn ngay các hành vi gây hư hỏng, phá hoại kết cấu hạ tầng GTĐB.
Theo Bộ GTVT, nếu quy định thanh tra không được dừng xe sẽ không có biện pháp để ngăn chặn kịp thời các hành vi phá hoại đối với tài sản được Nhà nước giao cho ngành GTVT quản lý. “Điều này cũng sẽ không bảo đảm được nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh trong Luật Xử lý vi phạm hành chính…” - Bộ GTVT cho hay.•
Hai dự luật quy định gì? Sau khi tách Luật GTĐB, phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn GTĐB gồm: Quy tắc GTĐB; điều kiện phương tiện tham gia GTĐB; người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB; chỉ huy, điều khiển GTĐB; giải quyết tai nạn GTĐB; tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn GTĐB; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn GTĐB. Trong khi đó, Luật Đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng GTĐB, phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về GTĐB. |