Chiến lược giảm F0 tử vong tại Bình Dương
Bình Dương sắp xếp lại các khu cách ly, tập trung củng cố bệnh viện ở tầng 2, điều trị tại nhà F0 không triệu chứng để giảm áp lực lên tầng 3 và giảm tỷ lệ F0 tử vong.
Trong đợt dịch này Bình Dương ghi nhận gần 170.000 ca Covid-19, đứng thứ hai cả nước, sau TP HCM (hơn 320.000 ca). Số ca tử vong tại Bình Dương đến nay là 1.549 (tỷ lệ 0,9% tổng số ca mắc). Từ ngày 5/9, số tử vong ghi nhận cao nhất là ngày 10/9 với 55 ca, thấp nhất là ngày 13/9 với 32 ca. Số người được công bố khỏi bệnh mỗi ngày tại Bình Dương hiện nhiều hơn số lượng nhập viện. Cộng dồn đến nay là 128.668 trường hợp đã khỏi.
So tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm, Bình Dương thấp hơn TP HCM (12.768 người tử vong - gần 4% tổng số ca nhiễm).
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, được Bộ Y tế chỉ định làm Giám đốc Y khoa Bệnh viện dã chiến ICU Bình Dương), mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất trong công tác điều trị Covid-19 hiện nay là giảm nguy cơ tử vong.
"Phải thay đổi cách chống dịch, tập trung vào gốc rễ của nguyên nhân gây tử vong", PGS Hiếu nói và cho biết, trước đây ngành y tế triển khai cách ly tập trung với mục đích chính là giảm tỷ lệ F0 tử vong tại cộng đồng, hạn chế lây nhiễm. Nhưng trong chiến lược tiếp theo, các địa phương cần thay đổi hình thức cách ly tập trung.
Ông đề xuất giải tán các khu cách ly tập trung. Nơi nào đủ điều kiện sẽ trở thành bệnh viện tầng 1, tập trung thêm y bác sĩ và thuốc men, trang thiết bị, oxy. Để giảm áp lực cho bệnh viện dã chiến, chỉ điều trị tại cơ sở y tế những F0 có triệu chứng, người không có triệu chứng cho cách ly tại nhà.
Giải pháp này đã được bác sĩ Hiếu chia sẻ trong cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt hôm ngày 14/9, góp phần giảm áp lực cho bệnh viện tầng 3 và tỷ lệ F0 tử vong. Ngoài ra, Bình Dương đang tiếp tục xét nghiệm mẫu gộp trong các khu vực "vùng xanh", nhất là các khu vực nhà trọ, khu vực đông công nhân bởi trước đó nhiều công ty "3 tại chỗ" xuất hiện F0 do cùng làm việc, ăn ở nên lây lan rất nhanh.
Về điều trị, hiện Bình Dương vẫn áp dụng mô hình tháp 3 tầng điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế gồm: tầng một dành cho bệnh nhân không có triệu chứng (80%); tầng hai dành cho bệnh nhân triệu chứng nhẹ và trung bình (15%); tầng 3 điều trị bệnh nhân triệu chứng nặng và nguy kịch (5%). Trong đó năng lực điều trị ở tầng hai hiện có khoảng 4.200 giường và tầng 3 gần 1.000 giường, nhưng cả hai tầng chỉ hoạt động trên 50% công suất do số lượng F0 ở tầng một xuất viện cao.
Tỉnh mở rộng và chuyển đổi công năng của ba khu điều trị bệnh nhân Covid-19 gồm khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Trung tâm Y tế thị xã Bến Cát từ 40 giường lên 80 giường; khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thành phố Thuận An từ 250 giường lên 500 giường. Riêng khu điều trị bệnh nhân Covid-19 huyện Dầu Tiếng tại Trường Tiểu học Ngô Quyền với quy mô 500 giường tách 300 giường dành cho bệnh nhân Covid-19 tầng 1; 200 cho bệnh nhân Covid-19 tầng 2.
Lập 51 Trạm Y tế lưu động tại 26 xã, phường "vùng đỏ"; 90 Trạm Y tế lưu động ở "vùng xanh" để kịp thời xử trí ca bệnh, giảm áp lực lên tuyến đầu. Tỉnh tiếp tục áp dụng cách ly F0 tại nhà. Trong tình huống người bệnh xuất hiện triệu chứng hoặc có dấu hiệu nặng, nhân viên y tế tại các trạm y tế lưu động tại địa phương sẵn sàng hỗ trợ.
Bình Dương cần bổ sung thêm thuốc điều trị Covid-19 như thuốc chống đông, kháng viêm và nhân lực y tế. Tổng số y bác sĩ tăng cường tại Bình Dương khoảng 2.000 người. Trong đó, nhiều đoàn tham gia hỗ trợ rất lâu, như các y bác sĩ Phú Thọ đã chi viện hơn 3 tháng, Đại học Y Hà Nội 2 tháng. Lực lượng y bác sĩ tại Bình Dương đang tập trung ở bệnh viện tầng một và tầng hai; riêng tầng ba điều trị bệnh nhân nặng chỉ chiếm 10% nhân lực.
"Chiến lược điều trị luôn là khâu cuối trong quá trình kiểm soát dịch. Khi địa phương thông báo đã kiểm soát dịch được, khâu điều trị vẫn có thể kéo dài sau đó một tháng cho đến lúc bệnh nhân cuối cùng ra viện", PGS Hiếu nói.
Người dân Bình Dương được thăm khám trước khi tiêm vaccine Covid-19. Ảnh:Yên Khánh
Theo bác sĩ, tỷ lệ dương tính qua xét nghiệm tại cộng đồng ở mức trên 1% là tỷ lệ nguy hiểm. Ông cảnh báo người dân vùng xanh không nên lơ là các biện pháp phòng dịch, tình hình sẽ phức tạp nếu xuất hiện ca nhiễm. Tỉnh cũng cần tiến hành xét nghiệm cộng đồng có chọn lọc, không nên đại trà.
"Lấy mẫu đại diện gia đình, khu vực để test, mỗi ngày chỉ cần test 2-3 người để phân tích nguy cơ. Nếu tỷ lệ dương tính dưới 1% trên tổng số mẫu thì xử lý như bình thường. Nếu trên 1% coi như vùng nguy hiểm, lập tức tổ chức xét nghiệm diện rộng, đưa người có nguy cơ đi điều trị", PGS Hiếu nói.
Về tiêm vaccine, Bình Dương đã tiêm mũi một cho hơn 95% người từ 18 tuổi trở lên. Tổng số mũi đã tiêm là 1.908.969 liều (1.855.495 mũi 1 và 53.474 mũi 2). Toàn tỉnh còn thiếu khoảng hai triệu liều để đạt mục tiêu người dân toàn tỉnh từ 18 tuổi trở lên hoàn thành hai mũi, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo Ban chỉ đạo chống dịch tỉnh, Bình Dương có 7/9 huyện, thị xã, thành phố đã là "vùng xanh". Ngày 14/9, Chủ tịch UBND Bình Dương Võ Văn Minh đánh giá đỉnh dịch đã qua, các bệnh viện dã chiến hiện đã cơ bản ổn định, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, quá tải, mục tiêu ngày 20/9 phải hoàn thành việc xét nghiệm, tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Thùy An