Ca kịch “Khát vọng Dam Săn”: Thông điệp sống hòa hợp thiên nhiên
Cảnh chiến đấu của Dam Săn và Mtao Msei trong ca kịch "Khát vọng Dam Săn". |
Trong thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, tác phẩm đã mang đến cho công chúng nhiều cung bậc cảm xúc từ yêu ghét, thương mến, cho đến ngưỡng mộ qua diễn xuất của các nhân vật; đó là một H’Nhi (vợ Dam Săn) thủy chung, yêu chồng; là một Mtao Msei (tù trưởng) hung bạo, tham lam; hay Nữ thần Mặt trời xinh đẹp, uy quyền… Bên cạnh đó, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc trong đời sống buôn làng như bến nước, nhà dài được lồng ghép trong từng phân cảnh, cũng như âm nhạc có sử dụng những nhạc cụ truyền thống của Tây Nguyên khiến người xem thực sự bị cuốn hút theo cảm xúc của nhân vật, nhất là ở những đoạn độc thoại. Chăm chú thưởng lãm tác phẩm, nhạc sĩ Trần Tiến thốt lên: Nguyễn Cường đã thay mặt thế hệ chúng tôi làm ra một vở opera xứng tầm quốc tế chứ không chỉ ở Việt Nam. Các ca sĩ hát rất hay, đạo diễn hình ảnh, sân khấu, biên đạo, múa, phối khí, hợp xướng… hấp dẫn người xem từ đầu đến cuối, với thời lượng thời gian khá dài; đây là một thành công mới rất thú vị".
Dam Săn và H'Nhi trong tác phẩm ca kịch "Khát vọng Dam Săn". |
Dù tác phẩm ca kịch được viết nên trên nền sử thi Dam Săn của dân tộc Êđê, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn xây dựng thêm những tình tiết mới như: tình yêu của Nữ thần Mặt trời với Dam Săn; nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối; H’Nhi trong giây phút thiêng liêng đón ánh sáng về với buôn làng, gặp lại Dam Săn, cũng là lúc chàng ra đi mãi mãi, nàng đã cắn tay mình mong cứu chồng và từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên muôn đời hùng vĩ, tất cả đã làm nên một khúc ca ân tình, ngợi ca vẻ đẹp tình yêu của con người và thiên nhiên. Đó là thông điệp của ca kịch này, cũng là mong ước của người dân, được sống hòa hợp với thiên nhiên. Đó cũng là điểm nhấn, đưa người xem đến cao trào của cảm xúc.
Chiếc váy thổ cẩm được sử dụng trong vở ca kịch đã khắc họa nên vẻ đẹp của thiếu nữ Êđê. |
Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” còn là một tác phẩm ghi dấu trên nhiều lĩnh vực, đánh dấu sự trưởng thành trong nhận thức của nhiều thế hệ diễn viên. Rời vai diễn Nữ thần Mặt trời, nữ ca sĩ Minh Chi vẫn bừng tỏa cảm xúc, chị tâm sự: “Từ khi tập luyện cho đến khi trình diễn chính thức rất nhiều lần, nhưng lần nào với tôi cũng vẹn nguyên cảm xúc. Được giao vai diễn Nữ thần Mặt trời là điều tự hào nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề. Lần đầu tiên diễn ca kịch, đòi hỏi diễn viên rất nhiều về kỹ năng, vì có những đoạn độc thoại, thể hiện tâm lý nhân vật, nên ngoài sự hỗ trợ của các nhạc sĩ, tôi còn nghiên cứu tài liệu, xem các tác phẩm ca kịch trên thế giới để học hỏi. Thể hiện thành công vai diễn này, đối với tôi đó là một bước ngoặt trong sự nghiệp”.
Bến nước (hậu cảnh phía sau nhân vật) được đưa vào trong ca kịch "Khát vọng Dam Săn". |
Có thể nói, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên ngàn đời nay của đồng bào Êđê nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung; góp phần đa dạng hóa các sản phẩm văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên trong giai đoạn hiện nay. Điều này được khẳng định qua chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh: “Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng tỉnh vẫn quan tâm để tác phẩm được hoàn thiện. Và chúng tôi hy vọng rằng, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ thật sự đi vào đời sống, tất cả người dân đều được thưởng thức và yêu mến. Từ đó, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, cho dù có đi đâu, làm gì thì vẫn giữ tình yêu với buôn làng".
"UBND tỉnh sẽ giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch cụ thể để đưa tác phẩm đến với công chúng. Trước hết là diễn tại các buôn làng trên địa bàn tỉnh, sau đó là ở các tỉnh Tây Nguyên để nó thật sự là nhịp cầu nối văn hóa các dân tộc tỉnh Tây Nguyên và lan tỏa ra thế giới". Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh |
Mai Sao