Bộ VHTTDL nỗ lực bắt kịp xu thế chuyển đổi số
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương chủ trì buổi làm việc với Tập đoàn FPT về việc tư vấn chuyển đổi số của các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL
Theo kế hoạch chuyển đổi số năm 2002, Bộ VHTTDL đưa ra mục tiêu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện lên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Bộ và trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính của Bộ được đồng bộ đầy đủ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 100% thủ tục hành chính được rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. 60% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ và thiết lập kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân để hỗ trợ quản lý, lưu giữ thông tin, dữ liệu điện tử liên quan đến giao dịch hành chính của tổ chức, cá nhân; hạn chế tối đa việc yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp lại thông tin, giấy tờ. 100% thủ tục hành chính được số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa đơn vị. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)… Bên cạnh đó, hình thành nền tảng dữ liệu số phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của Bộ, Bảo đảm an toàn thông tin mạng, Phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số… Bộ VHTTDL đã, đang có những chỉ đạo nhanh chóng, kịp thời đến các cơ quan trong Bộ để thực hiện nghiêm túc và đạt được các mục tiêu trên.
Mới đây, trong buổi làm việc với Tập đoàn FPT về việc tư vấn chuyển đổi số, các đơn vị của Bộ VHTTDL như Tổng cục Du lịch, Tổng cục TDLL, Cục Di sản… cũng đã báo cáo với Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương về tiến độ thực hiện tại đơn vị và đưa ra những đề xuất để đẩy nhanh việc chuyển đổi số. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết yêu cầu chuyển đổi số nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới là việc cần phải thực hiện nghiêm túc, bài bản và thực hiện đúng tiến độ đề ra. “Công tác chuyển đổi số phải kịp thời, chi tiết, cụ thể để đáp ứng tốt việc quản lý, điều hành. Đơn cử như lĩnh vực thể thao, phải làm sao có được hệ thống dữ liệu về vận động viên phục vụ cho công tác nghiên cứu, chuyên môn hay lĩnh vực di sản văn hóa phải có được cơ sở dữ liệu số để phục vụ công tác quản lý. Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thư viện, bản quyền tác giả… cũng phải có những chuyển biến trong thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong chuyển đổi số”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết.
Để góp phần thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL, Tập đoàn FPT cũng đã đưa ra một số đề xuất. Trong đó, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo vào xử lý hồ sơ, tự động hóa quy trình nghiệp vụ. Số hóa hồ sơ (điện tử, giấy), chuyển đổi từ hồ sơ điện tử sang dữ liệu số hóa, liên thông quy trình. Ứng dụng trí tuệ thông minh hỗ trợ tìm kiếm, xử lý nghiệp vụ tự động. Việc này sẽ nâng cao hiệu quả công việc cũng như quản lý được chất lượng, năng suất công việc. Cùng với đó, ứng dụng công nghệ để số hóa về di sản Việt Nam phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản; tạo lập dữ liệu số, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân tham gia khai thác, sáng tạo các dịch vụ mới. FPT cũng đưa ra giải pháp xây dựng nền tảng “hướng dẫn viên ảo” dùng chung cho các bảo tàng, di tích lịch sử có khả năng tương tác tự nhiên, đa ngôn ngữ nhằm cung cấp trải nghiệm mới cho khách tham quan, du lịch. Việc tạo lập cơ sở dữ liệu về các ngành công nghiệp văn hóa, nền tảng thông tin đăng ký bản quyền ứng dụng công nghệ chuỗi khối, nền tảng quản lý giáo dục thông minh cho các trường đào tạo của Bộ, đặc biệt xây dựng trung tâm điều hành thông minh phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo của Bộ cũng được FPT đề cập và đưa ra các giải pháp. Theo đó, triển khai đồng bộ trung tâm điều hành thông minh cùng kho dữ liệu tích hợp; dữ liệu chi tiết được chia sẻ, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính; dữ liệu tổng hợp cung cấp thông tin báo cáo kịp thời, kết hợp thông minh… nhằm giúp lãnh đạo Bộ có thông tin để chỉ đạo, điều hành kịp thời…
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần tiếp thu các đề xuất tư vấn, sau đó có thể làm việc với Tập đoàn FPT để được tư vấn và có những giải pháp cụ thể, chi tiết trong việc chuyển đổi số của ngành mình, lĩnh vực của mình. Từ đó, có thêm những thông tin, giải pháp để tháng 10 tới đây đưa ra bàn thảo tại hội nghị về chuyển đổi số của Bộ VHTTDL.
Công tác chuyển đổi số phải kịp thời, chi tiết, cụ thể để đáp ứng tốt việc quản lý, điều hành. Đơn cử như lĩnh vực thể thao, phải làm sao có được hệ thống dữ liệu về vận động viên phục vụ cho công tác nghiên cứu, chuyên môn hay lĩnh vực di sản văn hóa phải có được cơ sở dữ liệu số để phục vụ công tác quản lý. Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, thư viện, bản quyền tác giả… cũng phải có những chuyển biến trong thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong chuyển đổi số.
(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)
H.ANH