Cập nhật lúc: 27/05/2021

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì?

 

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì?


Ngày nay chúng ta đã nói quá nhiều về nền cách mạng 4.0, và chỉ cần lên mạng “sợt” cụm từ cách mạng 4.0 thì bạn có thể thấy đủ các loại bài báo với đủ loại tiêu đề: rằng cả thế giới đang tiến đến xã hội 4.0, Nhật Bản đang tiến đến xã hội 5.0, rằng cách mạng 4.0 có mặt trên mọi phương diện cuộc sống. Và quả thực, nền cách mạng 4.0 đã tác động trên mọi mặt, từ báo chí, nhân lực, sản xuất,...

Vậy nền điện ảnh của chúng ta nằm đâu trong dòng thay đổi đó?

Điện ảnh - bộ môn nghệ thuật thứ 7 của đời sống. Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, điện ảnh giờ đây là món ăn quen của mọi nhà, mọi người, là thức quà giải trí của cả xã hội. Điện ảnh được người ta yêu mến và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, vẫn mang tính chất của một môn nghệ thuật, nó cũng bám rễ, song hành và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ đời sống, nó phản ánh đời sống, đồng thời cũng định hướng cho sự phát triển xã hội thông qua tác động đến người xem.

Lật lại tiến trình lịch sử, tính đến nay, nhân loại đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp: Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học với 3 đặc trưng chính: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of things (IOT) và hệ thống dữ liệu lớn (Big Data).

Song hành cùng các cuộc cách mạng công nghiệp, nền điện ảnh cũng có những sự chuyển biến nhất định, từ hình ảnh đoàn tàu hơi nước đầu tiên trên phim ảnh, đến những công xưởng không người, rồi đến robots có trí tuệ nhân tạo,... Các cuộc cách mạng công nghiệp trước nói chung và cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng, đều in lại những dấu riêng qua các thước phim điện ảnh, thậm chí nó còn thay đổi cả chuẩn mực của nền điện ảnh.

Đầu tiên, sản xuất điện ảnh 4.0 thì có gì khác?

Nền điện ảnh 4.0 là nền điện ảnh tích hợp công nghệ, tức là công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ, đa diện, từ khâu sản xuất đến trình diễn và trải nghiệm  của khán giả. Nhưng không chỉ thay đổi về mặt công nghệ và tính vật lý, nền điện ảnh 4.0 còn là sự đột phá về tư duy làm và thưởng thức phim ảnh.

Sự thay đổi rõ ràng nhất là đến từ cách làm phim, cách làm phim hiện nay quả thực đã tận dụng tối đa xu thế của nền công nghệ 4.0. Điều này ta có thể thấy rõ qua điển hình qua ứng dụng công nghệ chính: thiết bị bay không người lái (drones), hay công nghệ in 3D, ứng dụng cân bằng sáng, công nghệ AI trong thiết kế hình ảnh và âm thanh.

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 1.

Drones từng là một thứ đồ chơi tốn pin, kém an toàn và tốn kém nếu quay phim. Muốn quay được một thước phim “chất phát ngất” trên cao, thì đoàn làm phim thậm chí phải dùng trực thăng để quay. Nhưng ngày nay, khi drones pin “trâu” hơn, bộ điều khiển chuẩn hơn, bay nhanh và xa, thì nó trở thành một món hàng ưa thích của các đoàn làm phim bởi tính “ngon bổ rẻ” - vừa an toàn, tiết kiệm, nhanh chóng. Đồng thời, sự gia tăng của drones trong khâu sản xuất phim đã đem lại một trải nghiệm mới cho khán giả mới những cảnh quay mở, chất phát ngất cùng công nghệ HD, 4K sắc nét.

Tuy không thể phủ nhận trải nghiệm tuyệt vời mà drones đem lại, song sự gia tăng đột biến của nó đã khiến cho người xem có phần “ngán”, thậm chí là cảm thấy nhàm trước sự lạm dụng drones của các nhà làm phim hiện nay.

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 2.

Một cảnh quay mãn nhãn với drones trong Kong: Skull Island.

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 3.

Drone - một trợ thủ đắc lực cho các đoàn làm phim bên cạnh hệ thống máy quay truyền thống.

Nhưng ngày nay, khi drones pin “trâu” hơn, bộ điều khiển chuẩn hơn, bay nhanh và xa, thì nó trở thành một món hàng ưa thích của các đoàn làm phim bởi tính “ngon bổ rẻ” - vừa an toàn, tiết kiệm lại nhanh chóng.”

Nếu như các ứng dụng, phần mềm góp phần làm khâu hình ảnh dễ dàng hơn, biến các ý tưởng của nhà làm phim, đạo diễn thành hình ảnh, thì công nghệ in 3D lại giúp biến các ý tưởng đó thành hình thành khối cụ thể. Công nghệ in 3D đã và đang giúp đỡ ngành công nghiệp điện ảnh rất nhiều trong việc tạo ra các đạo cụ đóng phim đẹp và chân thật, làm dễ dàng hơn cho người diễn viên và ekip trong quá trình quay. 

Trong tương lai, loại công nghệ này chắc chắn sẽ được phát triển nhiều hơn nữa. David Sheldon-Hicks ( đạo diễn tại Territory Studio) đã nêu ra ra những ấn phẩm 3D góp phần tạo nên sự thành công của một số bộ phim nổi tiếng như: Cái mái vòng phi thuyền của Peter Quill trong Guardians of the Galaxy, tàu vũ trụ trong phim Ex Machina và Avengers: Age of Ultron,...

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 4.

Một đạo cụ của loạt phim Star Wars đang được chế tác.

Nhờ vào sự phát triển của công nghệ, điện ảnh ngày nay được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại để giúp ánh sáng được cân bằng tốt nhất và độ rung trong mỗi thước phim bị giảm đi tối thiểu. Trên thực tế, các cảnh quay phim ngày càng trở nên đa dạng, hiện đại trên mọi nền điện ảnh chứ không riêng gì Hollywood nữa.

Dưới sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, AI được phát triển và sử dụng trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả điện ảnh với phân mảng soạn kịch và âm thanh. Các nhà nghiên cứu tại NYU đã phát triển công nghệ AI (có tên là Benjamin) thứ mà có thể soạn lên một kịch bản hoàn chỉnh. Theo Annalee Newitz tại Ars Technica, Benjamin đã tạo ra kịch bản một bộ phim khoa học viễn tưởng ngắn về ba người. “Bằng cách nào đó, một loạt các câu chuyện cũ bị cắt xén và viết lại trở thành một câu chuyện về sự lãng mạn và giết chóc, được đặt trong một thế giới tương lai đen tối”, Newitz viết. "Nó thậm chí còn có thể tạo ra âm nhạc riêng của mình với một bài hát pop Benjamin sáng tác sau khi học từ một kho tàng của 30.000 bài hát pop khác."

Mặc dù kịch bản không có khả năng giành giải thưởng sớm cho cốt truyện và chiều sâu nhân vật của nó, nhưng đây là một cái nhìn thú vị về lĩnh vực AI và sự sáng tạo.

Ngày xưa, nhắc đến công nghệ thực tế ảo, ta nghĩ games. Ngày xưa, nghĩ đến xem phim “xịn sò” ta nghĩ đến kính 3D. Nhưng ngày nay thì không còn như vậy nữa. Sự cải tiến của công nghệ thực tế ảo ngày nay đã đem lại cho khán giả trải nghiệm “thật trên từng centimet” trong mỗi thước phim. Bạn cứ nhìn cách mà The Nun dọa “té khói” khán giả bằng công nghệ VR thì biết rồi đấy.

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 5.

Nhớ cái thời chúng ta còn bé, đi qua rạp phim ta thấy người ta quảng cáo về màn hình 4K, 5K gì đó, về chất lượng siêu nét, hình ảnh siêu chuẩn,... nhưng dần rồi đó không còn là lợi thế của các rạp chiếu và các nhà sản xuất điện ảnh nữa. Giờ đây, mỗi nhà, với một chiếc ti vi thông minh, hay chỉ đơn giản một chiếc điện thoại tích hợp kho dữ liệu phim ảnh thì chúng ta có thể biến nhà mình, phòng khách hay thậm chí phòng ngủ thành một rạp chiếu mini với chất lượng hình ảnh không kém mà lại còn rất tiện lợi và thoải mái. Thậm chí việc quay phim, video 4K bằng điện thoại cũng được tích hợp luôn trong những con điện thoại đời mới. Mà điển hình đi đầu chính là Iphone với công nghệ quay phim 4K đấy thôi.

Chưa bao giờ mà chúng ta mơ đến những điều siêu thực nhiều như thế, về những thế giới khác, những con người khổng lồ, huyền thoại và hơn nữa. Cách mạng 4.0 đem đến những điều không tưởng, và bởi thế chúng ta luôn đem tâm thế của những kẻ mơ mộng, bởi những điều từng tưởng điên rồ nay đã có thật, vậy còn điều gì mà không thể? Thế giới bây giờ, mỗi ngày là một sự đột phá không tưởng.

“Đu trends” theo thế giới, điện ảnh cũng làm phim về những điều không tưởng. Bây giờ ra rạp, ta thấy phủ sóng là “trận chiến doanh thu” của những siêu anh hùng, huyền thoại, những nhân vật cổ tích. Không chỉ vậy, sự xuất hiện của xã hội công nghệ trên mọi mặt trận phim ảnh xuất hiện với tần suất ngày càng tăng, từ phim thực tế đến viễn tưởng. Cứ 10 siêu anh hùng, ta lại thấy 6 đến 7 người là những anh hùng công nghệ - những con người nhờ công nghệ hoặc kiểm soát được công nghệ tương lai và trở nên phi thường như: Captain America, Ironman, Hulk, Batman,...

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 6.

Kỹ xảo phim điện ảnh đang dần đi đến “đẳng cấp mới”.

Bây giờ, một phim bom tấn không chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí lớn, “ngôi sao phòng vé”, nội dung hay diễn xuất mà còn phải “trông cậy” rất nhiều vào tổ hình ảnh. Có một chất lượng hình ảnh mượt, kỹ xảo đẹp như mơ, kỹ xảo xuất sắc, công nghệ CGI thật mượt thì coi như bộ phim đã thắng phân nữa. Tuy nhiên, chính sự phát triển của kỹ xảo điện ảnh cũng đã dẫn đến sự lạm dụng kỹ xảo của một phần không nhỏ các nhà làm phim hiện đại. Cứ 5 phim bom tấn thì phải đến 4 phim kỹ xảo đầy mẻ, mà nói đây xa những series luôn-luôn-xài-kỹ-xảo như Avenger, Transformer,... Chính điều này đôi lúc đã khiến khán giả cảm thấy “ngán” các dòng phim điện ảnh kỹ xảo.

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 7.

Sự góp mặt của công nghệ CGI trong “dàn anh em” kỹ xảo đã góp phần tạo nên những thước phim ngoài-tưởng-tượng.

Cuộc cách mạng 4.0 đã thay đổi cả tư duy làm phim và tư duy tiếp nhận phim ảnh. Ngày nay, Gu” của khán giả 4.0 đã không còn giống các thời kỳ trước nữa.

Ngày xưa, mỗi lần có phim, ta lại phải ra rạp rồi đặt suất chiếu, thanh toán bằng tiền mặt rồi lại chờ phim chiếu. Nhưng ngày nay thì không còn mấy ai như vậy nữa. Cho dù bạn đang ăn hay đang tắm, chỉ cần mở app xem phim lên, check lịch chiếu, tick tick các lựa chọn, đặt suất và rồi đến giờ thì cứ ra rạp tận hưởng rồi về. Sự phát triển công nghệ nói chung đã góp phần mạnh mẽ vào khâu tối ưu hóa thời gian, thủ tục,... bây giờ ra rạp coi phim không còn chỉ dành cho giới thượng lưu mà dành cho mọi tầng lớp, lứa tuổi, là thú vui giải trí cho mọi nhà sau ngày làm việc vất vả.

Mà đôi khi bạn còn chả cần ra rạp nữa, bởi bây giờ chỉ ngồi nhà thôi bạn cũng không thiếu các loại lựa chọn, như xem phim streaming của Netflix chẳng hạn? Khán giả bây giờ thích xem streaming hoặc chương trình từ các hãng đĩa như Netflix, Amazon Prime hơn là các phim truyền hình từ studios bởi sự tiện dụng và thoải mái, đặc biệt là bởi sự lên ngôi của đủ thứ mạng. Minh chứng là sự phất lên như diều gặp gió của các hãng dịch vụ như Netflix, Netflix bây giờ không chỉ cho thuê video, DVD hay streaming nữa mà đã bắt đầu tự sản xuất các phim dài tập của riêng mình. 

Điện ảnh thời 4.0: Cuộc chuyển mình của công nghệ mang đến cho người xem phim những gì? - Ảnh 8.

Đầu tháng mười năm nay, công ty này thông báo đã có đến hơn 69,17 triệu người theo dõi trên 40 quốc gia, hoàn toàn đánh bại các hãng truyền hình cáp truyền thống ở Mỹ. Ước tính đến hết năm nay, doanh thu từ các dịch vụ streaming sẽ vượt mặt doanh thu từ các bộ phim truyền hình (theo Nielsen). Và nếu các nhà sản xuất phim không có cái nhìn nghiêm túc hơn, đánh giá nghiên cứu thị trường hơn thì sớm thôi, các studio sẽ phải “xách dép chạy dài” theo các hãng đĩa như Netflix.

Mà cho dù có ra rạp thì cách chọn phim cũng rất nhiều kiểu: đầu tiên phải là phim có kinh phí khủng, hình ảnh/kỹ xảo chất lượng xuất sắc, tiếp là nên về điều gì đó kỳ bí, lạ lùng hay đặc biệt, và phải là phim có hệ thống, có hẳn cả vũ trụ riêng cơ. Mà đã ra rạp xem phim, thì rạp phải sạch, âm thanh phải tốt, hình ảnh phải xuất sắc, đem lại trải nghiệm xuất sắc thì mới là được. Và rồi còn đủ các vấn đề kỳ lạ khác.

Bên cạnh sự đột phá trong tư duy làm phim và xem phim, cách quảng bá điện ảnh trước cuộc cách mạng 4.0 cũng có nhiều đổi khác.

Một trong những thế mạnh nổi bật nhất của cách mạng 4.0 là trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu vạn vật kết nối - Internet of things (IOT). Trên nền tảng sử dụng mạng xã hội đang gia tăng mạnh mẽ, IOT đã giúp kết nối dữ liệu của hàng triệu người dùng, tạo ra kho chứa dữ liệu lớn, từ đó mỗi người dùng được các đơn vị liên quan dùng AI phân tích hành vi, độ tuổi,... từ đó đưa ra các gợi ý về phim ảnh gần với sở thích người dùng nhất. Từ đó, tối ưu hóa hiệu quả quảng cáo phim.

Hoặc ngoài ra, một phim hiện nay cũng được đánh giá, chịu ảnh hưởng trên nhiều mặt. Sự phát triển của MXH cho phép người ta review bàn tán, đánh giá phim công khai, sôi nổi trên mạng. Điều này có thể trở thành đòn bẩy kích thích doanh thu cho bộ phim, nhưng ngược lại, nếu không biết sử dụng đúng cách, nó sẽ là hòn đá dìm thành công của bộ phim xuống đáy bể. Thậm chí đôi khi, sự thành hay bại của một bộ phim chỉ phụ thuộc vào một bài review hay một dòng hashtag mà thôi.

Có thể nói trong một thế giới 4.0, điện ảnh cũng không nằm ngoài luồng mà phải chuyển mình sang một thế hệ mới: điện ảnh 4.0 với những đặc tính, đặc thù khác biệt.

Mặc dù gần đây, khi nhiều quốc gia đã dần đi đến cách mạng 5.0, song nền điện ảnh vẫn chưa dung hòa được hết tất cả các yếu tố của một nền công nghệ mới 4.0. Vì vậy mà trong tương lai không xa, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều cuộc lột xác của điện ảnh hơn nữa, đặc biệt là ở Việt Nam. Và có lẽ là quá sớm để chúng ta đi đến một kết luận cụ thể cho một nền điện ảnh mới còn đang lột xác, một mình minh mới của điện ảnh chỉ mới vừa ló rạng mà thôi.

In Gửi Email