Chuyển đổi số trong hoạt động truyền thanh cơ sở
Sân chơi bổ ích
Truyền thanh cơ sở là kênh thông tin chính thống quan trọng để truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, địa phương đến từng thôn, buôn, từng người dân; góp phần quan trọng củng cố sự đoàn kết, đồng thuận xã hội ngay từ cơ sở. Liên hoan chính là một sân chơi bổ ích giúp những người làm công tác truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh được học hỏi, rèn luyện kỹ năng chuyên môn.
Anh Trịnh Bá Tuấn (Đài Truyền thanh xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Chuẩn bị cho Liên hoan, chúng tôi thường xuyên đi cơ sở, nắm thông tin các hoạt động trên địa bàn xã, lựa chọn và phản ánh những thông tin thời sự, thiết thực để tuyên truyền”. Những tin như phong trào nuôi heo đất để hỗ trợ người nghèo xây nhà, mua cây giống, con giống phát triển kinh tế trên địa bàn xã Quảng Hiệp... được nhiều khán giả đón nhận và tích cực hưởng ứng. Với sự chuẩn bị chu đáo, đội Cư M’gar đã nhận được kết quả cao tại Liên hoan.
Đội huyện M'Drắk tham gia phần thi sản xuất chương trình. |
Tham dự Liên hoan, chị Trần Thị Ánh Vân (Đài Truyền thanh phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chăm chú xem phần thi của các đội bạn để học hỏi kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng. Với chị, việc lựa chọn trang phục cho phù hợp đến cách xây dựng và thể hiện chương trình... đều phải kỹ lưỡng, chỉn chu.
Là phát thanh viên cao tuổi nhất tham gia Liên hoan, ông Đặng Văn Đậu (Đài Truyền thanh xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) cho hay, ông đã học được nhiều điều bổ ích, thiết thực phục vụ chuyên môn, nhất là kinh nghiệm viết lời dẫn, cách dẫn dắt sự chú ý của người nghe, thu thập thông tin viết tin, bài, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt công tác tuyên truyền ở địa phương.
Kế hoạch số 4479/ KH-UBND ngày 26/5/2020 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở các cấp được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật phù hợp với vị trí việc làm. |
Ban tổ chức Liên hoan đánh giá cao tinh thần tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của các đội thi, nhận xét chất lượng các đội đồng đều, tất cả các phần thi đều đạt điểm khá trở lên, nhất là các phát thanh viên đã thể hiện sự chuyên nghiệp trên sân khấu, thể hiện sự tâm huyết với nghề nghiệp của mình.
Chuyển đổi phù hợp xu hướng phát triển
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan, Liên hoan năm nay có nhiều điểm mới so với những kỳ liên hoan trước.
Cụ thể, Ban tổ chức đã sớm phổ biến, tuyên truyền về Liên hoan đến cơ sở, giúp các đơn vị có nhiều thời gian chuẩn bị, cũng như thực hiện vòng sơ khảo. Về các phần thi đã có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế phát triển; không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu các văn bản liên quan đến công tác truyền thanh ở cơ sở, hay biên tập, sản xuất chương trình đã thu sẵn, mà năm nay các đội đã tham gia sản xuất chương trình phát thanh và phần thi phát thanh viên đài truyền thanh cơ sở bằng hình thức trực tiếp, giúp các thí sinh có thêm nhiều trải nghiệm và phát huy được sở trường của bản thân.
Đặc biệt, năm nay Liên hoan đã ứng dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo vào các phần thi như sản xuất chương trình phát thanh bằng việc ứng dụng các phần mềm có tính năng chuyển từ văn bản Word sang giọng nói; đó cũng là một trong những xu hướng phát triển của truyền thanh cơ sở hiện nay.
Ban tổ chức trao giải cho các đội đạt thành tích xuất sắc tại Liên hoan. |
Anh Đỗ Quang Dũng (Đài Truyền thanh xã Ea Ngai, huyện Krông Búk), đơn vị giành giải Nhất tại phần thi sản xuất chương trình phát thanh bằng việc ứng dụng các phần mềm có tính năng chuyển chương trình phát thanh từ văn bản Word sang giọng nói bày tỏ: “Đơn vị chúng tôi đã ứng dụng phương pháp này trong công tác truyền thanh đã lâu, nhất là trong thời gian thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phương pháp này như là một phương án dự phòng và tạo sự mới mẻ trong công tác tuyên truyền qua các kênh fanpage, Zalo; đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân lực cho đơn vị”. Với kinh nghiệm của mình, anh Dũng cũng chia sẻ thêm một số khó khăn, thuận lợi trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào truyền thanh cơ sở đến các đơn vị bạn.
Một số đơn vị dự thi cho hay đã được tập huấn về kỹ thuật này, nhưng thực tế còn thiếu trang thiết bị nên chưa thể ứng dụng. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ thiết thực để các đài truyền thanh cơ sở đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần xây dựng chính quyền số tại cơ sở.
Ánh Ngọc